Những lá thư tình có một... không hai

Những lá thư tình có một... không hai
Lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30/4/1975... được thể hiện rất cảm động qua những bức thư tình.

Nhiều năm qua, nhà thơ Đặng Vương Hưng - hiện đang công tác tại báo Công an nhân dân, chuyên đề Văn nghệ công an - đã bỏ công sưu tầm những lá thư và nhật ký được viết trong thời gian đất nước có chiến tranh của những người lính, những trí thức, công nhân, nông dân, sinh viên... trong đó có những lá thư tình có một không hai

Đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, những tư liệu trên đã được giới thiệu trong cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (Tập 1 - NXB Hội Nhà văn 2005). Tiền phong xin giới thiệu một số trong rất nhiều trang thư ấy, qua đó chúng ta có thể hiểu được phần nào về lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30/4/1975.

Thư của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi gửi người yêu

Đà Nẵng, ngày 15/4/1963

Quyên mến!

Anh về chưa đến nhà thì anh gởi liền cho em một lá thư. Không hiểu vì lẽ gì mà sự trông đợi của anh lại rơi vào câm nín? Nhưng anh vẫn tin rằng thư bị lạc, chứ có lẽ nào em nhận được mà lại chẳng hồi âm. Nếu em không nhận được thư anh, thì có lẽ em đã trách anh nhiều, cũng như anh đã trách em trong mấy ngày gần đây vậy.

Hôm nay, anh lại viết thư nầy để gửi cho em, nói lên cái tâm trạng của anh trong mấy ngày xa em. Và cũng mong được em kể lại  tâm trạng của em trong ngày ấy.

Ngày anh bước chân lên xe, lòng cảm thấy nao nao, trông cho đường đất thêm gần lại để thỏa lòng mong nhớ trong hơn một năm trời xa cách. Qua hai ngày đi đường mệt mỏi, nhưng khi về đến nhà vẫn thấy vui. Nhưng cái vui chỉ đến với anh trong cái buồn, vì lòng đang nặng trĩu một tình thương và hình bóng của em, tuy rằng tình quê hương vẫn đầm ấm, với tất cả tình thương. Nhưng anh vẫn thấy thiếu một cái gì ở giữa tim anh, nên không thể  bằng lòng để hưởng những cái vui bên ngoài được. Mấy ngày gần đây, anh rời nhà quê lên Đà Nẵng để đón tin em, nhưng trông mãi vẫn không thấy. Anh hiện đang vận động tìm một việc làm tại Đà Nẵng. Dù sao anh cũng trở lại Sài Gòn để tính xong câu chuyện của chúng mình, rồi mới tính đến chuyện làm ăn được.

Bấy nhiêu lời trên đây, tưởng em đã lãnh hội được cái tâm trạng của anh rồi. Vậy trước khi dừng bút, anh nhờ em chuyển lời thăm hỏi của anh đến gia đình ba má cùng các em và chị Kim Anh.

Cuối cùng, chúc em được như ý. Anh “mừng”.

Thân mến chào em

Ký tên: Nguyễn Văn Trỗi

Em yêu ơi, Sài Gòn đã giải phóng! Thư của ông Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh viết gửi vợ là bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Sài Gòn, 7/5/1975

Em yêu!

Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng.

Ngày mai có người ra Hà Nội, viết vội thư này nhắn tin nhanh cho em biết để mừng và khỏi mong.

Nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau giải phóng không thể viết vội cho em được.

Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua, bây giờ phải dành thì giờ để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống để sau này anh kể lại để em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó.

Ngày 15/4, ra Hà Nội anh đã gửi thư ngay  cho em. Ngày 17/4, trước khi lên máy bay đi vào gửi tiếp một thư nữa. Em đã nhận được chưa?

Ngày 18/4, anh lại đi tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn dành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người đã trào nước mắt vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh em khác trẻ lại hàng chục tuổi…

Anh đến Sài Gòn ngày 1/5. Đến Dinh Độc Lập lúc Dương Văn Minh còn ở đó, nhưng không có máy ảnh mang theo. Ngày 2/5 trở lại đã chiều tối, tranh thủ chụp một bức ảnh gửi em làm kỷ niệm, (chụp ảnh lấy ngay nên chỉ được  một chiếc).

Sài Gòn rất đông, suốt các ngả đường dòng người, dòng xe đi như nước. Trật tự và sinh hoạt bình thường trở lại nhanh. Địch kìm kẹp, tuyên truyền nhiễu sự nhiều năm nhưng nhân dân Sài Gòn hàng triệu người nổi dậy phối hợp với bộ đội. Nhiều khu phố quần chúng cách mạng đã làm chủ trước khi bộ đội vào. Mọi người kể cả sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền qua thực tế tiếp xúc với ta đều phục và tin cách mạng. Đón bộ đội ta với cả cờ hoa và niềm tự hào dân tộc. Chắc em nghe đài phương Tây, đã nghe họ nói phần nào.

Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh. Em sẽ về cùng tham gia sự nghiệp đó.

Viết vội chừng này. Gửi em tất cả niềm vui, xúc động, nhớ thương và tự hào. Chúc mừng tất cả các bạn của em.

Anh: Phan Khắc Hy.

Thư viết trên... mảnh vải quần. Lá thư độc đáo này là của nhà báo Phạm Nho Nghĩa - Nguyên Uỷ viên Thường trực Thông tấn xã Giải phóng viết trên mảnh vải kaki được cắt từ chiếc quần cũ gửi vợ báo tin ngày lên  đường vào chiến trường B.

Em Loan yêu,

Khi em nhận được những quần áo còn ấm hơi anh, thì anh đã đi được chặng đường khá dài và đang tiếp tục cuộc hành quân tới đích.

Chúc em và 3 con Bách + Hồng + Việt mạnh khỏe và tin tưởng ở ngày mai thắng lợi.

Thương yêu anh, em hãy tỏ ra có nghị lực, gan góc - đừng tỏ ra mềm yếu, buồn rầu mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xa em và các con, anh luôn nhớ và sẽ luôn gửi thư về. Đến nơi, anh sẽ viết địa chỉ về để em viết thư cho anh.

Hẹn gặp em trên những bức thư với nét chữ của em và của con Bách.

3/4/1965

Hôn em thắm thiết!

Ký tên: Nghĩa

Tái bút:

- Đến ngày đi, anh vẫn không nhận được thư của em. Anh chắc thư bị thất lạc, hoặc chậm.

- Tiền gửi em 2 lần là tiền ngoài. Bắt đầu từ tháng 4/65, em nhờ chị Sáu lĩnh,  hoặc hỏi cách lĩnh.

Gần 10 năm sau, tôi được ra miền Bắc để chữa bệnh. Ngày gặp lại vợ con, tôi rất vui và xúc động khi được vợ mình trao lại một tập thư, trong đó có mảnh vải kaki tôi dùng để báo tin ngày lên đường vào chiến trường B…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.