Những sinh viên “hái” ra tiền

Những sinh viên “hái” ra tiền
Có những bạn trẻ có thể bỏ túi cả 100 đô la chỉ sau... một ngày làm việc. Đây là chuyện lạ có thật của nhóm sinh viên (SV) chuyên "hành nghề" thông dịch viên bán thời gian đến từ nhiều trường ĐH khác nhau.
Những sinh viên “hái” ra tiền ảnh 1
Bạn Phạm Thị Thu Hằng (trái) trong buổi Triển lãm du học Canada tại khách sạn Equatorial

Được làm việc trong một môi trường quốc tế, gặp gỡ nhiều quan khách, trau dồi khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức xã hội... đó là những gì rất "bổ dưỡng" mà các thông dịch viên "nghiệp dư" nhận được thông qua những hội thảo, các buổi triển lãm, tọa đàm.

"Nếu không làm thông dịch viên thì việc bước chân vào khách sạn 5 sao nổi tiếng như New World chắc mãi chỉ là giấc mơ dài", Phạm Thị Thu Hằng - SV khoa Kinh tế xây dựng Trường ĐH Giao thông vận tải (TP.HCM) thích thú khoe.

"Dụng võ" nơi khách sạn, tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài không chỉ là cơ hội thực hành của các SV ngoại ngữ, với Nguyễn Cao Phương Huy - một kiến trúc sư tương lai ngành Mỹ thuật công nghiệp đó còn là không gian để mở rộng tầm mắt từ chính những nơi mà cô có dịp bước chân qua.

"Những tưởng công việc sẽ gây nhiều áp lực, nhưng mọi thứ lại đơn giản đến không ngờ!Chỉ cần nắm chắc thông tin của trường được phân công vài ngày trước buổi hội thảo và làm "thông suốt" một chiếc cầu nối giữa nhà trường và các phụ huynh học sinh, như vậy là OK", đó là câu nói nhẹ tênh của Trần Phương Tâm  - SV khoa Anh của Trường ĐH KHXH & NV (TP.HCM) vốn có thâm niên nhiều năm trong nghề từ các hội thảo giáo dục Canada, Hoa Kỳ do Trung tâm SEAMEO tổ chức.

Những sinh viên “hái” ra tiền ảnh 2
Trần Phương Tâm

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng khi được quan sát các cô gái trẻ duyên dáng, linh hoạt và đầy tự tin trong chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là thể hiện đẳng cấp tài hùng biện qua khả năng giao tiếp mới thấy rằng không phải ai cũng có thể đảm đương được "sứ mệnh" này.

Khác hơn một chút, việc được du hành qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng, tiếp xúc với những ngôi sao điện ảnh... mới chính là sức hút mạnh mẽ các thông dịch viên với những công ty chuyên tổ chức những dự án có đối tác nước ngoài.

Trong khi mọi người phải chen lấn đến nghẹt thở và móc hầu bao cả tiền triệu chỉ để được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi sao Hàn Quốc Bi-Rain, thì Trương Thị Thanh Liêm  - SV khoa Đông phương học (ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM) lại nghiễm nhiên giao lưu với thần tượng ngay trong giờ làm việc. Đó là những cơ hội ngàn vàng, "nhưng cũng tùy theo mùa vụ thôi, khi nào cần thì có người gọi chứ không ổn định và thường xuyên như các công việc khác", Liêm cho biết.

Thu nhập tính bằng... đô

Những sinh viên “hái” ra tiền ảnh 3
Trương Thị Thanh Liêm

Một gia sư chăm chỉ tuần 3 buổi dạy kèm sẽ kiếm được khoảng 300 ngàn đồng cho một tháng trời miệt mài. Vẫn là may mắn hơn nếu so với các cô cậu chạy bàn, rửa chén, phải còng lưng suốt sáng cũng chỉ đổi lấy bữa cơm trưa.

Nhưng với nghề "sang trọng" này, các thông dịch viên có thể là chủ sở hữu của 100 đô la mỗi ngày, chả vậy mà có người mới ví vui rằng "thông dịch là nghề của thu nhập chỉ tính bằng đô".

Chuyện nghe cứ tưởng như đùa, nhất là trường hợp của SV, nên khi nghe nói chính tôi cũng không dám tin vào tai mình, đến độ phải xác minh thông tin đến lần thứ... 3. T

heo lời kể của nhiều SV, nếu thông dịch cho các hội thảo giáo dục do phải "rót" qua nhiều "chuyền" nên mỗi ngày thù lao nhận được chỉ từ 20 - 25 đô, cũng hội thảo nhưng về lĩnh vực kinh tế do các công ty thương mại tổ chức thì mức lương có phần "nhỉnh" hơn, dao động từ 40 - 50 đô mỗi ngày tùy theo năng lực.

Nhưng "gây sốc" nhất với "dân" làm thêm phải kể đến những thông dịch viên tiếng Hàn. Với đủ các "đơn vị đặt hàng" như tour du lịch, các nha - bác sĩ, thuyết trình viên trong các tiệc cưới có cô dâu Việt - chú rể Hàn.

Với mức "doanh thu" từ việc thông dịch và "gõ đầu trẻ", ngay từ năm đầu ĐH, Huy đã tự lo được cả một "khối" việc khổng lồ từ tiền cơm trưa, tiền xe buýt, học phí các loại, đặc biệt là giải quyết được chi phí đắt đỏ về họa phẩm - nỗi lo lớn của nhiều sinh viên kiến trúc. Nhờ có sự chung tay của cô con gái đầu nên sạp hàng nhỏ bên chợ của mẹ cô vẫn có thể đủ trang trải cho cuộc sống một gia đình thiếu bóng dáng người cha.

Không "thua chị kém em" là mấy, từ cuối năm thứ hai khi đã bắt đầu "bén" với các mối làm thêm, Nga (ĐH KHXH & NV TP.HCM) mạnh dạn "từ chối" khoản viện trợ hằng tháng của gia đình, khoản tiền mà cô biết rõ là gói trọn một tháng trời vất vả "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" từ nghề nông của cha mẹ.

Nhiều SV thế hệ 8X đã sống như vậy. Ngay khi còn trên ghế giảng đường, họ đã biết khám phá và sử dụng giá trị của bản thân để "làm giàu" không chỉ tiền bạc mà cả tri thức cho mình.

Về vấn đề đào tạo các thông dịch viên, bà Nguyễn Phạm Thu Thủy - Giám đốc điều hành của Công ty Á - Âu (số 52 Trần Huy Liệu, P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết:

"Thông dịch viên là một công việc khá đòi hỏi, không phải cứ có khả năng ngoại ngữ là có thể làm được. Ở một thông dịch viên cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố: sự lưu loát về ngoại ngữ thông dịch, đặc biệt là kỹ năng nghe - nói, có khả năng giao tiếp tốt và nhạy bén trong xử lý tình huống, có kiến thức không chỉ về lĩnh vực chuyên môn mà còn hiểu biết xã hội và điều không thể thiếu nữa chính là sự tự tin trước công chúng.

Vì vậy, trong những lớp đào tạo thông dịch viên tại trung tâm, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khâu thực hành với thời lượng đảm bảo trên 70% số giờ. Và nếu mong muốn trở thành những thông dịch viên xuất sắc thì ngay từ bây giờ các bạn sinh viên rất cần tạo cho mình một môi trường thực tập, và làm thêm thực sự là một trong những cơ hội rất tốt".

Hà Ánh
Theo Thanh Niên 

MỚI - NÓNG