Những ông chủ hợp tác xã 9X

Bùi Đức Tuyển hướng dẫn du khách tham quan trang trại của HTX
Bùi Đức Tuyển hướng dẫn du khách tham quan trang trại của HTX
TP - Một người từ bỏ cơ hội làm việc ở nước ngoài để về quê chăn nuôi, trồng trọt, còn người kia tiên phong thành lập hợp tác xã phát triển du lịch. Hai chàng trai 9X dù xuất phát điểm khác nhau nhưng chung mục tiêu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cử nhân tài chính về quê nuôi lợn

 Bùi Đức Tuyển (SN 1992) từng học chuyên ngành Kế toán, Học viện Tài chính. Không chỉ học giỏi, Tuyển còn là một lớp trưởng năng động, sáng tạo. Vì thế, năm cuối đại học, Tuyển được Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel về tận trường mời đi biệt phái làm việc tại đất nước Zimbabwe trong 3 năm, với mức lương hấp dẫn. Nhưng cậu từ chối, bởi đã có niềm đam mê khác, đó là… làm trang trại chăn nuôi lợn.

Chia sẻ về sở thích của mình, Tuyển kể, từ những năm còn là sinh viên đại học, cậu đã rất thích làm trang trại chăn nuôi. Cậu thường tìm các quyển sách, các chương trình hướng dẫn về chăn nuôi lợn để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, rồi đi thực tế. “Thời sinh viên tôi đã tiết kiệm tiền tự bắt xe khách đi Bắc Giang, Thường Tín (Hà Nội) để tham quan mô hình trang trại chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm”, Tuyển kể.

Trong lúc chờ nhận bằng tốt nghiệp đại học, Tuyển nhờ bố mẹ vay 300 triệu đồng về quê mở trang trại chăn nuôi lợn. Quyết định của Tuyển khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng lại nhận được sự ủng hộ hết mình của bố mẹ. Từ một cậu sinh viên mới ra trường chân ướt, chân ráo bắt tay vào làm trang trại chăn nuôi, thời gian đầu Tuyển gặp không ít khó khăn. Lứa lợn đầu bị tiêu chảy cấp, chết gần trăm con, khiến anh lao đao. Nhưng rồi nhờ học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình khác, Tuyển dần khôi phục và thành công. Sau 1,5 năm, anh trả hết khoản nợ vay và bắt đầu sinh lãi. Tuyển lấy phần tiền lãi mua thêm đất để mở rộng trang trại và trồng thêm cây ăn quả. 

Từ nguồn vốn tích cóp được sau 3 năm làm trang trại chăn nuôi lợn, năm 2016, Tuyển tập hợp 20 bạn trẻ trong xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Xuân Phúc, tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. HTX hoạt động theo mô hình khép kín từ con giống đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ, với tiêu chí mang thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt rau xanh, cây ăn quả, trong đó thế mạnh là chăn nuôi lợn và trồng cây mít thái da xanh. Hiện HTX có 200 lợn nái, 2.000 lợn thịt, 2.500 cây mít thái da xanh. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt gần 9 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho thanh niên với thu nhập khá.

Đặc biệt, hiện HTX Xuân Phúc cung cấp thực phẩm sạch cho 60 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Hạ Hồi và Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ.

Những ông chủ hợp tác xã 9X ảnh 1 Thào A Dinh (ngoài cùng, bên phải) cùng khách du lịch nước ngoài ở nhà sàn homestay của anh
ẢNH: NVCC

Tuyển chia sẻ, làm thực phẩm sạch, đặc biệt là thực phẩm cung cấp cho trường học, điều quan trọng nhất là đặt chữ tâm lên hàng đầu, làm thực chất; làm xổi là “tự bắn vào chân mình”. “Đó cũng là bài học mà tôi học được từ Bác Hồ là làm việc từ tâm, làm việc gì cũng cần đặt chữ tín, sự trung thực lên hàng đầu. Như thế mới đạt được thành công”, Tuyển chia sẻ. 

Chàng trai Mông phát triển du lịch “Sống lưng khủng long”  

 Chàng trai dân tộc Mông Thào A Dinh (SN 1997) hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp, du lịch sinh thái khủng long Háng Đồng. Đây là mô hình HTX đầu tiên thúc đẩy phát triển du lịch cho người Mông ở Háng Đồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) của người Mông.

Thào A Dinh cho biết, nơi anh sống đồng bào dân tộc Mông chiếm tỷ lệ 100%. Cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Những năm gần đây, “Sống lưng khủng long”, một dãy núi trải dài ẩn hiện trong làn sương mây bao phủ của xã Háng Đồng, trở thành điểm du lịch đầy thú vị thu hút hàng nghìn bạn trẻ mê “săn mây” khắp nơi tìm đến. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự về, Dinh bàn với anh trai thành lập HTX khai thác phát triển dịch vụ du lịch khám phá “Sống lưng khủng long” Háng Đồng. 

Dinh vay mượn bạn bè, vay ngân hàng 300 triệu đồng thành lập HTX Nông nghiệp, du lịch sinh thái khủng long Háng Đồng với 8 thành viên, xây dựng nhà trọ homestay ngay dưới chân “Sống lưng khủng long” phục vụ khách nghỉ ngơi, tham quan. Đây là mô hình homestay chưa từng có ở Háng Đồng. Dinh nghĩ ra các ý tưởng, tự tay dựng lên homestay của chính mình. Cậu còn lập fanpage quảng bá rộng rãi dịch vụ, giới thiệu món ăn đặc trưng của người Mông như gà đồi, rau cải mèo. Nhờ đó, khách du lịch ngày càng biết đến nhiều hơn. 

Dinh cùng các thành viên trong HTX còn thực hiện các tua dẫn khách tham quan các điểm có cảnh đẹp ở địa phương như: “Sống lưng khủng long”, đỉnh núi u bò, Tam Giác Quỷ, thác nước... 
HTX của Dinh còn có nhà xưởng thu mua nông sản cho bà con bản địa. Trong năm qua HTX đã thu mua hơn 35 tấn măng trúc thô với giá 27.000đ/kg, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 10 lao động theo mùa vụ.

“Khó khăn đầu tiên với tôi là cú sốc về giao tiếp. Thực sự khả năng nói tiếng Kinh của tôi chưa được sõi nên nhiều lúc khách không hiểu được mình. May mắn, khách hàng luôn cảm thông và chia sẻ với tôi”, Thào A Dinh chia sẻ.

Trở thành đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VI, năm 2020, diễn ra tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thào A Dinh cho biết, đây là chuyến đi xa đầu đời của anh. Từ trước đến giờ, anh chưa từng đi ra khỏi tỉnh Sơn La. Vì thế, anh hy vọng chuyến đi sẽ mang lại nhiều trải nghiệm, gặp gỡ nhiều bạn trẻ tiêu biểu khác để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thêm động lực làm giàu, cống hiến nhiều hơn cho quê hương. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.