Những sinh viên của… nông dân

Nhóm BKI đạt giải ba với máy cấy 3 trong 1. Ảnh: Nghiêm Huê.
Nhóm BKI đạt giải ba với máy cấy 3 trong 1. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Đang là sinh viên năm thứ ba, thứ tư của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với sự sáng tạo, ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học, họ đã cho ra đời những công trình có tính ứng dụng cao trong nông nghiệp.

Ý tưởng xuất phát từ 2 người bạn bị liệt

Phan Như Ngọc là trưởng nhóm EC. Trong nhóm EC còn 2 bạn nữ nữa là Vũ Thị Nhi, Nguyễn Thị Minh Thương, lớp Hóa K60 và thành viên nam duy nhất là Vũ Văn Huy. Công trình nghiên cứu của nhóm EC nghiên cứu chia tách các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên ứng dụng làm thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Công trình vừa đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo trẻ ĐH Bách khoa lần thứ nhất.

“Ý tưởng đề tài của em xuất phát từ sự ám ảnh về hai người bạn cùng xóm. Hai bạn của em bị liệt, một bạn bị liệt khi 5 tuổi do theo mẹ đi phun thuốc diệt cỏ. Một bạn bị liệt khi học lớp 7. Bạn ấy đi cắt cỏ và không biết cánh đồng đó vừa phun thuốc diệt cỏ nên về bạn ấy bị nhiễm trùng máu và bị bệnh”, Ngọc cho biết. Đến năm lớp 11, khi học bài về hooc môn của côn trùng, Ngọc chợt nghĩ liệu có thể tìm được một loại cây nào đó có thể ức chế hooc môn sinh trưởng của sâu để không biến thành bướm gây hại cho mùa màng. Nhưng lúc đó chưa có điều kiện làm nên Ngọc ghi đề tài vào cuốn sổ và để đó.

Vào ĐH, Ngọc chọn ngành Hóa của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong khi học môn hợp chất thiên nhiên, Ngọc chợt nghĩ đến đề tài đã ngủ quên từ năm lớp 11. Được sự ủng hộ của cô giáo dạy bộ môn, Ngọc bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu. Đang học năm thứ ba, kiến thức chưa đủ nên mình Ngọc không thể giải quyết được. Vì vậy, Ngọc rủ thêm các bạn hợp lực. Từ tháng 5/2017, nhóm EC của Ngọc gửi đề tài dự thi, cuối tháng 8 có kết quả vòng hai. Sau khi biết được vào vòng 3, cả nhóm bắt tay vào triển khai thực tế. Mục tiêu của đề tài là chiết xuất thành công cặn tổng chứa chất rotenone trong cây củ đậu ứng dụng làm thuốc trừ sâu sinh học và tiến hành quy trình thử nghiệm hoạt tính sinh học của rotenone. “Sở dĩ nhóm em chọn cây củ đậu vì đã có nghiên cứu cho thấy hạt của cây này có chứa chất rotenone. Ngoài cây củ đậu thì cũng có cây dây mật và một số cây khác. Nhưng các cây kia đều sinh trưởng ở phía Nam. Còn ngoài Bắc chỉ có cây củ đậu”, Ngọc cho biết.

Để lấy hạt củ đậu, nhóm phải mượn xe máy để đi lên Bắc Giang. Sau khi tách chiết xong, Vũ Thị Nhi cho biết thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sâu không chết, cả nhóm đều sốc. “Nhóm lại đi tìm một chuyên gia về định lượng định tính thì biết được tỷ lệ quá thấp. Do đó, nhóm phải xác định lại”, Nhi nói.

Khi nhóm thử nghiệm nồng độ cao 15%, sâu chết ngay đạt 85%. Còn khi pha loãng dưới 1% thì chỉ có tác dụng xua đuổi, không gây chết. Chi phí tính ra một sào rau Bắc bộ là 55.000 đồng. Với kết quả trên, nhóm dự định sẽ đăng ký sở hữu trí tuệ và bán ý tưởng cho doanh nghiệp. Đồng thời nhóm sẽ cho thêm một số chất hiệp lực để tăng tác dụng của thuốc.

“Tại Việt Nam, trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nông sản sạch và mối lo ngại về việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ thì thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên giá thành của chúng lại khá cao khiến người nông dân e ngại. Với kết quả nghiên cứu của nhóm EC có thể giúp những người nông dân tiết kiệm được 20- 30% chi phí”, Ngọc cho hay.

Máy cấy cho đồng bào dân tộc

Nhóm BKI (gồm: Lê Công Huy, Nguyễn Phi Học, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiến, Chử Anh Tuấn) lại đưa ra ý tưởng máy cấy phục vụ đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Lê Công Huy, trưởng nhóm BKI cho biết, các thành viên trong nhóm đều xuất thân từ con cháu nông dân. Nhà bạn nào cũng có ruộng nên nhóm nảy ra ý tưởng tạo ra một loại máy cấy phục vụ bà con. “Trước khi thực hiện, nhóm cũng đã tham khảo máy cấy của Nhật, máy cấy do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Máy cấy của Nhật có nhiều tính năng tiện lợi nhưng lại cồng kềnh, giá thành cao so với thu nhập của người nông dân. Máy cấy sản xuất trong nước giá thành vừa phải nhưng vẫn phụ thuộc vào sức người. Từ những hạn chế của các loại máy này, nhóm em đưa ra mô hình máy cấy sử dụng động cơ honda GX100 với công suất 2,1 kW chạy bằng nguyên liệu xăng tương tự các máy cắt cỏ hay máy bơm trên thị trường với khối lượng nhỏ gọn. Đồng thời có thể tháo rời thành các mô đun rất tiện lợi khi vận chuyển trên địa hình đồi núi và có thể sử dụng được đối với đặc thù ruộng bậc thang”, Huy cho hay.

Những sinh viên của… nông dân ảnh 1 Máy cấy 3 trong 1 (vừa cấy, vừa bón phân, vừa bơm nước) của sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Nghiêm Huê.

Không những cấy mà máy còn kết hợp được tính năng bón phân. Với trọng lượng khoảng 50-60kg, ngoài nhiệm vụ cấy, bón phân, máy có thể được sử dụng như một chiếc máy bơm khi hết vụ cấy.

Nhóm BKI của Huy đặt mục tiêu máy có thể đạt năng suất bằng 10 -12 người cấy bình thường. Với 2 lít xăng, máy có thể cấy được từ 5-7 sào Bắc bộ. Cả nhóm làm việc với sự hướng dẫn và thẩm định lại của TS Nguyễn Ngọc Kiên thuộc bộ môn Công nghệ chế tạo máy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ đó chỉnh sửa lại thiết kế, tối ưu toàn bộ kết cấu, kích thước, công nghệ chế tạo,…

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm BKI của Huy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ học, thi chiếm gần như hết quỹ thời gian ban ngày. Do đó, nhóm thường phải tranh thủ làm buổi tối. Do mới là năm thứ ba nên kỹ thuật cắt, hàn của nhóm gần như chưa được thuần thục. “Khi nhìn máy có thể thấy những mối hàn còn rất gồ ghề, chưa nuột. Nhưng điều đó cũng khẳng định công trình là của chính nhóm chứ không nhờ ai khác”, Huy nói và cho biết sau khi giành giải Ba, nhóm sẽ đưa máy đi thử nghiệm vào vụ Đông Xuân tới.

Đánh giá về công trình nghiên cứu sáng tạo của sinh viên, GS Đinh Văn Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sinh viên của trường không chỉ có nhiệm vụ học tập mà còn nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Các công trình của sinh viên ngoài mang tính học thuật còn có tính ứng dụng rất cao.

“Tại Việt Nam, trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nông sản sạch và mối lo ngại về việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ thì thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu nhất”.

Phan Như Ngọc, trưởng nhóm EC

MỚI - NÓNG