Những lối đi khác ngoài đại học

Những lối đi khác ngoài đại học
Nhiều bạn trẻ sáng suốt đã vượt lên cái giá trị ảo của sự học để tìm một lối đi khác ngoài đại học phù hợp với mình hơn: Học các lớp ngắn hạn, học nghề... 

Theo thống kê của Vụ Đại học và sau đại học, năm 2005 có 75% thí sinh nộp đơn dự thi vào đại học trong số hơn 1,5 triệu thí sinh nộp hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Thực tế những năm trước cho thấy chỉ vài chục phần trăm trong số này là vào được đại học.

Sau vài năm đèn sách, không phải tất cả đều tốt nghiệp đại học, trong khi nhiều người ra trường không tìm được việc làm phù hợp chuyên môn. Thế là một số người tiếp tục quay lại trường học tiếp cao học hoặc văn bằng hai… Cái vòng luẩn quẩn này là hệ quả tất yếu của tâm lý trọng bằng cấp của nhiều người.

Giá trị ảo

Sức học yếu, nhưng để "danh giá" hơn, T.V đăng ký thi vào Đại học Ngoại thương Hà Nội. Kết quả chưa đạt 1/3 điểm chuẩn cũng không giúp cô nhận ra thực lực của mình.

Tiếp tục ôn luyện một năm, và tiếp tục rớt Đại học Ngoại thương, cô đành nộp đơn vào Viện Đại học mở, hệ tại chức để tiếp tục được "học". Ra trường, nhờ ngoại hình, T.V được nhận làm thu ngân cho một quán cà phê.

Cô hài lòng nói: "Vẫn tiêu tiền của bố mẹ thôi, nhưng như em vẫn xông xênh hơn khối đứa chị ạ, bằng đại học vẫn thất nghiệp đầy ra đấy. Sắp tới, em sẽ học tiếp lên cho nó... sang”.

Cầm được tấm bằng cử nhân Anh văn, T.T tự tin nộp đơn vào vị trí lễ tân tại một công ty nước ngoài. Bức thư xin việc bằng tiếng Anh được cô viết khá trau chuốt và ấn tượng nhờ 2 ngày tham khảo các sách hướng dẫn.

Đến khi phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh, cô không thể nghe rõ và trả lời những câu hỏi đơn giản về mục tiêu nghề nghiệp, mong muốn về môi trường làm việc...

Sau chuyến xin việc đầu tiên thất bại, T.T bị sốc nặng. Cô tuyên bố sẽ không đi xin việc nữa mà dành nhiều thời gian hơn để... học tiếp, "có thể em sẽ học bằng hai kinh tế vì hiện nay em chưa đủ kiến thức để làm việc".

Không chỉ người đi học sính bằng cấp mà thực tế, vẫn có nhiều nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi không kém. Một trưởng phòng nhân sự cho biết cô thường phải đấu tranh gay gắt với trưởng các phòng ban của công ty mình trong quan điểm tuyển dụng nhân sự.

"Với tâm lý sính bằng cấp của nhiều người, cộng với sự thiếu thực chất của những tấm bằng đại học hiện nay, có những vị trí công việc rất đơn giản nhưng ai cũng đòi ứng viên phải có bằng đại học. Ví dụ như vị trí của một nhân viên văn phòng, hằng ngày người này chỉ cần nói vài câu tiếng Anh đơn giản với khách, sắp xếp tài liệu, ghi chép tình hình văn phòng phẩm... vậy mà trưởng bộ phận hành chính của công ty nhất định yêu cầu tôi phải tuyển ứng viên có trình độ đại học. Chưa bao giờ bằng đại học lại... rớt giá như vậy", chị chua chát cho biết.

Tìm một lối đi khác

"Em đang học lớp kỹ thuật viên đồ họa tháng cuối. Sau khi lấy được bằng, em sẽ vào làm việc tại Công ty Y.I do chị em giới thiệu. Cũng may là sau khi tốt nghiệp phổ thông, thấy mình không đủ sức vào đại học, em đã can đảm không ghi danh thi mà chỉ chú tâm học tiếng Anh và học nghề nên bây giờ đỡ lo".

Quỳnh nhoẻn miệng cười, niềm vui lung linh trong mắt. 20 tuổi, có bằng phổ thông trung học cộng với 1 bằng kỹ thuật viên đồ họa, 1 bằng Anh ngữ giao tiếp quốc tế TOEIC, có vẻ như Quỳnh đã "dàn xếp" khá tốt cho tương lai.

Cũng như Quỳnh, Kiều Chinh sau 3 năm đeo đuổi việc thi vào đại học đều thất bại, nhìn xung quanh thấy bạn bè đều đã học năm cuối cô cảm thấy lo lắng. Sau một tháng trấn tĩnh nằm nhà suy nghĩ, cô quyết định chuyển hướng cuộc đời mình bằng những lớp ngắn hạn và thực tiễn hơn.

Cô tính toán: "22 tuổi không phải là già nhưng đã quá đủ chín chắn để tôi tự quyết định cho mình một hướng đi mới. Tôi hiện đang theo học một lớp Anh ngữ giao tiếp quốc tế TOEIC tại Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ.

Khoảng 1 năm là tôi lấy được bằng giao tiếp quốc tế trên 500 điểm, đủ tiêu chuẩn để nộp đơn vào các vị trí nhân viên văn phòng cho công ty nước ngoài, cộng với một lớp nghiệp vụ văn phòng khoảng 5 tháng tại Trung tâm Profect của Đại học Kinh tế là tôi đủ tự tin để làm việc.

Tôi tin rằng với sự học hành nghiêm túc của mình, mặc dù không học đại học nhưng tôi vẫn đủ các kỹ năng cần thiết để làm việc".

Một số các trung tâm đang thu hút học viên hiện nay là các trung tâm Anh ngữ, tin học, đồ họa, các lớp dạy nghề như trang điểm, điện tử...

Cô Phan Hà Thủy - Giám đốc điều hành một trung tâm Anh văn cho biết: "Với những lớp học có đầu ra là bằng cấp có giá trị quốc tế, được thiết kế linh hoạt cho nhiều thành phần học viên, rất nhiều bạn sinh viên chọn chúng tôi như một hướng đi khác bên cạnh các trường đại học. Theo quan điểm riêng của tôi, chỉ cần đầu tư thực sự nghiêm túc, các bạn ấy sẽ dễ dàng thành công trong bất cứ môi trường nào".

MỚI - NÓNG