Những sáng tạo phục vụ cộng đồng

Hà Ngọc Anh trong lần tư vấn du học cho các bạn sinh viên.
Hà Ngọc Anh trong lần tư vấn du học cho các bạn sinh viên.
TP - Năng động, sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn trăn trở hướng đến cộng đồng, làm đẹp cuộc sống… là những điểm chung của 34 công trình, sản phẩm được T.Ư Đoàn vinh danh tại Festival “Sáng tạo trẻ” năm 2016.

Người bạn đồng hành của du học sinh

Tám năm học tập và làm việc tại Úc, đùng cái, chàng trai 9X Hà Ngọc Anh (SN 1991) bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước ở “xứ sở chuột túi”, xách ba lô về nước làm lại từ đầu với dự án khởi nghiệp: “Hỗ trợ du học sinh Việt Nam ở nước ngoài” (Student Life Care). Dự án nhằm hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam ở nước ngoài trong cả quá trình du học, từ hỗ trợ nhà ở, đưa đón sân bay, tour hướng dẫn tham quan cũng như làm thẻ sinh viên toàn cầu. Dự án hỗ trợ du học sinh ở các nước: Anh, Úc, Mỹ, Canada, Đức, Singapore và New Zealand.

“Những năm tháng ở Úc, tôi nhận thấy các bạn sinh viên gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn ở xứ người, từ học tập, hòa nhập đến trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, nhiều du học sinh không biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi trong thời gian du học để trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho công việc sau này. Vì thế, với dự án Student Life Care, tôi mong muốn sẽ giúp các bạn du học sinh làm chủ cuộc sống ở xứ người, năng động, hòa nhập, tận dụng tối đa thời gian học tập, trải nghiệm một cách hiệu quả nhất. Điều này, các trung tâm tư vấn du học chưa làm được”, Ngọc Anh chia sẻ về mục đích của dự án Student
Life Care.

“Với dịch vụ thẻ sinh viên toàn cầu, chúng tôi kết nối với hàng trăm nhà hàng, quán cà phê, các dịch vụ việc làm… Sử dụng tấm thẻ này, các du học sinh sẽ được ưu đãi về giá cả, nhất là tìm kiếm các cơ hội việc làm để có thêm thu nhập cũng như trải nghiệm, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm”. 

Hà Ngọc Anh, Giám đốc điều hành Student Life Care

Ngọc Anh cho biết, để sử dụng dịch vụ của dự án, mỗi du học sinh mất phí từ 2-9 triệu đồng.

“Tùy gói sử dụng mà mỗi du học sinh sẽ phải trả mức phí khác nhau nhưng không vượt quá 10 triệu đồng cho cả quá trình du học. Đặc biệt, với dịch vụ thẻ sinh viên toàn cầu, chúng tôi kết nối với hàng trăm nhà hàng, quán cà phê, các dịch vụ việc làm… Sử dụng tấm thẻ này, các du học sinh sẽ được ưu đãi về giá cả, nhất là tìm kiếm các cơ hội việc làm để có thêm thu nhập cũng như trải nghiệm, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm”, Ngọc Anh giới thiệu về tính ưu việt của dự án.

Thành lập từ tháng 4/2014, trải qua 2 năm xây dựng và phát triển, đến nay, dự án Student Life Care đã kết nối với hơn 100 trung tâm tư vấn du học uy tín ở Việt Nam và xây dựng hệ thống cộng tác viên là du học sinh Việt Nam ở nước ngoài (được gọi là những Student Hero) gồm hơn 1.000 thành viên, hỗ trợ được hàng ngàn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài bước qua những khó khăn ở xứ người.

Ngọc Anh cho biết, Student Hero ở nước ngoài sẽ thực hiện công việc hỗ trợ du học sinh, từ tìm kiếm nhà trọ, đưa đón sân bay, dẫn tour tham quan. “Điều này vừa giúp các Student Hero có thêm thu nhập cũng như trải nghiệm cuộc sống; đồng thời giúp các Student Hero và tân du học sinh có sự giao lưu, kết nối với nhau thân thiện, dễ dàng hơn”, Ngọc Anh cho biết.

Mục tiêu của Ngọc Anh, trong năm 2017-2018, sẽ mở rộng phát triển tư vấn du học ở khu vực TPHCM, đưa Student Life Care trở thành người bạn thân thiết đồng hành với du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Những sáng tạo phục vụ cộng đồng ảnh 1

Lê Anh Tiến cùng chiếc kính thông minh MultiGlass.

Thiết bị thông minh cho người khuyết tật

Với việc sáng chế ra chiếc kính thông minh MultiGlass, nhà sáng chế 9X Lê Anh Tiến (SN 1990) và các cộng sự, đã mở ra chân trời mới giúp người khuyết tật về tiếp cận công nghệ thông tin, giao tiếp, làm việc và học tập một cách dễ dàng hơn bao giờ hết.

MultiGlass là chiếc kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật điều khiển con trỏ chuột máy vi tính. Kính sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF và sử dụng năng lượng từ pin nhỏ được gắn ở gọng kính. Chỉ cần kết nối với máy tính bằng một thiết bị nhận thông qua chuẩn USB, máy tính sẽ tự động nhận thiết bị, người dùng sử dụng  thông qua cử chỉ và không phải phụ thuộc vào bất cứ phần mềm nào.

“Chúng ta có thể di chuyển con trỏ chuột máy tính bằng việc nghiêng đầu theo các hướng. Nhấp chuột bằng cách nhìn vào vị trí cần nhấp (nhấp chuột trái: thời gian nhìn < 0.3s; nhấp chuột phải: thời gian nhìn > 0.3s). Hơn nữa người dùng có thể sử dụng bàn phím thông qua việc nhấp chuột vào bàn phím ảo”, Lê Anh Tiến chia sẻ về những tính năng của chiếc kính thông minh dành cho người khuyết tật.

Tiến cho biết, ý tưởng chế tạo kính MultiGlass nảy sinh từ một lần Tiến ghé thăm Trung tâm Khuyết tật TP Huế. Chứng kiến người khuyết tật sử dụng máy tính rất khó khăn, Tiến trăn trở làm sao chế tạo một thiết bị thông minh để giúp người khuyết tật làm việc với máy tính dễ dàng hơn, giúp họ tiếp cận mạng internet, cập nhật thông tin cũng như tìm kiếm việc làm. Để chế tạo thành công chiếc kính MultiGlass, Tiến gặp rất nhiều khó khăn cũng như thất bại. Nhưng với sự kiên trì và đặc biệt là trăn trở giúp đỡ người khuyết tật, Tiến đã chế tạo thành công chiếc kính thông minh MultiGlass.

Hiện, Tiến đã sản xuất thành công 25 sản phẩm kính thông minh hỗ trợ cho Trung tâm khuyết tật TP Đà Nẵng dưới sự hỗ trợ từ Quỹ sáng kiến Be Change Agents 2014, được điều phối bởi Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn). MultiGlass giành giải Nhất ý tưởng triển lãm sản phẩm công nghệ ĐH Bách khoa Đà Nẵng 2015. 

MỚI - NÓNG