Những người trẻ Mỹ... không chịu lớn

Những người trẻ Mỹ... không chịu lớn
Giống như nhiều người Mỹ trẻ tuổi cùng lứa - có giáo dục, có việc làm, thanh niên thành thị... - Jason vẫn đều đặn nhận tiền trợ cấp hàng tháng của bố mẹ dưới dạng séc 300 USD và tiền trả cho dịch vụ điện thoại di động.
Những người trẻ Mỹ... không chịu lớn ảnh 1

Gần hết lương rồi mà sao chưa thấy bố mẹ gửi tiền!

23 tuổi, Jason McGuinness có một cuộc sống điển hình của những người tốt nghiệp đại học. Công việc của anh là nghiên cứu, phân tích truyền thông, với tiền lương khoảng 30.000 USD/năm.

Jason thuê chung một căn hộ trên tầng 4 một chung cư ở khu Upper East Side, Manhattan, New York, với giá 1.100 USD/tháng.

Món tiền mà Jason và những người trẻ như anh nhận được không phải là tiền thu được từ các quỹ đầu tư do nhà giàu mà có. Cũng chẳng phải là kiểu tiền lì xì được cho vào các dịp lễ lạt.

Ngày càng có nhiều người trẻ như Jason ngửa tay nhận tiền trợ cấp thường xuyên từ bố mẹ theo kiểu mà người ta gọi đùa là "học bổng gia đình".

Số tiền này giúp trang trải tiền thuê nhà, thanh toán các loại hoá đơn điện, nước, điện thoại, đi lại... Trong xã hội Mỹ hiện đại, những sự hỗ trợ của cha mẹ như thế ngày càng tăng trong 2 thập kỷ qua với lý do con đường học hành của các "vị" con cái ngày càng dài, tuổi kết hôn của họ lại càng muộn, và những người trẻ thì cứ mãi "chưa chịu" trưởng thành.

"Tất cả những người tôi quen biết đều hỗ trợ tiền bạc cho con cái về mặt nào đó" - bà Gail Horowitz, phó giám đốc Zlokower, một công ty chuyên về PR ở Manhattan, mẹ của Jason cho biết.

Không giống như những thanh niên đang có xu hướng ồ ạt kéo về ở với cha mẹ, những người trẻ này sống độc lập. Nhưng họ cần có sự giúp đỡ của bố mẹ để có thể thực hiện được cuộc sống "độc lập" đó, hoặc cũng có thể coi đó là cách để họ hưởng thụ một cuộc sống theo kiểu trung lưu đúng nghĩa.

Trước đây, người ta cứ ngỡ khi con cái tốt nghiệp, ra trường đi làm thì có thể tự lo lấy cuộc sống của mình, cha mẹ sẽ chẳng cần lo nghĩ gì nữa. Thế nhưng, giờ đây, các bậc cha mẹ mới phát hiện ra rằng, khi con cái tốt nghiệp, họ còn phải lo lắng nhiều hơn trước, có khi phải đóng góp cho các con hàng nghìn đô la một năm để giúp các cậu ấm, cô chiêu của mình có thể sống... độc lập. Sự giúp đỡ này thường kéo dài tới khi con cái những 30 tuổi hoặc hơn.

Những người trẻ Mỹ... không chịu lớn ảnh 2

Cha mẹ luôn sẵn sàng cho và con cái luôn sẵn sàng nhận

Những sự tiến thoái lưỡng nan về mặt kinh tế mà giới trẻ Mỹ đang phải đối mặt đã được phản ánh trong 2 cuốn sách best-seller gần đây là: Generation debt (Món nợ thế hệ) của Anya Kamenetz; và Strapped: Why America's 20 and 30 somethings can't get ahead (Kẹt tiền: Vì sao người Mỹ trẻ không thể tiến lên phía trước?) của Tamara Draut.

Trong 2 cuốn sách này, các tác giả đã tìm hiểu, lý giải những nguyên nhân khiến giới trẻ Mỹ luôn lâm vào tình trạng "giật gấu vá vai" như hiện nay: vì sao không trả được bill?, vì sao giá nhà tăng?, sao học phí lại tăng chóng mặt?...

Draut, tác giả sách, giám đốc một chương trình cơ hội kinh doanh Demos của một viện nghiên cứu tại New York, phân tích rằng hiện nay sinh viên tốt nghiệp thường mang một món nợ trung bình là 20.000 USD, cộng thêm chi phí sinh hoạt đắt đỏ lại càng khiến cuộc sống của họ lao đao.

Trong khi những căng thẳng kinh tế ngày càng trầm trọng ở những thành phố như New York thì những người ở khu vực nông thôn cũng chẳng tránh được áp lực.

Theo một cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu xã hội ĐH Michigan, trên toàn nước Mỹ có khoảng 34% những người ở lứa tuổi 18 - 34 nhận trợ cấp dưới hình thức tiền mặt của bố mẹ hàng năm.

Tiền mặt chỉ là một phần. Các vị phụ huynh còn gửi cho con cái quần áo, xe cộ, và cả trực tiếp thanh toán các khoản chi phí.

"Chúng tôi vẫn không thấy có dấu hiệu suy giảm nào của xu hướng này" - Bob Schoeni, giáo sư chính sách công cộng và kinh tế ĐH Michigan, tác giả của nghiên cứu nói trên cho biết.

Thống kê năm 2005 của chính phủ cho thấy phụ huynh các gia đình trung lưu Mỹ với thu nhập ít hơn 72.600 USD/năm phải trả 190.980 USD để nuôi con ăn học cho tới 17 tuổi.

Nhưng giáo sư Schoeni cho rằng họ lại phải trả thêm khoảng 25% số tiền đó, tức là khoảng 42.280 USD, trong vòng 17 năm tiếp theo. Đây là tiền trả học phí cao học cũng như các chi phí khác cho những cậu ấm cô chiêu.

Gần một nửa số con cái lứa tuổi 18 - 34 cũng nhận sự giúp đỡ của bố mẹ về mặt thời gian như đưa đón, giặt giũ, chăm sóc cháu chắt... Trợ giúp của bố mẹ về mặt thời gian được tính thành 367 giờ/năm, tương đương 9 tuần làm việc.

Nhận tiền cha mẹ - tiến thoái lưỡng nan

Mặc dù nhiều người có thể tranh luận rằng thái độ sẵn sàng bảo bọc những đứa con - người lớn của họ là một cách kéo dài thời gian tuổi già sầm sập kéo đến, nhưng giáo sư Schoeni cho rằng kết quả điều tra của ông cho thấy thời gian học tập kéo dài, việc theo đuổi nhiều ngành nghề, công việc trước khi tìm được một công việc chỗ làm phù hợp, và sự trì hoãn kết hôn là nguyên nhân chủ yếu của thời kỳ "quá độ" lên người lớn của những người trẻ Mỹ. Và sự hỗ trợ của cha mẹ không phải là động lực của sự quá độ đó, mà là phản ứng của họ đối với nó.

Các chuyên gia khác lại cho rằng những người trẻ nhận được giúp đỡ về mặt vật chất của gia đình có "thời kỳ quá độ" lên làm người trưởng thành êm ả hơn những người phải tự mình vật lộn từ đầu đến cuối.

"Điều đó có nghĩa là họ không cần thiết phải làm ngay công việc đầu tiên mà họ có khi ra trường" - Jeffrey Jensen Arnett, chuyên gia tâm lý học phát triển, cho biết.

Những giúp đỡ của cha mẹ khiến những người trẻ có cơ hội khám phá những công việc thu nhập thấp ở thời điểm khởi đầu để rồi có những bước nhảy quan trọng trong nghề nghiệp, từ đó, duy trì chất lượng cuộc sống sau này.

"Có rất nhiều việc tôi đang làm có lợi cho việc phát triển nghề nghiệp của tôi, có điều nó không nhiều tiền lắm", Daisy Press, một ca sĩ nhạc cổ điển cho biết. Ở tuổi 27, Press mới vừa học xong 8 năm ở trường nhạc. "Tôi sẽ không thể làm được việc đó mà không có sự giúp đỡ của bố mẹ".

Bố mẹ Daisy đều là nghệ sĩ, bố chơi bass, mẹ ca sĩ, họ đã đi lưu diễn trong suốt 30 năm với Neil Diamond. Ngoài việc trả tiền học phí cho Daisy, họ còn mua cho con gái một căn hộ ở khu Upper West Side giúp đỡ cô sống và làm nghề ngoài thu nhập từ việc giảng dạy lịch sử âm nhạc ở trường âm nhạc.

Những người trẻ Mỹ... không chịu lớn ảnh 3

Nhiều thanh niên hiện nay dù đã có việc làm nhưng vẫn chưa thể tự lập

Cả bố mẹ của Daisy đều tin tưởng rằng tất cả mọi năng lượng, suy nghĩ của con gái cần phải tập trung vào việc học tập và họ sẵn sàng làm tất cả để con gái có cơ hội toả sáng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Và họ cũng có phần tự hào về cô con gái của mình. Dù bà Press đã 57, và ông Press đã 68, họ vẫn tin tưởng: "Lao động cần cù và đam mê khiến chúng tôi có đủ khả năng để giúp Daisy. Nó không phải một đứa lười biếng không biết định hướng. Nó luôn thẳng tiến về phía trước".

Cũng như nhiều người trẻ ở cùng hoàn cảnh, Daisy có khá nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nhận tiền của cha mẹ: "Tôi có cảm giác mình không phải là một người trưởng thành.

Một phần con người tôi cảm thấy mình mới chỉ 19, 20 tuổi. Tôi không có những trải nghiệm cảm xúc để biết giá trị của mình thế nào, cảm giác khi tiêu tiền mình kiếm được ra sao. Tôi chỉ có thể tưởng tượng mọi thứ mà thôi".

Alanna Lopez, 27 tuổi, lại biết rõ giá trị của đồng tiền. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc trong lĩnh vực quản lý khách sạn. Lúc đó, ngành dịch vụ đang gặp khó khăn. Lopez phải làm việc rất muộn mà vẫn không có nhiều tiền.

Rồi cũng phải mất 5, 6, thậm chí 10 năm cô mới được thăng chức. Thế là cô quyết định nghỉ việc và bắt đầu học về lịch sử nghệ thuật và giáo dục ở trường Hunter College.

Tuy nhiên, vì không đi làm nên cuộc sống tự lập của Lopez gặp nhiều khó khăn. Và rồi mẹ cô, bà Suzanne McGrattan, đã tới giải cứu.

"Mẹ trả tiền học và các khoản sinh hoạt phí cho tôi. Mẹ giúp tôi các công việc nội trợ, thuê thợ sửa chữa căn hộ cho tôi. Không có mẹ tôi cũng chẳng biết làm thế nào".

Theo giáo sư tâm lý học phát triển Arnett, những người trẻ thường có cảm xúc lẫn lộn khi nhận tiền vì nó biểu hiện quyền năng của cha mẹ. Đa số người trẻ luôn nỗ lực để có sự độc lập thực sự, để thấy họ đã là người trưởng thành. Thế nhưng, đa số họ cũng thấy hoài nghi về sự trưởng thành.

Họ muốn được trưởng thành. Họ muốn có địa vị xã hội. Nhưng cuộc sống của người trưởng thành cũng lắm nhiêu khê và mệt mỏi. Họ phải tự trả các loại hoá đơn sinh hoạt, phải tự chịu lấy mọi trách nhiệm trong cuộc sống...

Thế là họ trù trừ trong việc trở thành người trưởng thành. Thế nhưng, nếu cha mẹ cứ thả tay ra, thì dù có hay không trợ cấp của bố mẹ thì con cái vẫn có thể cố gắng tồn tại được.

Nhưng bản chất của cha mẹ là cho, và bản chất của con cái là... cứ nhận; vậy nên, cha mẹ sẽ cứ mãi là những ngân hàng cho vay không lấy lãi, cũng chẳng phải hoàn trả.

Theo Ngọc Thủy
Sài gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.