Những nhà báo cắm bản

Những nhà báo cắm bản
TP - Rơi xuống vực, chạy bộ hàng chục cây số để kịp gửi tin bài, hỏng xe máy, phải bán lại cho dân bản… đó chỉ  là vài chuyện nhỏ của những nhà báo thường xuyên cắm bản ở vùng sâu vùng xa.

Sau khi thành lập tỉnh Lai Châu (2004), Chu Quốc Hùng trở thành phóng viên thường trú của TTX Việt Nam ở địa phương nghèo nhất nước này và đối diện với ba không: Không văn phòng làm việc, không trang thiết bị tối thiểu như một chiếc máy tính, thậm chí không có chỗ ngủ cố định.

Vì vậy mọi người vẫn gọi đùa Hùng thuộc dân tộc “Lá Vàng”. Phương tiện làm việc duy nhất của phóng viên trẻ này là chiếc máy điện thoại di động. Mỗi khi cần đưa tin gì, anh vào quán nước, viết tin bài rồi đọc qua điện thoại về cho ban biên tập. Nhiều khi ngồi viết tin mà cứ nuốt nước mắt vào trong.

Cực nhất phải kể đến những ngày đi cắm bản để viết bài. Lần ấy, vừa từ Mường Tè, Lai Châu, quay về, Hùng lại được giao nhiệm vụ đưa tin về hoạt động vận động bầu cử của đại biểu quốc hội khóa XI sớm ở các xã đặc biệt khó khăn.

Hùng hào hứng chọn ngay xã Pa Ủ, địa bàn khó khăn nhất, chưa có đường ôtô đến trung tâm, tất cả các hộ đều người dân tộc La Hủ. Quãng đường 40 km đầu tiên, Hùng đi nhờ chiếc xe chuồng gà vốn là xe cứu thương cũ của Liên Xô thế kỷ trước.

Hơn 20km sau đó, anh phải cuốc bộ leo ngược dốc qua những đồi cỏ tranh trong cái nắng như thiêu đốt, khát nước đến hoa cả mắt. Được nửa đường, mắt Hùng sáng lên khi nhìn thấy bụi chuối mọc giữa khe cạn. Anh tiếp cận mục tiêu  dùng dao díp mang theo hì hục khoét một hốc nhỏ trên gốc chuối, chờ nước từ thân cây tiết ra để chiết lấy một ngụm nhỏ rồi lại lên đường.

Mãi đến hai giờ chiều, Hùng đến trung tâm xã thì, trời ơi, cái gọi là trung tâm là một bản bên sườn dốc với những căn lều mái tranh chạm đất, tường vách lở lói nhìn thấu bên trong, lối mòn xuyên qua bùn đất và phân gia súc. Tối đó, Hùng ăn ngủ nhờ ở đồn biên phòng, hôm sau lên đường xuống bản Thăm Pa.

Trước khi đi, anh tìm cái gì đó để bỏ vào bụng nhưng không thấy một hàng quán nào. Nhìn mấy đứa trẻ dân tộc đang nướng củ mài trong đống lửa, anh lại gần, ra hiệu xin. Chúng cho anh củ mài to nhất, vậy là đủ sức cõng đồ nghề vượt qua mấy quả núi. 

Chín giờ sáng, đến tổ bầu cử  bản Thăm Pa, vẫn thấy mọi người bình chân như vại. Nhà báo phải hô hào dọn dẹp  lớp học ở bản bằng tre nứa đã sập nửa mái, tổ chức bầu cử trong đó để còn chụp ảnh.

Xong việc, Hùng vội vã về để kịp đưa tin, quãng đường leo dốc mất hơn nửa ngày. Khi về mất bốn tiếng vì hầu như chỉ có chạy.  Trời sắp đổ mưa, đường xuống dốc trơn như đổ mỡ  không thể hãm phanh chân lại. Hơn nữa chỉ dừng lại vài giây là lũ vắt đang bò đen mặt đất xông tới.

Đến con suối đầu tiên, Hùng nhảy ùm xuống, lột vội tất cả những gì dính trên người rồi ra sức vuốt, máu khô cùng vắt cứ rơi ra từng mảng, khiến quần áo dính bết lại. Ra đến nơi có đường ôtô thì nước lũ đang cao, đường tắc, đành năn nỉ một người địa phương chạy xe ôm chở ra trung tâm huyện với giá 300 ngàn đồng/40km.

Vậy mà anh lái xe cứ than thở mãi vì trót nhận lời. Ra đến huyện, chiếc Minsk cũ rích rã ra từng mảnh sau khi phải khênh qua suối và hàng chục cú ngã trên đường trơn như đổ mỡ.

Muốn bồi dưỡng thêm cho anh ta nhưng cám cảnh thay, sờ đến ví chỉ còn hơn 200 nghìn đồng, Hùng vào một cửa hàng tạp hóa, cắm chiếc máy ảnh du lịch, nài nỉ họ cho vay thêm 100 nghìn nữa để trả tiền xe ôm.

Về đến phòng nghỉ ở huyện Mường Tè, Hùng hì hụi viết tin rồi ra bưu điện fax về thì đã bảy giờ tối, cô nhân viên thường trực đã về ăn cơm. Vậy là phải hỏi thăm đến tận nhà hộ tống cô nàng ra giúp nhỡ  trời mưa to, giữa đường người ta đổi ý thì thiu hết cả tin.

Trở về phân xã, Hùng viết phóng sự “Bao giờ hết nghèo Pa Ủ ơi” trong vòng một tiếng, vì nội dung bài viết đã nằm gọn trong đầu khi anh cắm đầu chạy bộ từ Pa Ủ ra huyện.

Hùng cười bảo: “Còn nhiều chuyến đi như thế, mình cũng không nhớ hết. Bây giờ trở thành quen rồi”.

Nhìn Hùng gầy gò, thư sinh, tôi không nghĩ anh lại cắm bản nhiều như thế. Có những lúc xe máy rơi xuống vực, có lúc phải qua đêm giữa rừng hoang, có lúc vào nhà đồng bào, rét quá phải mượn váy của vợ chủ nhà mà đắp.

Nhà báo thích “đi khổ viết sướng”

Tôi lên Lào Cai đúng lúc nhà báo Quốc Hồng,  PV thường trú của báo Nhân Dân, vừa đi công tác ở huyện Bát Xát về, chiếc Wave đầy bùn đất. Quốc Hồng vẫn có thói quen cắm bản bằng xe máy. Xe máy của anh bao giờ cũng bơm đầy xăng, lại đèo thêm một can xăng năm lít màu vàng, chịu đựng được va đập, một bộ áo mưa, một ít đồ hộp.

Khác với một số đồng nghiệp chỉ về huyện lấy báo cáo,  nhờ cán bộ tuyên giáo dẫn đi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa vài cơ sở gần gần để chụp ảnh rồi về, Quốc Hồng có phong cách trước hết phải xuống tận bản, tận xã đi thực tế  lấy thông tin.

Anh quan niệm: “Đi khổ viết sướng, đi sướng viết khổ”. Nhưng cái sự đi khổ của nhà báo vùng cao cũng đa dạng lắm. Khổ vì đường đi khó, hỏng xe dọc đường, xe rơi xuống vực. Khổ vì đến được tận bản rồi, nhưng không gặp được nhân vật mình đang cần vì đến mùa thảo quả họ đi rừng cả tháng. Có khi gặp được thì lại không biết tiếng dân tộc, đành nói chuyện bằng tay, rồi về cũng chẳng viết được bài.

Quốc Hồng nhớ nhất lần về Tùng Chỉn, địa danh khiến dư luận cả nước bàng hoàng sau cơn lũ quét bất thần trong đêm gần như xóa sổ cả bản. Nghe tin, Quốc Hồng lên xe máy về Tùng Chỉn. Được nửa đường xe máy không đi được, anh phải ngồi nhờ xe của bộ đội biên phòng  rồi lội bộ vào bản. Vào tới Tùng Chỉn, đập vào mắt anh một cảnh cả bản làng không còn dấu vết.

Trên bình địa ngổn ngang cây cối, cột nhà, anh thấy một bóng áo hoa đang gục bên gốc cây. Anh lại gần và  thấy một phụ nữ khóc khản cả tiếng. Ấy là chị Tần Mùi Khế, mất mẹ và bốn đứa con thơ trong trận lũ kinh hoàng. Chị Khế cứ ôm mãi cây cột không rời.

Những nhà báo cắm bản ảnh 1
Nhà báo Chu Quốc Hùng (bên phải) lội suối ở bản vùng cao để tác nghiệp

Quốc Hồng gặng hỏi mãi mới biết, tại nơi này, chị tìm thấy chiếc túi đựng quần áo của mẹ. Anh móc hết ví được 200 nghìn bỏ vào túi người phụ nữ bất hạnh kia, dù biết rằng tiền chẳng có ý nghĩa gì với nỗi đau quá lớn ấy.

Ra về,  anh đi nhờ chiếc xe Land Cruise của hội doanh nghiệp trẻ, được một quãng thì xe bị thủng lốp. Không còn cách nào khác, lái xe vào đồn biên phòng mượn một bánh của xe Uoat rồi vật ra lắp vào và cứ thế khập khiễng chạy như người bị thọt chân ra tới thị trấn Bát Xát.

Về đến nhà, anh viết ngay bài ghi nhanh: “Vào rốn lũ Tùng Chỉn” đăng trên báo Nhân Dân. Đó là bài báo in đầu tiên về Tùng Chỉn.

Khi tôi gọi điện lên thì Quốc Hồng đang nằm điều trị vì một tai nạn nghề nghiệp hy hữu. Trong cuộc đua ngựa ở huyện Bắc Hà, anh chen vào chụp ảnh thì bị một chú ngựa đang lao về đích va vào làm gãy mấy xương sườn. Nằm một chỗ mấy tháng trời, vết thương đau mỗi lúc trở  mình, nhưng không được đi và viết, Quốc Hồng còn cảm thấy đau hơn.

Hai lần bán xe máy tại bản

Đi công tác ở vùng cao, có lúc Hà chạnh lòng nghĩ dại: “Nếu mình chẳng may gặp nạn mà chết thì có ai biết không?  Nhà báo cũng làm việc công như bộ đội, công an, sao lại không được hưởng chế độ nếu như “hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ?”. Đó là điều mà trưởng phân xã Cao Bằng của TTX Việt Nam trăn trở nhiều.

Đang công tác ổn định tại TTX Việt Nam ở Hà Nội, nhà báo trẻ Nguyễn Mạnh Hà bỗng xin tình nguyện lên cắm ở Cao Bằng cho thỏa niềm đam mê xê dịch khám phá miền đất biên cương này.

Những chuyến đi công tác vùng cao của anh nghe như tiểu thuyết. Một lần cả xe và người rơi xuống vực, xe tan tành, người chỉ bị vài ba vết xước. Một lần vào bản Mù Mù Sàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, chiếc xe  máy Suzuki mới mua va vào đá bị vỡ hộp số.

Không còn cách nào, anh phải bán lại xe cho dân ở bản với giá rẻ. Lần khác  đang vào bản, chiếc xe Win bị nước vào mà vẫn phải leo những con dốc đứng nên bị bó biên, không thể đi được nữa. Hà lại đành phải bán xe máy cho dân bản…

Có nhiều lúc lỡ đường, anh phải ăn nõn chuỗi, ăn quả me rừng cho đỡ cơn đói, cơn khát. Sau nhiều lần như thế, hành lý của anh bao giờ cũng có đồ hộp, mỳ tôm cho những chuyến đi vào bản.

Đối với Hà, những thứ lương khô ấy còn đem đến cho anh niềm vui được chia sẻ khi mà nhiều trẻ em miền núi đã xem đồ hộp hay mì tôm của nhà báo cho như một thứ quà quá đỗi cao sang mà chúng ít khi được nhìn thấy.

Gặp nhiều em bé có áo không quần, có quần không áo, nhiều người đói ăn đến lả đi, Hà đã thay đổi nhiều về nhân sinh quan - điều mà anh sẽ không thể có nếu vẫn ở Hà Nội.

Dù vậy, vùng cao đã cho Nguyễn Mạnh Hà những trải nghiệm, những bài báo và các bức ảnh không thể nào đánh đổi được. Có lẽ vì thế mà dù vợ con đang ở Hà Nội, một mình “trẩy nước non Cao Bằng”, anh vẫn chưa muốn về Thủ đô.

MỚI - NÓNG