Những sinh viên “đầu to, chân tay nhỏ”

Những sinh viên “đầu to, chân tay nhỏ”
TP - 8X là độ tuổi sung sức và năng động nhất, thế nhưng trên thực tế hiện nay, không ít sinh viên thường lâm vào tình trạng ốm đau. Sức khỏe của sinh viên đang có vấn đề khi bị tác động của nhiều nhân tố.
Những sinh viên “đầu to, chân tay nhỏ” ảnh 1
Sinh viên cần phải có cả trí tuệ và sức khỏe  Ảnh: Hồng Vĩnh

Hiện tượng sinh viên bị choáng, ngất trong giờ học, giờ thi do đuối sức không còn là chuyện hiếm trên các giảng đường.

Hiện nay một bộ phận sinh viên đang trở nên chậm chạp, yếu ớt và sức đề kháng của cơ thể giảm đi trông thấy. Cơ thể của nhiều sinh viên rơi vào tình trạng lão hóa.

Khoa (ĐHGTVT) bị bạn bè gọi là “ông cụ non” không phải vì anh già dặn trong ý nghĩ mà vì mắc đủ thứ bệnh của người già. Trở trời một tí là Khoa bị nhức đầu, sổ mũi, đau nhức các khớp xương... Các bạn cùng lớp coi Khoa như cái máy dự báo thời tiết.

Khổ nhất là những đợt thi, bài vở chất đống mà Khoa chẳng ôn được bao nhiêu. Những ngày thời tiết hơi trở lạnh một tí, đã thấy Khoa quấn lên người tầng tầng, lớp lớp áo ấm để đề phòng cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang. Tương lai sẽ là kỹ sư cầu đường, một nghề  rất vất vả nên Khoa đang băn khoăn về tình trạng sức khỏe hiện nay.

Tim mạch cũng là căn bệnh không hiếm trong sinh viên. Bình (ĐHKHXH&NV) mắc bệnh này cách đây 3 tháng. Từ đó đến nay, kết quả học tập của Bình giảm sút hẳn. Chỉ hơi căng thẳng là tim đập nhanh, khó thở.

Thêm vào đó, Bình còn mắc chứng bệnh mất ngủ. Có hôm, đúng buổi thi, Bình bị ngất ngay khi vừa bước xuống xe buýt. Thế là đành phải thi lại. Trong ba lô của Bình lúc nào cũng có sẵn thuốc. Bình tâm sự “ Suốt ngày phải lo cho sức khỏe, mình không còn nhiều tâm sức dành cho việc học”.

“Đầu to chân tay nhỏ”

Sức khỏe của sinh viên bị giảm sút, thực trạng đáng báo động này bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt và học tập của chính họ.

Bộ môn giáo dục thể chất đưa vào chương trình học của tất cả các trường đại học nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Việc giảng dạy và học tập giáo dục thể chất hầu như chỉ mang tính hình thức. Cơ hội để sinh viên tiếp cận và luyện tập các bộ môn thể thao không nhiều.

Chứng kiến một giờ học thể dục nhịp điệu của sinh viên trường ĐHCĐ mới thấy hết sự thờ ơ của sinh viên với bộ môn này. Sinh viên chỉ đến điểm danh cho có mặt, rồi học qua loa, lớt phớt, uể oải và sau đó là chờ đến giờ để về.

Thiếu sân chơi cũng là thực tế đáng buồn hiện nay ở nhiều trường đại học. Thông thường, các ký túc xá vẫn là địa điểm luyện tập chính. Tại đây có các sân phục vụ cho những môn thể thao như: bóng chuyền, bóng rổ... (ĐHKTQD, ĐHQG).

Tuy nhiên, những sân chơi như thế này vẫn là quá nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên ở ký túc, chứ chưa nói đến một lượng lớn sinh viên thuê trọ ở ngoài.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh, vấn đề còn từ phía sinh viên. Họ có thể tự chọn cho mình những hoạt động thể thao thích hợp như đi bộ hoặc chạy. Nhưng sinh viên còn mắc một bệnh nan y nữa là “lười vận động”.

Hết thời gian học chính khóa, sinh viên trở về với không gian chật hẹp của mình ở ký túc hay các phòng trọ. Những sinh viên chăm chỉ thì dành thời gian để học, đọc sách ở thư viện. Số còn lại thì ngủ nghỉ, hoặc dành hàng giờ online.

Sinh viên bây giờ ngại vận động. Phương tiện di chuyển đến trường cũng giải phóng tay chân khi đã phổ biến các phương tiện xe máy, xe buýt. Hệ quả là chân dung giới trẻ hiện nay ngày càng gần với câu “đầu to chân tay  nhỏ”.

Sức đề kháng yếu nên những căn bệnh về thần kinh, tim mạch hoặc khớp xương nhanh chóng trở thành bạn đồng hành của sinh viên. Đến lúc đó thì cái “đầu to”, tư duy tốt cũng khó phát huy được hiệu quả trong học tập và công việc nếu cơ thể không khỏe mạnh.

MỚI - NÓNG