Những người thích... khổ

Những người thích... khổ
Ở độ tuổi 30, họ sở hữu một khối tài sản lớn nhưng thay vì hưởng thụ, những chàng trai được mệnh danh là "hoàng tử của Thung lũng Silicon" lại chọn con đường khó khăn hơn: khởi nghiệp lại từ đầu.
Những người thích... khổ ảnh 1
Max Levchin trong phòng làm việc - Ảnh: New York Times

Xu hướng "không dừng lại ở một công ty" đang lan rộng trong nhiều triệu phú trẻ tuổi ở Silicon. Họ lập công ty mới chẳng phải vì muốn tăng thêm thu nhập, thứ mà họ đã có thừa.

Điều họ cần là sử dụng hết công suất nguồn năng lực và bầu nhiệt huyết cuồn cuộn trong huyết mạch, chấp nhận bước vào những cuộc thử thách mới.

Câu lạc bộ "tái khởi nghiệp"

Maximillian Rafael Levchin là một trong những "hoàng tử Silicon" điển hình. Năm năm trước, khi mới 27 tuổi, Levchin đã gia nhập hàng ngũ triệu phú trẻ ở Mỹ khi dịch vụ thanh toán qua mạng PayPal mà anh đồng sáng lập được eBay mua lại với giá 1,54 tỉ USD.

Thế nhưng, với chàng trai gốc Ukraine này, đó thật sự là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong đời.

Anh chàng đã từng nghĩ đến viễn cảnh tận hưởng cuộc sống trên núi tiền, nhưng sướng đâu không thấy, chỉ thấy cảm giác "vô dụng và ngu ngốc" đeo bám suốt một năm đằng đẵng.

Quen làm việc, Levchin trở nên lúng túng khi được ngồi không. 

Một trang web chia sẻ hình ảnh và video không phải là lựa chọn yêu thích của Levchin trong lúc tính toán làm gì tiếp theo. Nhưng anh đã quyết định khởi nghiệp lại từ đầu với Slide.com vào năm 2005 vì nghĩ nó có tiềm năng lớn mạnh hơn cả PayPal.

Thời điểm đó đã có nhiều trang web chia sẻ hình ảnh và video, nhưng Levchin vẫn phát hiện một cách mới để cạnh tranh, đó là cung cấp dịch vụ slide show (màn trình diễn động) hình ảnh để các công dân mạng dễ dàng trang trí cho blog hoặc trang web cá nhân của mình.

Trước đây khi ở PayPal, Levchin đã làm việc hết mình đến nỗi hay bị bảo vệ nhắc nhở vì tội thường xuyên ngủ luôn trong phòng làm việc.

Giờ đây, dù tài sản cá nhân đã lên đến khoảng 100 triệu USD, chàng trai 32 tuổi vẫn tiếp tục lao vào làm việc từ 15-18 giờ/ngày. Bạn gái của Levchin than thở rằng họ có quá ít dịp để ở bên nhau.

Trên bàn làm việc của anh thậm chí còn đặt sẵn một máy đo huyết áp. "Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không lập thêm công ty mới. Có thể tôi sẽ nghĩ đến chuyện cắt cổ tay mình", anh chàng nói đùa.

Trong số những thành viên tiêu biểu của "CLB tái khởi nghiệp" còn có Marc Andreessen, 35 tuổi, đồng sáng lập Netscape năm 1994, nay đang dành trọn thời gian cho sự khởi nghiệp lần thứ ba với mạng xã hội Ning.

Đó còn là Chris Lyman, 33 tuổi, bỏ túi 30 triệu USD nhờ việc bán lại trang web Hosting.com năm 2000, nay đang làm chủ Fonality, một dịch vụ bán hệ thống điện thoại cho các doanh nghiệp nhỏ.

Sinh ra để làm việc

"Tôi đã nghỉ việc ba năm, làm mọi thứ mình muốn chỉ để nhận ra rằng tôi không muốn làm bất cứ điều gì trong số đó. Tôi cảm thấy càng đi nhiều càng mất phương hướng thay vì ngồi một chỗ làm kinh doanh".

Tâm sự của Chris Lyman có lẽ cũng là cảm nhận chung của những người chọn cho mình cách lập công ty mới thay vì tiêu xài hưởng thụ. Nói như Lyman, "làm doanh nghiệp là bị dính vào lời nguyền".

Lời nguyền đó khiến họ không bao giờ thấy hài lòng với thành công dù ở tuổi họ, nhiều người khác còn đang loay hoay tìm hướng đi cho cuộc đời mình.

James Hong, một doanh nghiệp trẻ thành đạt khác, cũng có cùng tâm sự: "Đùng một cái bạn có được sự xa xỉ - hay lời nguyền - này. Bạn tự hỏi tại sao tôi không thấy vui vẻ hơn trong khi quá may mắn thế này?".

Hong, như những người đồng cảnh ngộ, sau đó đã tìm thấy câu trả lời. Đó là họ không thể ăn không ngồi rồi. Họ là những người sinh ra để làm việc, không phải để hưởng thụ.

Với họ, làm lại từ đầu có nghĩa là vượt qua những gì mình đã làm trước đây. Và đó là một thử thách thật sự khó khăn nhưng cũng không kém phần thú vị.

Theo Robert I. Sutton, giáo sư quản lý khoa học và kỹ thuật Trường đại học Stanford, lý do nằm ở chỗ để được sống trong môi trường này đòi hỏi các doanh nghiệp trẻ không ngừng tăng tốc.

"Ở những nơi khác trên nước Mỹ, nhà cửa là biểu tượng của sự thành đạt. Nhưng ở đây (Thung lũng Silicon), biểu tượng vĩ đại nhất chính là năng lực cá nhân", GS Sutton phân tích.

Đó là khả năng tiếp tục cho ra đời công ty mới "nóng sốt" và chứng tỏ bạn đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ mới.

Mà đối với những "hoàng tử Silicon", điều đó hoàn toàn không khó, đặc biệt là trong bối cảnh mạng Internet bùng nổ như ngày nay.

"Lần đầu tiên trong lịch sử, bạn có một thị trường toàn cầu với hơn 1 tỉ người, tất cả đều kết nối với nhau thông qua mạng lưới tương tác. Cơ hội ngày càng lớn hơn so với trước đây",  Marc Andreessen phân tích.

Tuy nhiên, mọi sự thành công đều phải trả bằng một cái giá nào đó. Với Levchin, cái giá cho sự đam mê công việc quá độ của mình là không còn thời gian để sống vì người khác.

"So với những gì người khác đã cho đi, đóng góp của tôi chẳng đáng là bao". Anh ước mình có thể làm từ thiện nhiều hơn, nhưng việc ấy tạm thời xếp lại cho đến khi Levchin thỏa sức với ưu tiên hàng đầu của mình là công việc.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG