Những người trẻ đi ngược

Những người trẻ đi ngược
TP - Giới trẻ TPHCM có những đam mê rất lạ. Cũng có khi, từ những đam mê ấy, họ đã tạo thành một thú chơi phổ biến và rộng rãi. Không phải bao giờ, đi ngược lại số đông cũng khiến số đông xa lánh.

Bài 1: Thú chơi "già" của những người trẻ

Họ còn trẻ, rất trẻ. Nhưng niềm đam mê họ tìm đến lại tỏ ra không hợp với tuổi của họ chút nào. Thậm chí, có người còn bị gọi là "chàng ngốc". Nhưng chính cách lựa chọn ấy của họ đang được nhiều bạn trẻ khác tìm đến, trở thành một xu hướng mới. Xu hướng của thú chơi… hoài cổ!

Cà phê... tuổi già

Những người trẻ đi ngược ảnh 1
Trần Văn Bình (đeo kính)

"Có nhà văn hóa thiếu nhi, nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hoá phụ nữ, nhưng người về hưu chỉ còn biết về nhà vì không có nhà văn hóa cho người cao tuổi".

Đó là lí do Nguyễn Thị Khánh Vân, cô sinh viên Cao đẳng bán công Hoa Sen và ĐH Marketing quyết tâm thành lập một công ty chuyên về dịch vụ cho người cao tuổi - công ty TNHH thương mại dịch vụ truyền thông Nắng Sớm.

Ý tưởng xoẹt qua đầu khi Vân vô tình nghe lỏm được câu chuyện giữa bố mẹ và một người bạn. Bạn của bố Vân đang muốn tổ chức một lễ mừng thọ trang trọng, ấm cúng cho các cụ thân sinh nhưng lại không biết nên tổ chức ở đâu và tặng món quà gì cho phù hợp. Nếu tặng một chiếc khánh vàng thôi thì đơn giản quá. Vân nghĩ "Tại sao lễ mừng thọ người ta chỉ tặng khánh vàng mà không là những món quà khác? Tại sao không tổ chức một buổi họp mặt cho các cụ quây quần bên con cháu?".

"Máu" kinh doanh trong người cô sinh viên năm cuối nổi lên, Vân chạy ngay về phòng và lập tức viết lên giấy những ý niệm đầu tiên về dự án của mình. Mục tiêu của dự án là thành lập một công ty thương mại, dịch vụ, tổ chức sự kiện cho người cao tuổi như tổ chức tour du lịch, các buổi tiệc liên hoan, sinh nhật, lễ mừng thọ… Tháng 5/2007, khi Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức cuộc thi " Sinh viên khởi nghiệp 2007", Vân đem đề tài của mình dự thi và đạt giải 3 toàn quốc.

21 tuổi, cô sinh viên Nguyễn Thị Khánh Vân, giờ đã thành giám đốc công ty Nắng Sớm  tâm sự: "Tôi đặt tên công ty là Nắng Sớm vì nắng sớm là tia nắng đầu tiên của một ngày, tia nắng đẹp và trong lành nhất, nó như một sự khởi đầu mới mẻ đầy cảm hứng cho dự án mà tôi theo đuổi".

Cùng với Nắng Sớm, Bách Niên Hội Quán cũng được xây dựng để tạo không gian ấm cúng, là điểm đến mỗi ngày cho các bậc cao niên. Tại đây, những người cao tuổi vừa có thể gặp gỡ đàm đạo thơ văn vừa có thể nghe những bản nhạc một thời mình yêu thích.

Hiện nay, tại Bách Niên Hội Quán đã mở nhiều lớp dạy miễn phí trà đạo, thư pháp, cắm hoa thậm chí mở những lớp học đặc biệt dạy người cao tuổi sử dụng internet, làm đẹp, tổ chức những chuyến du lịch thiên về giải trí hơn nghỉ dưỡng…. Bên cạnh đó, Vân cũng thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề thu hút khá nhiều bậc cao niên tham gia như: Khủng hoảng tâm lí ở người cao tuổi, Chăm sóc hình thể cho người cao tuổi…

Ngốc vì… già!

Trong khi bạn bè đang chạy đua theo những trào lưu thời thượng nhanh như... internet thì Trần Văn Bình, sinh viên năm 3, khoa Nhân học, ĐH. KHXH&NV TPHCM luôn tự hào với cách "sống chậm" của mình. Tranh dân gian Đông Hồ, trò chơi dân gian trẻ em, website maudantoc.com, triển lãm tranh Đông Hồ, ý tưởng khắc tranh trên USB… và còn rất nhiều tài lẻ.

Là chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu khoa học "Tìm hiểu về trò chơi dân gian trẻ em đô thị", tổ chức 2 lần trưng bày tranh Đông Hồ tại TPHCM và mới đây là xây dựng website chuyên về văn hóa dân gian Việt Nam mang tên Maudantoc.com, Bình được mọi người gọi là chàng sinh viên ngốc và "sống chậm" tất bật nhất.

Những người trẻ đi ngược ảnh 2
Một chút hoài cổ trong phòng khách Nguyễn Hiếu Tín

Bình sinh ra và lớn lên trong một làng quê truyền thống của xứ Kinh Bắc với những câu quan họ đằm thắm, những đình chùa cổ kính, hội hè đông vui, những trò chơi tuổi thơ trong đêm trăng sáng và màu xanh đỏ của bức tranh Đông Hồ ngày xuân…

Vào TPHCM học đại học đúng ngành Nhân học, Bình càng có thêm kiến thức chuyên sâu về văn hóa và càng hun đúc thêm lòng yêu mến đối với văn hóa truyền thống. Ngay cuối năm nhất, sau gợi ý của thầy chủ nhiệm, Bình liền tập hợp các bạn trong lớp lại rồi bắt tay ngay vào nghiên cứu đề tài: "Tìm hiểu trò chơi dân gian trẻ em đô thị".

Sau gần một năm vừa nghiên cứu vừa học hỏi thêm kiến thức, phương pháp từ thầy, cuối cùng, nhóm của Bình đã sưu tầm được 32 trò chơi dân gian đô thị, phân tích những đặc trưng của chúng và bước đầu đã đưa ra được đề án giáo dục toàn diện nhân cách trẻ thông qua văn hóa dân gian. Đề tài đã đạt giải Nhì cấp trường, giải Khuyến khích giải thưởng Eureka của Thành Đoàn và cuối năm 2008 là 1 trong năm 5 đề tài được chuyển giao để ứng dụng.

Một lần về quê ăn tết, Bình lên thăm làng tranh Đông Hồ. Nhìn những bức tranh và nói chuyện với các nghệ nhân, Bình liền quyết định ngay rằng sẽ mang dòng tranh này vào Nam giới thiệu cho nhiều người biết. Đã có nhiều người phản đối nhưng Bình vẫn quyết mua bằng được hơn 300 bức tranh đem vào Sài Gòn.

Ban đầu, Bình chỉ định tặng và khoe với bạn bè nhưng sau, Bình quyết định chuyển qua bán tranh để lấy kinh phí hoạt động tiếp. Ban đầu, Bình đem tranh đi bán trong ngày 8/3, các hội chợ sách; sau đó thì chuyên tâm vào bán trên mạng qua các diễn đàn, blog. Ý tưởng tổ chức trưng bày tranh Đông Hồ bắt đầu thực hiện.

Buổi offline đầu tiên giới thiệu về tranh Đông Hồ đã được Bình và bạn bè tổ chức thành công ở cà phê Hoa Đá (Q.11, TPHCM) vào tháng 6/2008. Lần trưng bày gần đây nhất của Bình là tháng 1/2009 tại café Thời Gian (H. Bình Chánh) và café Thư Giãn (Q.3). Không những vậy, một người bạn của Bình còn khắc tranh Đông Hồ lên da rồi dán lên laptop, điện thoại… tạo nên một thú chơi rất sành điệu!

Còn bước vào nhà Nguyễn Hiếu Tín (Thạc sĩ Văn hóa học, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM ), dễ dàng nhận ra hình như nó hơi lạc điệu so với tông màu ồn ào của cuộc sống. Phòng khách nhỏ nhưng ấm cúng, được bày biện giống như phòng thưởng thức trà đạo kiểu Nhật.

Những bộ ấm chén bằng sứ hoặc đất nung được bày biện ngăn nắp, những bức họa và thư pháp treo khắp phòng cùng 2 giá sách chất đầy sách nghiên cứu văn hóa, tạp chí về tem và sách thư pháp càng làm nổi bật rõ tính cách chủ nhân của nó: trầm mặc và hoài cổ. Tín chọn một thú chơi tốn khá nhiều thời gian và công sức,cũng giống cách mà anh chọn cho mình một lối sống: giản dị mà sâu sắc, một gam màu lạnh thâm trầm bên cạnh những gam màu nóng sôi nổi của thời đại kĩ thuật số.

9 năm gắn bó với tem và 8 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp, anh đã xuất bản được một cuốn sách về thư pháp mang tên "Thư pháp là gì?" và đang chuẩn bị xuất bản bộ sách tem "Tem thư - nghệ thuật và khoa học". Đó chính là cách mà Nguyễn Hiếu Tín trả nợ hai niềm đam mê của mình.

Được mệnh danh là "chàng trai vàng của Tem bưu chính Việt Nam" với gia tài 10.000 con tem của hơn 70 quốc gia, Tín sở hữu một "bộ sưu tập" gồm hơn 20 giải thưởng về tem cả trong và ngoài nước và là người đầu tiên tổ chức triển lãm tem cá nhân ở Việt Nam. Với nghệ thuật thư pháp, cái tên Nguyễn Hiếu Tín cũng đã không còn xa lạ ở TPHCM nữa. Và ai từng lạc bước đến nhà anh cũng đều chung nhận xét: chàng trai trẻ sống chậm vào dạng bậc nhất ở  Sài Gòn.

---------------------

Bài 2: Muôn nẻo chơi xe - Xem trên TPCT số 34

MỚI - NÓNG