Dừng lại ở mô hình

Những mô hình 'cô đơn'

Những mô hình 'cô đơn'
TP - Nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên vùng núi ở Cao Bằng khi triển khai đã hụt hơi và chỉ dừng lại ở dạng mô hình.

Từ năm 2006, anh Hoàng Văn Thắng, cán bộ Đoàn xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh) nhận gần 10 héc-ta đất núi, thung lũng làm mô hình trồng cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp trồng rừng và chăn nuôi.

Thời gian sau, thấy một mình hơi đuối, anh gọi thêm Triệu Văn Chang và Lương Văn Tong đều là thanh niên trong xã, chung sức.

Vì mô hình được Huyện Đoàn chọn thí điểm nên anh Thắng được vay gần 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Có vốn, anh Thắng bắt tay mua giống trồng trên 300 gốc dẻ, 300 gốc quýt, 300 gốc chuối, 1,5 héc-ta lạc; 0,6 héc-ta sắn; đồng thời nuôi thêm chín con bò sinh sản, đàn dê 15 con…

"Phần lớn gia đình có nhiều thế hệ, mọi quyết định quan trọng như vay vốn, làm kinh tế mới, phụ thuộc cha mẹ hoặc ông bà; thanh niên chưa được tin tưởng, giao phó" - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Cao Bằng Nông Thị Hà

Anh Thắng cho biết, tổng nguồn đạt khoảng 30 triệu đồng/héc-ta/năm.

Thế nhưng, mô hình anh Thắng vẫn cô đơn, vẫn chưa có ai trong xã, cũng như vùng lân cận có điều kiện khá tương đồng, triển khai, nhân rộng.

Tận dụng dãy núi quanh nhà, vợ chồng anh Phạm Trung Kiên ở xóm Nà Gạch, xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh) đầu tư nuôi dê thả núi. Năm 2006, vợ chồng anh vay bảy triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT mua 13 con dê giống.

“Dê thả tự nhiên, thịt thơm nên đầu ra không lo. Các nhà hàng, khách sạn ở Trung Quốc sang đặt mua hết. Hơn nữa, tôi từng học ngành nông lâm nên cũng nắm được kỹ thuật chăn nuôi. Cuối năm 2007, thu được 12 triệu đồng, năm 2008 vừa rồi cũng được 15 triệu tiền dê thịt”- Anh Kiên nói.

Thấy gia đình làm ăn được, một số hộ thanh niên trong vùng mua giống của anh để  nuôi. Tuy nhiên, rất ít thanh niên dám đầu tư, vay tiền để triển khai rộng.

Theo anh Kiên, bà con vùng núi kiến thức chăn nuôi còn hạn chế. Thanh niên vẫn chưa nghĩ tới chuyện làm kinh tế, kể cả có vốn. Hơn nữa, nhiều hộ vay ngân hàng vẫn còn nợ xấu nên khó vay tiếp. Nhiều hộ khác hụt hơi khi triển khai.

Thanh niên thiếu quyền quyết định

Chị Nông Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Cao Bằng cho rằng, việc nhân rộng mô hình kinh tế thanh niên ở tỉnh này rất khó do tính trông chờ, ỷ lại của dân vào sự đầu tư của Nhà nước.

Mặt khác, Cao Bằng là vùng núi, chủ yếu là bà con dân tộc, tập quán sản xuất theo gia đình, nhiều hộ có vài héc-ta nhưng bị chia lẻ ở các triền núi, thung lũng.

Nhiều năm qua, Tỉnh Đoàn có ít mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên. Việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư qua kênh của Đoàn cũng hạn chế dù rằng đều có sự liên kết với các đơn vị khác như Sở NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...

Theo bà Hoàng Thị Nương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Cao Bằng, các mô hình theo dự án của Trung tâm làm xong cũng cuốn gói; số báo cáo lại từ hiệu quả của mô hình cũng như khả năng nhân rộng chưa có.

Năm 2008, tổng tất cả các nguồn vốn của Trung tâm tiếp nhận chỉ hơn hai tỷ đồng. “Các dự án khuyến nông được tập trung vào đối tượng nông dân, trong đó có thanh niên. Nếu Tỉnh Đoàn đề xuất xây dựng mô hình, chủ động chọn địa điểm, chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật” - Bà Nương nói. 

Theo Tỉnh Đoàn Cao Bằng, toàn tỉnh có 18 mô hình cho thu nhập trên 30 triệu đồng/năm như trang trại chăn nuôi và trồng vừng, cây ăn quả của anh Nguyễn Quyền Phong ở xã Minh Khai (huyện Thạch An); Hoàng Văn Thắng ở xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh); cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của anh Hoàng Văn Chính ở xã Ngọc Động (huyện Quảng Uyên); chăn nuôi bò sinh sản của chị Lăng Thị Diệp, Lưu Thị Hiền ở xã Đại Sơn (huyện Phục Hoàn); trồng trúc sào của anh Bàn Văn Xuân ở xã Thẻ Dục (huyện Nguyên Bình)...
 
MỚI - NÓNG