Những ông chủ chân đất

Những ông chủ chân đất
TP - Liên hoan thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh TT-Huế lần thứ hai có 75 gương mặt xuất sắc. Họ đã chia sẻ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động trẻ tại chỗ...
Những ông chủ chân đất ảnh 1
Nguyễn Anh Tuấn

Tỷ phú thợ mộc

Nguyễn Anh Tuấn sống tại xã vùng cao kinh tế mới Bình Điền (huyện Hương Trà) đến với nghề mộc mỹ nghệ như một sự tình cờ. Quá mê mẩn với những bộ bàn ghế cao cấp, chạm trổ tinh xảo xem được qua phim truyền hình, Tuấn tự mày mò làm một bộ tương tự.

Dù không được hoàn hảo như... trong phim, nhưng sản phẩm đầu tay được nhiều bạn bè, khách khứa để mắt, khen ngợi và dạm mua. Thắng lợi đầu tay đã kích thích Tuấn say mê với nghề.

Vừa chuyên sản xuất, Tuấn còn kinh doanh sản phẩm mộc mỹ nghệ cao cấp lẫn mộc dân dụng, quy mô cơ sở làm ăn của anh ngày càng lớn mạnh, giải quyết được việc làm cho 30 ĐVTN địa phương, tạo thu nhập ổn định từ 1,2 – 2 triệu đồng/người/tháng.

Tuấn còn mạnh dạn nhận thêm 40 ha đất đồi để trồng rừng kinh tế. Từ một anh thợ mộc với những ý nghĩ ngộ nghĩnh, cơ ngơi của “ông chủ” Nguyễn Anh Tuấn hiện đã có giá trị tiền tỷ với 2 cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại  Hương Trà và TP Đà Nẵng.

Doanh thu hàng năm từ sản xuất kinh doanh đồ mộc và trồng rừng đạt trên dưới 2,3 tỷ đồng, lãi ròng trên 100 triệu đồng. Tuấn không chỉ tạo nhiều việc làm cho giới trẻ nông thôn mà còn sẵn sàng giúp vốn vay để 7 thanh niên trong xã tự chủ làm ăn. Nhờ đó, họ đã trồng được từ 2-5 ha rừng/người, tự tạo công ăn việc làm ổn định cho chính mình.

“Vua rừng” tuổi 27

Những ông chủ chân đất ảnh 2
Nguyễn Văn Bình

Gần đây, tại xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) nổi lên một “vua rừng” chỉ mới 27 tuổi. đó là Nguyễn Văn Bình. Dựa vào lợi thế diện tích đất đồi dồi dào, Nguyễn Văn Bình đã mạnh dạn bắt tay xây dựng mô hình kinh tế trang trại, trong đó trọng tâm là trồng rừng kinh tế, với diện tích 27 ha cây keo lai.

Trang trại của Bình còn có hàng chục con bò, dê cộng thêm 1 ha ao hồ nuôi cá trắm cỏ. Hiện nay, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của Nguyễn Văn Bình hàng năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng.

Theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bổn Võ Đại Lống: “Trang trại của Nguyễn Văn Bình tuy không lớn bằng của các “vua rừng” khác trên địa bàn, nhưng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục thanh niên nông thôn, góp thêm hiệu quả vào công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương”.

Tuổi nhỏ làm “ông chủ” lớn

Những ông chủ chân đất ảnh 3
Trần Quốc Việt

Năm 2000, Trần Quốc Việt trú ở Phú Bài (huyện Hương Thuỷ) mới 19 tuổi, dồn góp và huy động được 35 triệu đồng tiền vốn (trong đó có đến 30 triệu vốn vay lãi suất cao). Anh nuôi chí làm giàu, bắt đầu từ việc đầu tư tổ chức một xưởng cơ khí nhỏ chuyên làm dịch vụ hàn, tiện đồ kim loại và sửa chữa ô tô.

Chỉ sau một năm, Việt đã trả xong món nợ vay 30 triệu đồng kèm theo số tiền lãi không nhỏ; đồng thời tích luỹ thêm vốn liếng, kinh nghiệm để mở rộng quy mô sản xuất, trang bị thêm thiết bị, máy móc phục vụ cho ngành nghề.

Trần Quốc Việt hiện là chủ của 2 cơ sở cơ khí chuyên tiện, hàn và sửa chữa các loại máy móc ô tô tại Phú Bài, với tổng vốn cố định hơn 500 triệu đồng; bình quân thu nhập của các cơ sở hàng năm đạt khoảng 200 triệu đồng.

Cùng “đồng cam, cộng khổ” với Việt còn có 8 lao động trẻ người địa phương, đều được trả công thoả đáng, cuộc sống ổn định. Việt thổ lộ mong muốn, qua công việc của mình làm sao thúc đẩy phong trào TNNT lập nghiệp phát triển hơn nữa. Hiện Việt đang tiến hành thủ tục đăng ký phát triển các cơ sở của mình thành một doanh nghiệp tư nhân.

Thanh niên người thiểu số “mê” làm kinh tế

Những ông chủ chân đất ảnh 4
Hồ Thị Hiền

Hiện nay, hộ thanh niên người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ở TT-Huế mua được xe ô tô để làm ăn như vợ chồng Hồ Thị Hiền (xã Hương Hữu, Nam Đông) có lẽ không nhiều.

Sinh ra và lớn lên ở miền núi khó khăn, quyết không để cái khó, cái khổ cứ bám víu mãi, ngay sau khi lập gia đình vợ chồng chị Hiền bàn tính chuyện đổi mới cách làm ăn xưa cũ lâu nay của bà con trong vùng từ “phát, cốt, đốt, trỉa” sang phương thức mới.

Hai vợ chồng bằng bàn tay trắng đã chịu khó làm đủ các nghề, từ thợ nề, xay xát lúa gạo, chăn nuôi lợn, mua bán nông sản, chạy xe ô tô… chẳng hề ngần ngại gian khó.

Tích cóp dần dần, vợ chồng Hiền mạnh dạn sắm cả ô tô tải dùng làm dịch vụ vận chuyển cát sạn, hàng nông sản, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

Mỗi tháng những thanh niên làm công cho gia đình Hiền được trả lương 750.000 đồng/tháng, một mức thu nhập không hề nhỏ đối với vùng dân tộc. Mô hình chăn nuôi và làm dịch vụ của vợ chồng chị đã cho thu nhập từ 70- 80 triệu đồng/năm.  

MỚI - NÓNG