Chuyện tử tế. Bài 4:

Những lớp học đặc biệt sau 18 giờ

Võ sư Lê Hoàng Mai tâm niệm sẽ luôn là chỗ dựa cho trẻ em khuyết tật
Võ sư Lê Hoàng Mai tâm niệm sẽ luôn là chỗ dựa cho trẻ em khuyết tật
TP - Đó không chỉ là những lớp học miễn phí, được mở ra xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến các em nhỏ thiệt thòi, mà ở đó các học trò đặc biệt còn được truyền dạy sự tử tế, sống biết yêu thương, chia sẻ.

Lớp học của chú BiO

8 năm qua, cứ tầm 18h tối trở đi, khu nhà trọ trên đường Tăng Nhơn Phú (P.Phước Long B, Q.9, TPHCM) lại vang lên tiếng thầy giáo giảng bài quen thuộc. Đây là lớp học miễn phí do anh Hoàng Trọng Khánh, công nhân Công ty Liên doanh BiO - Pharmachemie (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) mở, mà học trò thường vẫn quen gọi bằng cái tên trìu mến “lớp học của chú BiO”.

Trên bục giảng, thầy vẫn mặc nguyên bộ đồ công nhân, say sưa giảng về định luật bảo toàn khối lượng, về quang năng, về lực ma sát và những công thức ngoại ngữ; phía dưới trò chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2, bảng viết thậm chí chỉ là tấm gạch ốp tường, nhưng cả thầy lẫn trò say sưa đuổi theo giấc mơ con chữ, quên cả cái nóng bức vẫn còn hầm hập đêm hè.

Nói về việc trở thành thầy giáo, anh Khánh bảo có lẽ đó là “duyên”. Một lần đến chơi nhà bạn, anh thấy mấy đứa trẻ đang ngồi học cạnh khu Gò Mả (Q.9). Các em học say sưa nhưng không ai dò bài, chẳng ai chỉ dạy, cho nên không biết đúng, sai. Vốn có kinh nghiệm dạy kèm từ thời sinh viên, anh Khánh liền giúp các em giải những bài toán khó. “Bữa đó, mình giảng bài cho các em đến tận tối muộn mới trở về. Trước khi về, bọn trẻ cứ dặn đi dặn lại chú mai lại ghé qua” - anh Khánh nhớ lại. 

“Học trò của mình nhiều em có số phận rất buồn. Em thì cha mất sớm, mẹ lập gia đình riêng phải ở với ông ngoại cao tuổi. Em thì lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với dì. Nhiều em cha mẹ là dân lao động nhập cư, thu nhập bấp bênh, ngay cả việc mua một cuốn tập viết cũng khó khăn. Cuộc sống của các em không mấy dễ dàng…”. Thầy giáo BiO Hoàng Trọng Khánh

Từ đó, chiều nào anh công nhân trẻ sau giờ tan làm cũng trở về khu Gò Mả để “làm thầy giáo” bất đắc dĩ. Những người dân lao động nghèo quanh đó biết tin có anh công nhân nhận dạy miễn phí cho trẻ em nghèo cũng gửi gắm con học. “Cứ dạy mãi bên cái lều này thì không ổn, một phụ huynh cho mượn khu xưởng mộc mỗi tối để làm lớp. Được một thời gian, mình nghĩ phải có một lớp học thật sự để các em học hành, không thể tạm bợ được” - anh Khánh chia sẻ.
Thế là anh gom tiền dành dụm được, thuê hẳn ngôi nhà riêng biệt với giá 3,5 triệu đồng/tháng để có một lớp học tươm tất. Anh còn mua bảng, bàn ghế, sắm sửa quạt... mở rộng cửa lớp đón học trò nghèo tới học. Đến nay, lớp học của anh đã có gần 40 em từ lớp 6 đến lớp 9. Điểm chung của các em là có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm hoặc thuê gia sư dạy kèm. Có không ít em sức học kém nếu không hỗ trợ kịp thời có nguy cơ bỏ học rất cao.

Thương các học trò nghèo, thầy giáo Khánh lại trích phần lương công nhân mua sách vở, bút thước tặng học trò. Với anh, mỗi ngày được thấy tụi nhỏ tiến bộ, hăng say học tập là đã thấy công sức của mình được đền đáp. “Năm học này, nhiều em học yếu kém đã nâng thành tích học tập lên khá, giỏi. Có em còn dẫn đầu lớp học với điểm số rất cao. Học trò của mình có em còn sắp thi đại học nữa đấy. Tôi chỉ mong chúng sau này trưởng thành trở thành những người tử tế, sống có ích” - anh Khánh kỳ vọng.

Để dạy các em, anh Khánh phải thường xuyên cập nhật và bổ sung thêm kiến thức mới, tham gia các diễn đàn giáo viên trên mạng internet để học hỏi thêm. Anh còn xin học sinh số điện thoại của thầy, cô giáo ở trường rồi liên hệ trao đổi, tương tác trực tiếp về các bài tập, cách dạy sao cho phù hợp. 

Những lớp học đặc biệt sau 18 giờ ảnh 1

Thầy giáo BiO Hoàng Trọng Khánh tại lớp học của mình ảnh: NVCC

Lan tỏa yêu thương

Lớp học có đủ thứ âm thanh, tiếng khóc, cười, la hét… Vậy mà, không một ai nản chí, bỏ cuộc, người này động viên người kia và cùng tiếp tục luyện tập. Lớp võ Aikido- lớp võ miễn phí dành cho trẻ bị khuyết tật, tự kỷ, bệnh down, chậm phát triển do võ sư Lê Hoàng Mai, Trưởng bộ môn Aikido quận Tân Bình (TP HCM) tổ chức bắt đầu từ 18h các ngày thứ 3-5-7, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Phú Nhuận.

Chia sẻ về lớp võ đặc biệt này, vị võ sư có vẻ ngoài nghiêm nghị nhưng ánh mắt luôn ánh lên niềm yêu thương, bộc bạch: “Trong cuộc sống hằng ngày, tôi đã gặp và biết nhiều trường hợp đứa trẻ sinh ra kém may mắn bị khuyết tật bẩm sinh, bị bệnh tự kỷ, bệnh down…Bố mẹ các em hầu hết đều nghèo khó, vì mải mưu sinh và cũng vì mặc cảm nên chỉ để con quanh quẩn trong bốn bức tường nhà. Với mong muốn giúp các em có thể hòa nhập được cộng đồng, nâng cao sức khỏe nên tôi mở lớp dạy võ miễn phí và vận động từng phụ huynh dẫn con em tới tập luyện”.

Ban đầu, võ sư Mai khá vất vả để chiêu sinh học trò dù dạy hoàn toàn miễn phí. Nhiều gia đình ái ngại, với ý nghĩ “con mình thế thì dạy sao được” nên từ chối thẳng thừng. Không nản lòng, võ sư Mai kiên trì thuyết phục, dần dần cũng có vài người cho con đi học thử. Dạy võ cho người bình thường vốn đã không dễ, nay học viên là người có bệnh lại càng khó hơn. Có em đến lớp chỉ ôm mặt, ngồi một góc. Có em bốc đồng, đập đầu, la ó, chửi thề, thậm chí còn khiêu khích đánh mọi người. 

Võ sư Lê Hoàng Mai tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra phương pháp dạy võ riêng cho mỗi em. “Những ngày đầu tiên các em đến lớp, tôi phải quan sát kỹ tính cách và chứng bệnh của từng em để đưa ra phương pháp tập luyện cho phù hợp. Căn dặn các bạn tình nguyện viên luôn tạo không khí thoải mái để tạo sự gần gũi, sự đồng cảm cho các em. Mục đích chính của tôi gửi gắm vào lớp võ này là muốn võ sinh của mình biết yêu thương, chia sẻ với cộng đồng. Tôi cũng ấp ủ kỳ vọng, sẽ đưa các em mắc bệnh down, tự kỷ… hòa nhập vào cuộc sống bình thường như các bạn trẻ khác” - võ sư Mai chia sẻ. Tiếng lành đồn xa, hiện lớp võ đặc biệt này đang có gần 30 em được gia đình đưa đến để nhờ võ sư Mai dạy dỗ.

Ng. (17 tuổi) vốn là học sinh khá giỏi nhưng lại mắc chứng nghiện game. Khi gia đình quyết định đưa Ng. đi cai, cậu đã như một cái xác không hồn. Cha Ng. đưa đến lớp của võ sư Mai nhờ giúp. Sau một thời gian, giờ Ng. có thể tự vận động, tự ăn uống… Hay cô bé N. (7 tuổi) mắc bệnh không thể tự ngồi được, vậy mà chỉ mới vài tháng theo lớp võ, em tự cởi giày, tự ngồi và còn có thể tự đi được khiến ba mẹ mừng rơi nước mắt.

Võ sư Lê Hoàng Mai cũng từng trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời trước khi trở thành thầy giáo dạy võ. “Tôi có được ngày hôm nay là vì cuộc đời còn ưu ái, lấy đi của tôi tuổi thơ trong sáng nhưng tặng lại cho tôi một người mẹ, người thầy, người vợ tuyệt vời. Cho đến tận bây giờ và đến sau này, tôi phải phấn đấu hết sức mình để trả ơn họ”, võ sư Mai chia sẻ. 
Không chỉ dạy võ, võ sư Mai còn dạy các em làm từ thiện, tổ chức dạy chữ, tập viết miễn phí… Rất nhiều học trò của võ sư Mai có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa từng được đến trường học chữ.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.