Những người Việt trẻ và dự án “gác” sóng thần

Những người Việt trẻ và dự án “gác” sóng thần
Gõ địa chỉ google.com, nhập từ khoá “Động đất Sumatra”. Địa chỉ  www.vngg.net xuất hiện thật nổi bật. Đó chính là sản phẩm của một nhóm thanh niên Việt ở khắp nơi trên thế giới có chung ý tưởng "gác" sóng thần. 

www.vngg.net nổi bật giữa vô số những bài báo, ý kiến tranh luận online (trực tuyến) xung quanh sự kiện này với công trình nghiên cứu “Động đất Sumatra và sóng thần ấn Độ Dương 26/12/2004” bởi tấm bản đồ nền xanh và những mảng đứt gãy màu vàng.

Nghiên cứu “Động đất Sumatra và sóng thần ấn Độ Dương 26/12/2004” được VnGG tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu chính xác, biên soạn thành công trình toàn cảnh về sự kiện trên. Nghiên cứu gồm 6 phần chính về sự kiện 26/12/2004: nguyên nhân, các tác động, phân tích diễn biến, giới thiệu hệ thống cảnh báo trên thế giới, mức độ nguy hiểm, báo cáo thiệt hại, hậu quả về môi trường và sinh thái… Phần nội dung thảo luận về hệ thống cảnh báo thiên tai trên thế giới (phần 3) được Trung tâm Quốc gia dự báo Khí tượng Thuỷ văn và Tạp chí Khoa học Phổ thông đánh giá cao. Phần phụ lục gồm các câu hỏi đáp về sóng thần, giải thích cơ chế hình thành và lan truyền của sóng thần và giới thiệu về những trận sóng thần  trong lịch sử.
-Tài liệu gồm 77 trang, chia thành các file rời giúp download thuận tiện. Bạn đọc quan tâm có thể download tại địa chỉ:
http://www.vngg.net/news/articles.php?id=43

Mấy nhà khoa học trẻ Việt Nam về khoa học trái đất - VnGG (Vietnamese Geosciences Group), những người đang học tập ở nhiều quốc gia khác nhau, là tác giả của công trình đó, công trình thực hiện hoàn toàn qua mạng Internet.

Quen nhau tại những hội thảo khoa học quốc tế, ăn chung một bữa cơm, sẻ chia ý tưởng, rồi nhận ra nhu cầu kết nối. Vậy là Nhóm Khoa học Việt Nam về Trái đất (VnGG) ra đời dù mỗi người một nơi, gần 70 thành viên với địa chỉ liên hệ tại hơn 10 quốc gia khác nhau như Việt Nam, Đức, Pháp, Anh, Ailen, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, v.v… Xa nhau như thế, chỉ có hai thứ gắn kết họ lại với nhau. Đấy là cùng là người Việt và cùng say mê khoa học trái đất.

Thành lập hơn một năm, VnGG vẫn không thể đảm bảo yêu cầu cơ bản của một tổ chức là có cái trụ sở. Trang web   www.vngg.net là nơi để các bạn trao đổi trực tiếp mọi vấn đề, đăng tải tin tức thời sự mới nhất, công bố công trình, các hoạt động offline (ngoại khoá, ngoài mạng) của nhóm.

Phòng họp của họ là chatroom (phòng trò chuyện ảo trên mạng) của Yahoo Messenger. VnGG mới chỉ có một buổi hội thảo offline chính thức, nói chuyện trực tiếp với nhau, tại Paris, Pháp, nhưng cũng chỉ hội được gần 20 thành viên đến từ nhiều nước. Họp online là chủ yếu.

Cũng hết sức tình cờ, ngày 26/12/2004, ngày cuối cùng của buổi hội thảo offline tại Paris, lại cũng chính là ngày thảm họa sóng thần Sumatra xảy ra. Chương nhớ lại: “Với trách nhiệm của những nhà khoa học trái đất, bọn mình cảm thấy cần phải truyền tải lại thật rõ ràng, chính xác những gì đã xảy ra, cũng như phân tích đầy đủ các khía cạnh khoa học của nó”.

Vậy là quyết định làm “Động đất Sumatra và sóng thần ấn Độ Dương”, công trình chung đầu tiên của nhóm. Thời gian biên soạn công trình, cả nhóm 7 người làm việc ở 4 nước khác nhau - Ai-len, Pháp, Đức và Hàn Quốc- liên hệ chủ yếu qua email, chat và website. Dù chỉ gián tiếp qua mạng, nhưng tranh luận cũng nhiều phen nảy lửa.

Thành làm phản biện cho công trình kể lại, có nhiều vấn đề phản biện không đồng ý, bên biên soạn chỉnh sửa mãi mà vẫn không thống nhất được, mail qua mail lại mãi suốt gần hai tháng. Và công bố cũng có cách của nhóm. Các bạn đăng trên web, ai quan tâm thì download (tải xuống máy). Tưởng ít người biết, vậy mà phản hồi về từ khắp năm châu. Lần đầu làm online cũng có nhiều thiếu sót. Thành tiết lộ, sau công trình đầu tiên này, có thêm kinh nghiệm làm việc online, các bạn đang đầu tư làm một chuyên đề về năng lượng và hy vọng đến tháng 9/2005 sẽ hoàn thành.

Tuổi đời của VnGG trung bình 27-28. Chương sinh năm 1978, đang trong năm cuối chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ địa vật lý tại Ai Len (Irland). Thành sinh năm 1979, sang Pháp từ năm 1999. Đến tháng 9 năm nay, anh bảo vệ tiến sĩ động lực biển. Các bạn khác hầu hết là thạc sĩ hoặc đang làm nghiên cứu sinh.

“Sống lâu lên lão làng ấy mà!”, Thành cười. VnGG hoạt động qua mạng nhưng cơ cấu hoàn chỉnh, công việc phân công rạch ròi, chính xác. Nhất là trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng khung đánh giá và thẩm định công trình theo tiêu chuẩn tạp chí khoa học quốc tế.

“Động đất Sumatra và sóng thần ấn Độ Dương 26/12/2004” đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm Quốc gia dự báo Khí tượng Thuỷ văn nhận xét: “Công trình được biên soạn rất tốt, tổng hợp được các giá trị nghiên cứu của khoa học thế giới. Bài viết có giá trị tham khảo tốt cho giới chuyên môn. Các bạn cũng Việt hoá các thuật ngữ khoa học chính xác mà vẫn rất Việt Nam, người ngoài ngành đọc cũng rất dễ hiểu”.

Tạp chí Khoa học Phổ thông cũng trích đăng hai chương của công trình. Ban đầu các bạn định nghiên cứu về hệ thống cảnh báo thiên tai nhưng, đến khi bắt tay vào, cả nhóm quyết làm một nghiên cứu tổng hợp.

Xem trên web mới thấy nó thực sự là một công trình online với những tính năng phi văn bản, chỉ có báo trực tuyến mới làm được. Đấy là những bản đồ động, tương tác trực tuyến. Một bản đồ động diễn tả toàn bộ hình ảnh của trận sóng thần, có giá trị hơn hàng chục trang viết mô tả tỉ mỉ.

 Chương cho biết, các bạn không làm nghiên cứu chuyên sâu. Ai thuộc bất kỳ ngành học nào cũng có thể hiểu được nội dung. Phản hồi nhiều vô kể. Khen có, chê có. Quan trọng là nó được mọi người quan tâm. Thanh Hương, sinh viên ngành xã hội đang học ở Việt Nam cho biết: “Dù không phải là ngành học của mình nhưng mình cũng hay vào đọc tin”. Sau gần hai tháng công bố, các bạn vẫn đang hoàn chỉnh để đưa ra một phiên bản mới cập nhật và hoàn thiện hơn.

Ngoài những nghiên cứu online là hoạt động chung, VnGG lập yahoogroups (hình thức diễn đàn chung cho các địa chỉ yahoo) để các thành viên trao đổi. Các bài viết thuộc nhiều ngành khác nhau trong khoa học trái đất được đưa lên, địa lý, địa chất, hải dương học.

Mọi người cùng xem, đánh giá, cùng giải quyết những khúc mắc. Lắm khi  cũng tranh luận và phản biện chan chát. Ban biên tập quyết định mở một mục trên web để đăng bài của các thành viên, để mọi người, không chỉ thành viên, cũng được xem. Hỏi về lối ra của những công trình này, đến giờ nhóm vẫn còn tranh luận. Tìm đầu ra cho công trình rồi hãy bắt tay nghiên cứu, hay cứ làm trước, cho thoả cái say mê nghiên cứu đã?

 Dù chưa thống nhất, nhưng những công trình mới vẫn được tiến hành. Quan trọng hơn, nhóm muốn làm được những  nghiên cứu có giá trị, đáng tin cậy, để những người muốn tìm hiểu không phải tới gõ cửa viện nghiên cứu nào, chỉ vào google.com cũng tìm được cái mình cần.

Vào forum VnGG, topic “Thân thương Việt Nam” của một thành viên ở Anh post toàn ảnh chụp Việt Nam, một thành viên tâm sự qua mạng: “Xem  ảnh tôi nhớ nhà quá!” Họ kể cho nhau nỗi nhớ và yêu cái nắng hoàng hôn trên Hồ Tây, những phố Hà Nội ngập nước mùa lũ, những chiếc xích lô chở dăm bảy khách kẽo kẹt trên cầu Tràng Tiền, những con đường ngoại ô TP Hồ Chí Minh chìm trong nước triều cường.

“Sáu năm xa mẹ, bao giờ mới định về nước?”. Thành trả lời ngay: “Một vài năm nữa sẽ về. Mình hứa đấy!”. Cái câu “hứa” mang niềm tin của một ngày hội ngộ. Sau những hoạt động qua email, qua chat, qua website, những nhà khoa học trẻ sẽ tổ chức hội thảo VnGG trên chính quê hương của mình.

Họ chỉ tiếc một điều, không gặp nhau được đúng dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, kỷ niệm sự kiện đem đến cho họ một thứ “chứng minh thư” đặc biệt khi du chu nước người, những vùng đất, con người xa lạ chỉ cần nghe “Việt Nam- Hồ Chí Minh” là nở nụ cười tươi rói. 

MỚI - NÓNG