Những nẻo đường tình nguyện

Những nẻo đường tình nguyện
Tháng 8, chiến dịch tình nguyện hè 2005 đang ở giai đoạn nước rút. Ở các "mặt trận", thanh niên tình nguyện và các tình nguyện viên quốc tế đang ngày đêm đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các công trình 
Những nẻo đường tình nguyện ảnh 1
Caroline đang dạy tiếng Anh cho các em nhỏ. ảnh: T.Di

Không hẹn mà gặp, 23 bạn trẻ đến từ nước Mỹ đã có dịp hội ngộ ở Nhà mở Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ, TP.HCM).

Các bạn đến từ 3 nhóm: Robertson green summer, Where there be dragons cùng 2 học sinh trung học là Jonathan Rich và Joseph Torcivia. Tất cả đều đến Việt Nam để tham gia các hoạt động tình nguyện..

"Hôm nay chúng ta học các bộ phận trên cơ thể" - Jonathan và Joseph mở đầu bài học với sự "trợ giảng" của các bạn nhóm IVC (thuộc Thành Đoàn TP.HCM). Các học sinh làm "họa sĩ", lên bảng tự vẽ hình người để hai "thầy" chú thích tên các bộ phận cơ thể lên đó.

Sau khi tập phát âm cả "thầy" lẫn trò vừa hát vừa chơi trò đố vui về các bộ phận trên cơ thể bằng những tràng cười giòn giã. Hơn 2 tuần nay, lớp Anh văn này đã thu hút nhiều học trò "nhí" trong xã. Jonathan và Joseph còn dành thời gian dạy vi tính và chơi đá banh với các em trong nhà mở.

Không chỉ được dạy tiếng Anh, các em nhỏ ở nhà mở còn được các thành viên đoàn Where there be dragons dạy vẽ. Ngồi cạnh Allyson và Talia, bé Thảo say sưa vẽ cô công chúa thật đẹp với mái tóc vàng óng ả... Trước đó, các bạn đã cùng nhau trang trí các phòng bằng những hình vẽ đầy màu sắc cùng thông điệp "Giữ cho Việt Nam mãi xanh"...

Những nẻo đường tình nguyện ảnh 2
Joseph và Ross cùng các bạn VN đang xây bồn hoa. ảnh: T.Di

Chỉ trong vòng vài tuần, các em ở đây đã có thể trò chuyện xã giao bằng tiếng Anh. Các bạn trẻ đến từ Mỹ này còn làm nhiều hoạt động công ích khác.

Giữa trưa nắng, trong nền nhạc sôi động, những mái tóc nâu vàng đẫm mồ hôi tích cực khuân vác vật liệu, đào xới để "công trình" sớm hoàn thành.

Tay chân lấm lem, Ross, người được các em nhỏ tại đây hâm mộ vì có gương mặt giống... Harry Potter, cười thật tươi: "Mệt thật đấy nhưng vui lắm! Với mình, tham gia những công việc hữu ích như thế này khi ở Việt Nam sẽ là kỷ niệm khó quên".

Hầu hết các bạn trẻ đến từ nước Mỹ đều cho rằng, thông qua công việc tình nguyện tại Việt Nam giúp các bạn có cơ hội hiểu hơn về lịch sử và con người Việt Nam, nhất là hai cuộc chiến tranh khốc liệt đã diễn ra tại đây.

Caroline đang theo học tại Trường nội trú Andover đã chọn Việt Nam làm đề tài cho bài tập nghiên cứu môn lịch sử của mình. Chuyến đi này là cơ hội để Caroline hiểu hơn về lịch sử và con người Việt Nam.

Caroline kể, ấn tượng sâu đậm nhất của cô là khi gặp nạn nhân chất độc da cam ở Huế: “Có một em bé 5 tuổi bị liệt tứ chi, không động đậy, nhưng khi mình chạm vào người, đôi mắt em mở to vui sướng. Đó khoảnh khắc mình cảm nhận được tình thương vượt qua mọi rào cản và cả nỗi đau...”.

Còn Anthony thì dự định làm một đoạn phim về nạn nhân chất độc da cam với mong muốn góp phần để mọi người xung quanh có cái nhìn trung thực về những gì mà cuộc chiến đã để lại tại Việt Nam.

"30 năm trước, những người trẻ như chúng tôi sang Việt Nam để tham chiến, còn bây giờ, chúng tôi sang đây để hiểu về cuộc chiến đó và hậu quả mà nó để lại", Anthony bộc bạch.

Con đường mới ở Yang Tao

Những nẻo đường tình nguyện ảnh 3
Làm đường giao thông ở buôn C'uôr, huyện Lắk (Đắk Lắk). ảnh: H.T

Buôn C'uôr xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) sôi động kể từ ngày các sinh viên tình nguyện (SVTN) của Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) về buôn.

Con đường dài hơn 300 mét những ngày trước còn nhầy nhụa, cỏ dại mọc um tùm thì nay đã thay đổi hoàn toàn nhờ bàn tay của các SVTN.

Chỉ trong vài ngày, nhóm SVTN thuộc khoa Xây dựng cầu đường đã làm sạch con đường rộng hơn 3 mét dẫn ra hồ Lắk này khiến cho đồng bào M'nông trong buôn hết sức vui mừng.

Chàng sinh viên người Cờ Tu ALăng Thiên, nhà ở xã Zờ Ngây, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đang học năm 2 khoa Xây dựng cầu đường luôn đi tiên phong trong nhóm làm đường. ALăng Thiên tâm sự: "Đây là lần thứ hai em tham gia đội SVTN nên em rất vui. Dù làm ở đâu, tỉnh nào cũng là giúp đồng bào mình thôi".

Không những tự nguyện tham gia, ALăng Thiên còn vận động người em trai của mình là ALăng Thứ đang là SV năm nhất Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng tham gia đội hình SVTN ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Bí thư Xã Đoàn Bông Krang (huyện Lắk) Y Khiên Dak Cox cho biết, các SVTN cũng tham gia làm đường, nạo vét kênh mương, mở lớp xóa mù, giúp sửa chữa trường học ở các buôn Dar Ju, Yang Kring... Sự có mặt của thanh niên tình nguyện ở các buôn, các xã tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk đã chia sẻ một phần khó khăn cho đồng bào.

Ông Abrep, 75 tuổi ở làng Tum xã YaLy huyện Kon Tum tâm sự: "Bà con mình cảm ơn TNTN nhiều lắm. Bọn nó (SVTN) về làng giúp đồng bào mình nhiều thứ lắm, rất tốt, rất tốt".

Áo xanh làm hướng dẫn viên

Những nẻo đường tình nguyện ảnh 4
SVTN hướng dẫn khách du lịch nước ngoài. ảnh: Đ.N.T

"Excuse me! May I help you?", đó là câu cửa miệng của các bạn sinh viên tình nguyện (SVTN) Trường ĐH Mở - bán công TPHCM đang hướng dẫn khách du lịch tại Bảo tàng TPHCM.

Bạn Nguyễn Công Huân - Đội phó đội hình hướng dẫn khách du lịch cho biết, khi vừa có kế hoạch triển khai tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch thì hầu hết sinh viên khoa Ngoại ngữ đăng ký tham gia. Đây là công việc đòi hỏi SV có vốn ngoại ngữ lưu loát, kiến thức văn hóa lịch sử rộng nên "đầu vào" rất khắt khe.

Đội hình này có 20 SVTN, chia làm 4 nhóm tham gia hướng dẫn khách du lịch tại các khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, khu vực đại lộ Nguyễn Huệ...

Bạn Nguyễn Bá Thùy Mi - SVTN cho biết, khách du lịch đến TP thường gặp khó khăn về đường đi và rất bực mình bởi những người bán hàng rong lôi kéo chào mời mua hàng không chút lịch sự.

Còn Nguyễn Thị Hoàng Yến - Nhóm trưởng nhóm phục vụ khách du lịch tại Bảo tàng TP kể: Mới hôm qua thôi, anh chàng David (người Úc) đã đưa giày cho một thanh niên đánh. Giày đánh xong, người thanh niên này ra giá tiền công là 100 ngàn đồng. David trố mắt cho rằng tiền công đánh giày quá cao và không chịu trả tiền. Người thanh niên kia đã tỏ thái độ rất hung dữ và đã giằng co với vị khách. Thế nhưng, qua một hồi giải thích của SVTN, người đánh giày đã nghe "lọt tai" và đã đồng ý nhận 10 ngàn đồng...

Cũng theo Hoàng Yến, những chuyện bán trái dừa 3 USD hay vị khách người Pháp phải chi 10 USD để trả cho một cuốc xích lô đi từ Bảo tàng TP đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thì vẫn xảy ra hằng ngày.

Theo chân các bạn SVTN, chúng tôi đã đọc được khá nhiều lời khen ngợi của những vị khách nước ngoài ghi vào sổ lưu niệm của các bạn về một đất nước thanh bình, sự thân thiện của người dân và khả năng nói tiếng Anh của các SVTN.

MỚI - NÓNG