Những nữ học viên phi công đầu tiên

Những nữ học viên phi công đầu tiên
TP - Lần đầu tiên, một trong số 7 nữ học viên phi công của Việt Nam đã được sang Úc đào tạo thêm. Nữ học viên phi công Nguyễn Thanh Hảo đã hoàn thành khóa đào tạo phi công trong nước và nếu không có gì thay đổi, 16 tháng nữa, Việt Nam sẽ có nữ phi công đầu tiên.
Những nữ học viên phi công đầu tiên ảnh 1
Bốn trong tổng số 7 nữ phi công đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Đức Nam

Dự kiến, đầu tháng 11 này sẽ diễn ra cuộc tuyển lựa các học viên phi công (trong đó có các nữ học viên phi công) đi nước ngoài đào tạo.

Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi phải mấy lần dụi mắt khi chứng kiến cảnh một cô gái đứng trong lồng sắt đang quay tít mù. Chiếc lồng sắt dừng lại, cô gái đó bước ra và mỉm cười.

Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thanh Thủy, Phạm Thị Lương, Nguyễn Thị Thu Hương, 4 nữ học viên lớp phi công mà chúng tôi gặp tại Trung tâm Huấn luyện bay chỉ độ tuổi ngoài đôi mươi.

Mọi quy định tại Trung tâm Huấn luyện bay không phân biệt nam hay nữ. Tức là cái gì cánh học viên phi công nam làm được thì nữ học viên cũng phải theo. Gì chứ “món” bỏ lồng sắt quay, các kiểu luyện thể lực khác, các môn thể thao của nam giới, 4 nữ học viên này đều đã trải qua hơn 1 năm nay.

Nguyễn Thị Hường, cô gái ít tuổi nhất (21 tuổi) cho biết: “Tiêu chuẩn luyện tiền đình bằng quay vòng sắt là trên 20 vòng. Thường thì bọn em tập quay đến 25 vòng”.

Những nữ học viên phi công đầu tiên ảnh 2
Trong giờ tiếng Anh giữa các bạn nam cùng lớp. Ảnh: Đình Thắng

Chuyện đến với Trung tâm Huấn luyện bay của 4 cô gái này thật khác nhau. Nguyễn Thị Thu Hương, 22 tuổi, quê Hà Nội, có vóc người nhỏ nhắn. Hương đã từng tốt nghiệp một trường thuộc ngành Hàng không.

Nghe có thông tin tuyển nữ phi công, Hương đăng ký thử sức và nghĩ đơn giản “chỉ cần chạy 7 vòng quanh sân vận động thành công là được”. Thế rồi, cuộc sát hạch hôm đó khiến cho nhiều thí sinh nam nôn cả mật xanh, mật vàng nhưng Hương lại...tỉnh bơ.

Cô gái 23 tuổi Phạm Thị Lương vốn là sinh viên năm cuối của trường ĐH Kinh tế TP HCM. Thời điểm Vietnam Airlines (VNA) thông báo tuyển phi công nữ, Lương đang làm khóa luận tốt nghiệp. Lang thang trên Internet tìm thông tin cho bài khóa luận, bất chợt Lương đọc thấy thông báo tuyển nữ phi công. Ước mơ được bay lượn trên bầu trời xanh trong Lương trỗi dậy. Lương quyết định tham gia cuộc thi tuyển nữ phi công.

Ngày nghe tin trúng tuyển, Lương đã không ngần ngại lựa chọn ước mơ bay (cô đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh). Cả nhà Lương ngỡ ngàng trước quyết định của cô tân cử nhân. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi người đều ủng hộ quyết định của cô.

Hiện nay, Việt Nam có gần 500 phi công, trong đó thuê từ nước ngoài 130 phi công (có những thời điểm phải thuê đến 180 phi công của 27 quốc gia khác nhau).

Chi phí đào tạo cơ bản cho một phi công khoảng 100 nghìn USD, chưa kể chi phí đào tạo hàng năm khoảng 20 nghìn USD/người (một năm 4 lần), chi phí học chuyển loại… 9 tháng đầu năm 2006, VNA thực hiện 1.400 giờ bay và 79 chuyến chuyên cơ.

Nguyễn Thị Hường quê Hà Tây, đang theo học một lớp ĐH Tại chức ở Hà Nội, nghe bạn bè mách có cuộc thi tuyển nữ phi công và cô chỉ nghĩ đơn thuần là thử sức khi đăng ký tham gia.

Nguyễn Thanh Thủy, 24 tuổi, quê Hà Nội đến với cuộc thi tuyển nữ phi công với niềm đam mê bầu trời. Bốn cô gái trong số 7 cô mà tôi được gặp đều nhanh nhẹn, mảnh mai và đã vượt qua hàng trăm đối thủ khác để trở thành những học viên nữ phi công đầu tiên của Việt Nam.

Có em tâm sự: Vượt qua hàng trăm thí sinh khác không khó bằng vượt qua những định kiến của người yêu mình.

Hàng ngày, lịch học của các nữ học viên lớp phi công từ 8 giờ đến 11 giờ 30 và 13 giờ 30 đến 16 giờ. Nội dung chủ yếu là luyện tiếng Anh, học các kiến thức về hàng không và tập thể lực.

Các nữ học viên phi công được đào tạo miễn phí và hàng tháng được trợ cấp thêm 600 ngàn đồng (nếu được đi đào tạo tại nước ngoài sẽ có trợ cấp sinh hoạt phí theo điều kiện ở nước đào tạo).

Đa số, họ đều quê ở miền Bắc nên phải thuê nhà để ở gần nơi rèn luyện (Trung tâm Huấn luyện bay ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP HCM).

Ông Lữ Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện bay cho biết: Môi trường học tập khiến các em sẽ phải nỗ lực hết mình. Trung tâm không có chế độ phân biệt giữa học viên nam với nữ.

Để được chọn đi đào tạo tại nước ngoài, học viên lớp phi công phải trải qua một cuộc thi kiểm tra nghiêm khắc tiếng Anh, kiến thức tổng hợp (có kiến thức hàng không) và tố chất nghề nghiệp. Những huấn luyện tại Trung tâm chỉ là cơ bản.

Trong câu chuyện với Tiền phong, những cô gái với ước mơ bay này luôn nhắc tới một nữ phi công được VNA thuê có tên là Veronica Foy (người Anh). Từ những câu chuyện kể của nữ phi công Veronica, ước mơ chinh phục bầu trời của những nữ học viên như càng lớn hơn.

Một ngày nào đó, Việt Nam sẽ không phải tốn tiền thuê phi công nước ngoài. Ước mơ chinh phục bầu trời của các nữ học viên lớp phi công cũng là một sự khẳng định vai trò của người phụ nữ Việt Nam ngày nay. 

MỚI - NÓNG