Những mối tình bong bóng

Những mối tình bong bóng
Bước chân vào đại học người ta háo hức kiếm tìm tình yêu nhưng khi ra trường lại dễ dàng để tình yêu chạy trốn. Đó là một thực tế mà thế hệ @ đang phải đối mặt.

Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!

Người trẻ tuổi truyền nhau: “Học không yêu hao mòn tuổi trẻ-Yêu không học phá huỷ tương lai” song tuổi thọ của những mối tình sinh viên thì ai cũng biết: quá ngắn ngủi, tựa bong bóng xà phòng. Tất nhiên vẫn có những cặp yêu nhau từ thời đại học nên duyên vợ chồng, nhưng tỉ lệ ấy không nhiều.

Đã 26 tuổi, vẫn “một mình”, Thu Minh hoài niệm về tình yêu đầu với vẻ tiếc nuối: “Chúng mình nhiều kỷ niệm lắm. Hồi ấy say nhau kinh khủng, một ngày không thấy nhau là không thể chịu được. Cả hai đứa đều thích ăn kem, ăn ốc luộc nên cứ nhận được học bổng lại có một buổi vui vẻ.

Nhớ có lần ngồi trên ghế đá trong sân KTX Mễ Trì, chàng nắm tay mình bảo: “Không thể tin được sau này vợ của anh lại không phải là em”. Thế mà, điều hai đứa không tin lại trở thành sự thực. Tất cả chỉ tại ngày ra trường”.

Cách lý giải cho sự đổ vỡ của tình yêu sinh viên như  Thu Minh rất phổ biến. Ngọc Lan (cựu SVĐHVH) cũng có mối tình nồng cháy với cậu bạn cùng khoá.

Họ quen nhau trong lớp học khiêu vũ. Sự kết hợp giữa đôi “trai tài, gái sắc” này khiến nhiều bạn bè phát ghen. Nhưng rồi chẳng cần đợi đến ngày ra trường, chỉ khi bắt đầu làm khoá luận tốt nghiệp, mối quan hệ của họ đã rạn nứt bằng những cuộc cãi vã liên tiếp, để đi đến kết cục chia tay. Bây giờ mỗi lần nhớ lại Ngọc Lan lại thở dài: “ước gì được mãi là sinh viên để tình yêu mãi còn”.

Cách bào chữa: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, hay đổ lỗi cho ngày ra trường, chẳng qua do ai đó chưa dám nhìn thẳng vào sự thật. Thực tế cho thấy có bao nhiêu cách đưa người ta đến với nhau cũng có bấy nhiêu kiểu ly biệt.

Một bộ phận nhỏ thuộc thế hệ @ quan niệm: “Yêu 50 chọn 10 lấy 1”, tức là biến cuộc yêu thành cuộc chơi. Thế nên, họ thoải mái chơi hết thời đại học, ra trường sẵn sàng “stop” không cần đắn đo. Mạnh Hùng (cựu SVĐHKTQD) “khoe” rằng: “Thời đi học tôi có bộ sưu tập người yêu hơi “hoành tráng” đấy.

Nhưng khi ra trường cho tất cả vào dĩ vãng, để còn lo cho tương lai, sự nghiệp”. Kết cục của những mối tình nảy nở từ sự rung động của trái tim cũng không sáng sủa hơn. “Khi bước vào năm học cuối, mình không còn tâm trạng để yêu. Nào lo thi tốt nghiệp, rồi lo công ăn việc làm khi ra trường...

Quê anh ấy ở Nghệ An, còn mình ở Hà Giang. Chẳng biết tình yêu của chúng mình sẽ đi đến đâu nữa, bởi bố mẹ muốn mình học xong về quê dạy học, còn anh ấy nhất định không chịu theo mình về Hà Giang”, Minh Hoà, SV năm cuối ĐHKHTN tâm sự. Cũng có một số bạn trẻ không chịu chia lìa, sau khi ra trường đã cùng nhau ở thủ đô để lập nghiệp, như trường hợp của Hải Đông và Thanh Vinh trường ĐHKHXH&NV.

Song sau một năm sống cảnh bấp bênh thuê nhà trọ, mãi vẫn không kiếm được việc làm, đã khiến cả hai ngán ngẩm. Thuyền tình va phải thực tế khắc nghiệt đã vỡ tan tành. Họ chia tay, mỗi người tự tìm đường về quê của mình.

Miền nhớ không phai

Tình yêu sinh viên có sức sống lâu bền hay không phụ thuộc vào chính người trong cuộc. Không ít bạn trẻ đang ngồi trên giảng đường đại học đã chủ động khoá chặt trái tim, đơn giản vì: “Em sợ yêu lắm. Lỡ sau này không thành thì sao. Mọi người bảo tình yêu sinh viên dễ vỡ lắm” (Phương Anh, năm thứ 1 ĐHKHXH&NV).

Nếu cũng mang tâm trạng như Phương Anh thì chính bạn đang đánh mất những cơ hội tuyệt vời dành cho trái tim. Bởi hầu hết những ai đã trải qua đều thừa nhận rằng: không gì trong trẻo và lãng mạn như tình yêu thuở học đường.

Làm thế nào để vừa được tận hưởng quả ngọt đầu mùa, lại vừa không quá cùng quẫn khi phải chia tay? Chỉ có một cách duy nhất: Hãy yêu đắm say song đừng “vượt đèn đỏ”. Để mai sau nếu không còn bên nhau, sẽ không ai oán trách ai mà chỉ lưu luyến một thời hoa đỏ đã cháy hết mình. 

MỚI - NÓNG