Những nhân viên công sở @ bận rộn

Những nhân viên công sở @ bận rộn
Tụ tập bạn bè, ăn cơm nhà với không ít dân công sở ngày nay đó là những việc làm xa xỉ bởi quỹ thời gian của họ quá eo hẹp. Người ngoài nghĩ rằng họ đang rất bận. Sự thật đằng sau đó là gì?
Những nhân viên công sở @ bận rộn ảnh 1
Nhiều vẻ bận rộn của các nhân viên trẻ chỉ là vỏ bọc giả tạo.Ảnh minh họa

Đi làm mới được mấy tháng, Hằng bỗng nhiên biệt tăm. Bạn bè chẳng thấy cô xuất hiện trong những lần gặp mặt cuối tuần hay sau giờ làm như đợt đầu.

Gọi điện thoại, Hằng cũng chỉ nói được vài câu rồi vội vàng thông báo: “Giờ tớ đang bận lắm. Để khi khác mình nói chuyện sau nhé” rồi dập máy. Nhiều người tự hỏi một người làm hành chính văn phòng, suốt 8h chỉ soạn mấy cái văn bản, hồ sơ như Hằng thì công việc gì mà lắm thế.

Một phiên bản của Hằng là Loan. Làm nhân viên cho một công ty nước ngoài mới thành lập, Loan nhanh chóng biến mình thành con người của công việc vì những kế hoạch thăng tiến và cũng vì cái mác nhân viên của các ông chủ ngoại.

Từ ngày vào công ty, Loan đi làm từ rất sớm và chưa bao giờ về nhà trước 9h. Gia đình có hỏi cô cũng bảo công việc của cô nhiều lắm, phải cố ở lại làm thêm cho kịp. Và tất nhiên, bạn bè, đồng nghiệp không bao giờ được cô dành thời gian cho những lần tụ họp.

Thực tế hiện nay, công việc và những đòi hỏi đã khiến cho các nhân viên công sở phải làm việc với cường độ cao, chịu nhiều áp lực và nhiều người trong số họ luôn mong muốn một ngày phải 48h hoặc thậm chí hơn như thế.

Vậy nhưng, có một số nhân viên lại mắc chứng bệnh… biến mình thành người bận rộn mặc dù họ hoàn toàn kiểm soát được thời gian của mình trong khả năng cũng như công việc dành cho họ không “ngốn” hết hoàn toàn quỹ thời gian họ có.

“Căn bệnh” này thường xuất hiện ở những nhân viên thích được mọi người chú ý, đánh bóng bản thân và khẳng định “thương hiệu” của mình bằng sự bận rộn mà thực chất đó chỉ là vỏ bọc nhằm đánh lừa sếp, các đồng nghiệp, bạn bè và cả chính họ nữa.

Bước vào một văn phòng làm việc, có thể bạn sẽ bắt gặp tất cả các nhân viên cắm cúi trong bàn làm việc của mình nhưng không ai dám chắc tất cả họ đang hết mình vì công việc.

Vẫn tiếng gõ bàn phím lách cách, tiếng click chuột hối hả, ai cũng có vẻ tất bật, bận rộn nhưng thực ra trong số họ, nhiều người không hề làm việc và sự “bận rộn” của họ hiểu theo nghĩa vì một thú vui khác ngoài công việc như chat, chơi game, “buôn” điện thoại… Điều đó cũng có nghĩa là: đừng bao giờ đánh giá hiệu quả làm việc của một văn phòng, một công ty nếu chỉ nhìn vào sự bận rộn của nhân viên nơi đó.

Hằng đã tự gắn cho mình cái mác “bận rộn” đơn giản chỉ vì cô thích được mọi người nhận xét về mình như thế. Với Hằng, bận rộn tỉ lệ thuận với việc cô thành đạt và kiếm được thu nhập nhiều như thế nào.

Trên thực tế dù chỉ là nhân viên bình thường và lương bổng không cao không thấp nhưng Hằng muốn “nâng” hình ảnh mình lên, ít ra là trong mắt bạn bè.

Mỗi ngày đến cơ quan, Hằng chỉ phải làm mấy việc như soạn thảo văn bản, xếp tài liệu, in ấn công văn… mà có khi cô chỉ dành một hai tiếng buổi sáng đã có thể hoàn thành tất cả mọi thứ. Thời gian còn lại, Hằng dính với cửa sổ Yahoo Messenger, với blog, với điện thoại bàn free của công ty. Hóa ra, “bận rộn” chỉ là cái vỏ để Hằng “khoe mẽ”.

Loan cũng chẳng khác gì Hằng. Công ty mới thành lập, mọi việc chưa nhiều đến mức cô phải vật lộn từ sáng đến tối như thế nhưng Hằng muốn chứng tỏ với sếp và các đồng nghiệp cô là một con người đặt công việc lên trên hết.

“Bận rộn” cũng được Loan dung làm cái mác để đánh bóng bản thân mình. Bởi vậy, có khi tan sở, một số đồng nghiệp vô tình thấy Loan ngồi “thiền” trong một quán cà phê nhâm nhi tách cà phê dù trước đó cô từ chối tụ tập cùng họ với lý do phải ở lại công ty hoàn thành hết mọi việc.

Không ít nhân viên công sở đang nhầm tưởng giữa “thương hiệu” và các vỏ hình thức. Sự bận rộn chỉ là phương thức giúp họ thấy mình trở nên quan trọng. Đó đã là căn bệnh của dân công sở hiện đại.

Có lẽ đã đến lúc họ cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc bởi sự bận rộn sẽ chẳng làm nên tên tuổi của họ nếu như hiệu quả công việc và sự thăng tiến chỉ mãi giẫm chân tại chỗ.

Theo Võ Hiền
Vieclam.vtv

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.