Những người trẻ... khác người

Những người trẻ... khác người
"Trẻ" ở đây được hiểu là căng tràn sức xuân, không chỉ nhờ tuổi đời mà còn bởi cách suy nghĩ và cách sống. Họ chấp nhận mạo hiểm để quyết tâm thực hiện mơ ước.
Những người trẻ... khác người ảnh 1
Long (ngồi, hàng trước) và các đồng nghiệp. Ảnh: Thanh Niên

Việt, 28 tuổi, cựu du học sinh ở Nhật, hiện đang là giám đốc một Cty tư nhân, thường chạy chiếc 87 cà xịch cà tàng đã 3 năm nay.

Từ khi về nước đến nay, Việt chỉ "Alô" bằng chiếc Nokia giá tròm trèm trên dưới 1 triệu đồng.

Bị vặn vẹo sao giám đốc mà không sành điệu, Việt chẳng có gì ngại ngần: "Điện thoại nào pin lâu hết, alô rõ ràng, xe máy nào chạy tốt, an toàn và ít tốn xăng là được rồi. Tiền của để đầu tư mở rộng hoạt động Cty có phải tốt hơn không. Quan trọng nhất là mình phải chuyên nghiệp trong công việc".

Người biết Việt còn thấy anh chàng này có những cách mạo hiểm "chẳng giống ai". Từ Nhật về nước làm việc với mức lương cứng 2.000 USD/tháng, tưởng cũng ổn, thế mà được 2 năm, Việt quyết định "ra riêng".

Việt cùng người bạn mở Cty dịch thuật và tin học, chấp nhận cày cật lực không lương để thực hiện mơ ước thuở "Đông du": Được thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh mới.

Ý tưởng mới ở đây là quyết tâm làm thương mại điện tử, lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Long, một 8x, lại xin rời vị trí đang rất có triển vọng tại một Cty quảng cáo lớn để... "đi học". Không phải du học, chỉ là học tiếp bậc đại học vì trước đây Long mới tốt nghiệp cao đẳng.

Chuyện lạ. Lạ vì trong lúc nhiều người đang hoài nghi về chất lượng của những tấm bằng đại học, Long lại quyết tâm học vì "kiến thức nền tảng rất quan trọng".

Học, nhưng Long cũng tranh thủ kịp cùng anh bạn mở một Cty quảng cáo nho nhỏ. Khi Cty chưa thuê được văn phòng làm việc, ngày nào tay giám đốc trẻ măng này cũng ôm laptop lê la khắp các quán cà phê vỉa hè ở khu trung tâm để khách hàng gọi là có mặt ngay lập tức.

"Chạy long nhong cực ơi là cực, nhưng "vạn sự khởi đầu nan", ai chẳng thế". Long vừa tranh thủ lôi laptop ra chỉnh lại bài thuyết trình cho khách hàng vừa than thở nhưng giọng điệu lại cực kỳ lạc quan và tự hào.

Khác người không chỉ để nổi bật

Những người trẻ... khác người ảnh 2
Marty và Adam

Chuyện H.A, - Cựu du học sinh tại Úc - giữ phương châm "đi làm để kiếm tiến đi... du lịch". H.A từng bán nguyên miếng đất để lấy tiền đi lang thang khám phá mọi ngõ ngách ở châu Âu trong 2 tháng.

Hay T., một doanh nhân trẻ, chẳng bao giờ đi ăn cùng người lạ, ngay cả khi cần bàn bạc chuyện kinh doanh vì "bữa ăn quan trọng nên chỉ dành cho gia đình và bạn bè thân thích".

Những điều đó có thể khiến người ngoài ngạc nhiên, nhưng với các nhân vật trên đó chỉ là "chuyện ngày thường ở huyện". Một khi đã coi đó như là nguyên tắc sống của riêng mình, họ không muốn người khác phải chú ý.

Tôi có một chị bạn thường xuyên vào mạng kêu gọi mọi người cùng góp sách báo, quần áo cũ giúp đỡ những trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, tàn tật, người già neo đơn mà chị đã có dịp đi thăm.

Noel, Tết tây, người ta nườm nượp rủ nhau đi chơi, chị lại cặm cụi cùng bạn bè vác quà đi thăm người già neo đơn. Thế mà chị nhất quyết không chịu cho tôi nhắc tên trên báo bởi "bạn bè chị ai cũng vậy em ơi, có gì đâu để kể".

Cũng có những ý tưởng bắt nguồn từ sở thích cá nhân ấy đã đem lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của những người xung quanh, dù khác màu da, quốc tịch.

Đó là chuyến xuyên Việt bằng xích lô của Marty và người bạn Adam - 2 chàng trai đến từ Úc. Một ngày oi nồng của tháng Bảy năm ngoái ở Hà Nội, Marty và Adam ngồi bàn xem họ có thể làm gì để giúp những trẻ em nghèo ở VN.

"Hai chàng trai sẽ đạp xích lô từ Hà Nội chạy thẳng đến TPHCM" chẳng hạn. Ý tưởng nghe có vẻ ngông cuồng ấy lại được KOTO, một tổ chức từ thiện chuyên dạy nghề du lịch nhà hàng cho trẻ em đường phố ở Hà Nội, nơi Marty và Adam đã từng tham gia, ủng hộ nhiệt liệt.

Mục đích chuyến đi nhằm thu hút khoảng 30 ngàn USD từ các nhà tài trợ để gây quỹ ủng hộ cho các trẻ em đường phố học nghiệp vụ nhà hàng và thực hành tay nghề được nhiều người hoan nghênh.

Chuyến đi kéo dài 29 ngày suốt chiều dài hơn 1.700 km ấy khiến Marty và Adam sụt vài ký lô, "tiêu tốn" 4 chiếc lốp, 5 chiếc nan hoa bánh xe xích lô.

Họ phải dừng xe hàng chục lần để "đại tu sức khỏe" của cả người và xích lô cũng như vài cú ngã nhớ đời, nhưng đem lại thêm nhiều cơ hội đổi đời cho các trẻ em đường phố.

Marty kể, chuyến đi ấy đã để lại trong anh hàng ngàn kỷ niệm đáng nhớ về Việt Nam. Nào chuyện họ được mời dự đám cưới, uống rượu Lúa mới, nào chuyện gặp phải "dốc", thứ không có trên các bản đồ du lịch, nên phải thở bằng miệng khi đạp xe và nghiệm ra vì sao chẳng bao giờ thấy xích lô ở Sa Pa.

Nào chuyện các bác xích lô ở Huế có màn "đón khách" cực kỳ đặc biệt, người dân ở Phan Thiết tốt bụng và dân Sài Gòn cực kỳ hiếu khách...

Những người như Việt, Long, chị bạn trên mạng, Marty, Adam... và hàng triệu bạn trẻ mà tôi chưa có dịp làm quen khác vẫn tiếp tục hành trình thử thách chính mình trong quá trình khám phá thế giới.

Họ chọn cách sống giản dị và có ý nghĩa vì đơn giản, họ lạc quan, yêu đời và quan trọng nhất là họ đang giữ trong mình sức xuân của tuổi trẻ.

Theo Lan Anh
Thanh niên

MỚI - NÓNG