Những người nghiện việc

Những người nghiện việc
Đặc tính dễ nhận thấy nhất ở họ là luôn miệng than không có thời gian, 24 giờ mỗi ngày là quá ít. Một đêm xả hơi mừng sinh nhật, vẽ chuyện. Phải ngủ sớm để mai còn đi làm chứ...
Những người nghiện việc ảnh 1

Bận rộn mới “Pro” ??? (ảnh mang tính minh họa)

Cứ như nếu kéo họ ra khỏi công việc thường ngày chút xíu thôi, thì trái đất sẽ lập tức nổ tung

Sống vì việc (?)

Thời sinh viên, Minh Dung cũng như bao bạn khác trong lớp, không có gì nổi bật. Học hành làng nhàng, làm thêm chút ít.

Đùng một cái khi ra trường, về đầu quân cho một công ty gameonline, mà thị phần của công ty này đang chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường game mạng. Dung như được đại phẫu hoàn toàn.

Cô thưa dần trong những buổi họp nhóm của đám bạn thời sinh viên. Thỉnh thoảng gặp nhau được đôi chút, Dung toàn nói chuyện công việc và dự tính này nọ.

24 giờ trong ngày được cô lập trình chính xác đến từng phút... Anh người yêu suốt thời đại học bị gạt qua một bên. Thời gian đầu thông cảm công việc mới, bạn trai Dung cũng chẳng nói gì. Nhưng cho đến ngày sinh nhật của chàng mà cô cũng chẳng có thời gian dành cho nhau chút ít, chàng bắt đầu cáu thật sự. Sự rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong chuyện tình cảm của cả hai.

Thay vì chịu dừng lại đôi chút, Dung càng hăng hơn vì cô nghĩ có lẽ bạn trai đang “ganh tị” với thành công của mình. Đôi lần, chàng muốn tự giải phóng cho mình, nàng lại níu kéo. Cứ thế mối tình của họ cứ “chập chờn” như ổn áp điện trong thời điểm điện lúc mạnh lúc yếu.

Bận rộn mới “Pro”

Nếu như một số ít giới trẻ do ham việc nên không đủ thời gian để sống cho riêng mình, thì một bộ phận nhỏ còn lại luôn cố gắng tỏ ra bận rộn cho ra vẻ chuyên nghiệp. Chứ thật ra, 8 giờ cho một ngày làm của họ là vừa đủ.

Hoàng Thùy, nhân viên kinh doanh của công ty chuyên sản xuất kính cường lực. Việc cũng như bao nhân viên khác, chủ yếu là tiếp xúc với khách hàng và dò giá của đối thủ. Thế nhưng, Thùy luôn khoác cho mình vẻ bận rộn, đến cả trưởng phòng cũng không bận đến thế.

Do nhà xưởng ở Bình Dương, nên công ty mướn văn phòng đại diện tại thành phố. Văn phòng mướn có kèm chủ hộ, nên cứ sáng đúng 8 giờ chủ nhà mở cửa đi làm, 17 giờ đóng cửa.

Mặc, đúng 7 giờ sáng Thùy có mặt ở trước cửa văn phòng ngồi chờ mở cửa. Chiều, trong lúc mọi nhân viên khác lục đục ra về thì Thùy xách tài liệu ra quán cà phê đối diện săm soi tiếp. Mới đầu, mọi người trong công ty luôn khen ngợi tinh thần làm việc của Thùy. Nhưng khi thấy hiệu quả làm việc không tăng tiến, lời khen cũng mất dần.

Thấy “đô” đã giảm, cô bèn gồng mình trang bị cho mình cái laptop bậc trung. Chiều ra quán cà phê ngồi bật lên cho nó oai, chứ thật ra cũng chẳng biết dùng vào việc gì khác. Vì máy tính của công ty có sẵn, mà nhân viên kinh doanh thì cần dùng máy là bao.

Phiên bản của Thùy là Bích Nga, phụ trách kinh doanh công ty sản xuất chương trình truyền hình tư nhân. Nga học ở Mỹ về, nói tiếng Việt một câu phải chêm tiếng Anh vài từ mới chịu. Pro mà!

Trong khi các nhân viên dưới quyền đi làm đúng giờ, thì khi nào cô cũng xuất hiện vội vội vàng vàng vào lúc... 10 giờ trưa. Sai nhân viên này vài việc, thảo luận với nhân viên kia đôi chút.

Cô lập tức phi thân đi ăn trưa để chiều... lúc 15 giờ còn quay lại công ty làm tiếp. Bao giờ cũng bận rộn, nhưng nhân viên lúc nào cũng ngạc nhiên vì không hiểu cô bận chuyện gì mà kinh khủng thế. Làm việc với đài truyền hình, có nhân viên lo. Tiếp xúc với báo giới, nhân viên khác làm.

Gọi điện thoại mời quảng cáo, một khâu nữa đảm nhiệm. Vậy mà Nga chưa bao giờ để yên cho mọi người làm việc. Bận rộn mà!

Cứ hết sửa cái này, lại đến không bằng lòng cái kia. Trong lúc, thật sự cô hoàn toàn không hiểu gì chuyên sâu về lãnh vực đó. Chương trình games show đầu tay của công ty được lên sóng èo uột khán giả, cũng chính là lúc cô được nhiều nhà báo “ưu ái” tặng cho một bài có nội dung “không biết mà hay nói”.

Trong các khóa học về quản lý thời gian tại nước ngoài, giảng viên thường so sánh sự khác biệt lớn nhất trong thành công chính là công thức phân chia thời gian hoạt động trong ngày. Không hẳn là bạn cứ chăm chăm cho công việc thì bao giờ cũng đạt kết quả cao.

Người ham đọc sách luôn khác với “con mọt” sách. Đừng tự biến mình thành người bận rộn khi công việc có thể giải quyết trong một khoảng thời gian nhất định. Đừng tự nhốt mình trong công việc, vì cuộc sống còn nhiều lắm những cái đáng quan tâm khác.

Theo Ngô Phan
Người Lao Động

MỚI - NÓNG