Những đứa trẻ tự mưu sinh giữa thủ đô

Những đứa trẻ tự mưu sinh giữa thủ đô
Tối cuối tuần, phố Lương Đình Của (Đống Đa, Hà Nội) náo nhiệt với hàng chục "nhân viên" nhí của các cửa hàng ốc, chân gà nướng... lao ra giữa đường mời khách.

>> Một cô gái bị đánh đập, nhục hình suốt 10 năm

Những đứa trẻ tự mưu sinh giữa thủ đô ảnh 1
Ra sức dắt xe cho khách. Ảnh: Tuấn Anh (VnExpress).

Vài chiếc xe máy đời mới đỗ xịch trước cửa hàng ốc Minh Hương, hai cậu bé đen nhẻm, gầy gò lao ngay ra, nhảy phắt lên xe, rồ ga phóng thẳng vào một góc khuất cất xe cho khách.

Tại bàn, một cậu bé khoảng 13 tuổi, ra hướng dẫn bàn cho khách. Một cậu nhí khác đã lễ khễ bê khay đựng sung, xoài, gia vị ra đứng chờ. Khi khách yên vị, cậu nhoẻn miệng: “ Anh, chị dùng luộc hay xào? Ngô và rượu luôn nhé?".

Những giọt nước mắt trẻ thơ

Nhìn dáng người nhỏ nhắn của Hoà ít ai nghĩ cậu bé đã 15 tuổi, quê Thanh Sơn, Phú Thọ. Hoà cho biết, có 15 "nhân viên" nhí, phục vụ cho gần 10 quán ăn ở đây. Hầu hết ở độ tuổi 14 - 15. Đa phần là quê Phú Thọ, cũng có một số ở tỉnh khác. Vừa nói cậu vừa liếc sang nhìn bà chủ: '"Bà chủ em mà biết ngồi buôn dưa lê với khách, thế nào em cũng bị… phạt".

14 tuổi, nhưng nhìn Sơn không khác cậu bé chưa lên 10 tuổi. Mới vào làm việc cho quán ốc này nửa tháng, ít nói và chậm hơn so với các "đồng nghiệp" nên Sơn thường xuyên bị các anh, chị giục giã. Còn đang thu dọn "bãi chiến trường" do khách để lại, cậu bé giật nảy mình vì tiếng quát "Sơn ra lau bàn, lấy tăm, bê ốc cho khách". Những lời sai khiến cậu cuống quýt lật đật chạy đi.

Đang học dở lớp 7, Hường bỏ học xin bố mẹ cho phép theo bạn bè ra Hà Nội kiếm sống. Tuy thương con nhưng bố mẹ cũng chẳng biết khuyên cô thế nào, bởi đã nhiều tháng nay nhà trường gửi giấy thu học phí về nhà nhưng gia đình cô vẫn không biết xoay ở đâu. Nói chuyện với khách, Hường lại nghẹn giọng nấc lên, mặt luôn cúi gằm.

"Ban đầu, em làm việc cho một quán lớn phải hai tay mới bê được nhưng em thường phải bê một lúc hai bát, lâu dần cũng quen", Hường nói.

“Hồi mới lên, em cũng nhớ nhà lắm, nhiều đêm không ngủ được. Suốt ngày các bà chủ la hét, nhiều khi ức quá muốn bỏ về ở với bố mẹ…nhưng nghĩ lại đành chấp nhận”, Hường chia sẻ.

Do làm quá nhiều, không quen việc nên cô bé bị ốm. Chủ nhà cho về chơi mấy hôm nhưng khi lên đã "mất chỗ". Thay vào đó là một cậu bạn khác to béo hơn. Hường phải đầu quân cho mấy quán ốc trên phố Lương Định Của.

Những đứa trẻ tự mưu sinh giữa thủ đô ảnh 2
Thu dọn sau bữa ăn của thực khách. Ảnh: Tuấn Anh (VnExpress).

Tại chỗ làm mới, cuộc sống của Hường cũng không khá hơn. Chiều chiều, cả lũ trẻ mang, vác bàn ghế, đồ đạc ra vị trí chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

"Bán hàng xong, bà chủ cầm túi tiền ra về, bọn em ở lại dọn dẹp. Đến 1 - 2h sáng, chúng em mới được đi ngủ. Nhiều hôm khách đến ăn khuya, cả chủ lẫn nhân viên cắm đầu cắm cổ chạy hàng khi có bóng dáng của…công an xuất hiện", Hường kể.

Tân, nhân viên cũng làm việc trong một quán ăn ở quận Đống Đa cho biết, hồi mới vào làm, em cũng chỉ nhận được 300.000 đồng mỗi tháng. Sau 6 tháng thử việc, ông bà chủ đã quyết định tăng lên gấp đôi.

Theo cậu bé gốc Thanh Hóa này, để nhận được những đồng lương ít ỏi đó, các "nhân viên" nhí phải trả giá bằng những lời mắng chửi, nhiếc móc, phạt, thậm chí còn bị một “ma cũ” hành hạ.

Hình thức phạt chủ yếu của quán ốc là rửa bát (nếu phạm một trong những lỗi: ngồi lên xe máy của khách, không tập trung vào việc chuyên môn). Nặng hơn, chủ quán trừ lương.

Nguyễn, một "nhân viên" nhí đang giúp việc cho một gia đình trên phố Thái Thịnh cho biết: "Hễ vỡ một cái cốc, cái bát hoặc không vừa lòng việc gì cũng bị ăn chửi. Thậm chí bà chủ còn dọa, nếu bỏ về bà sẽ trừ một tháng lương để kiếm người khác thay thế”.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như Nguyễn. Làm cho một hàng phở tại Đê La Thành 5 tháng, mỗi tháng 400.000 đồng nhưng khi Linh chuyển nơi làm mới, chủ quán chỉ trả cho 200.000, rồi hẹn sau quay lại lấy. "Thời gian thì không có em đã quay lại nhiều lần nhưng vẫn chưa lấy được", Linh cho biết.

"Bọn em đến đây gần năm rồi chỉ thấy mấy lần công an khu vực bắt đi lăn vân tay thôi, chứ chưa thấy một tổ chức xã hội nào giúp đỡ. Nhiều lúc nhìn những đứa trẻ khác bằng tuổi tung tăng cấp sách đến trường, nô đùa cùng bạn bè em cũng thèm được như họ", mắt cậu bé 13 tuổi chớp chớp nhìn đâu đó xa xăm.

Ngồi nghe chuyện của đám trẻ, chị Minh bán xoài xanh, nem chua rán trên phố Lương Đình Của tâm sự: "Cảnh đi làm thuê thì phải vất vả, phải chịu nghe chửi. Ai "son" thì rơi vào chủ nhà biết điều. Nếu không lại giống cô bé Bình, đi làm thuê cho quán phở ở dưới Thanh Xuân vừa được báo chí nêu".

----------------------

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Tuấn Anh - Xuân Tùng
VnExpress

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.