Những sinh viên lỗi hẹn Tết quê nhà

Những sinh viên lỗi hẹn Tết quê nhà
TPO - Tết này có rất nhiều SV không về quê đón tết, ở lại TPHCM làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, một số thì tham gia phong trào “Xuân tình nguyện” hay chỉ đơn giản là trải nghiệm cuộc sống xa nhà.

Mới chạng rạng 5h sáng, cổng kí túc xá ĐHQG TPHCM tấp nập người, vai mang ba lô, tay mang túi xách đứng thành từng nhóm. Họ là những sinh viên xa nhà vào TP HCM  học tập, giờ là lúc nghỉ tết, là dịp được về nhà xum vầy, quây quần cùng gia đình đón Tết.

Ở một góc bên trái cổng kí túc xá, P.H.N sinh viên khoa báo chí và truyền thông trường ĐH KHXH&NV TPHCM đang tiễn những người bạn cùng lớp của mình về quê.

Những sinh viên lỗi hẹn Tết quê nhà ảnh 1
Người ở, người về. Ảnh: Thái Việt

Mỗi người một lý do

Xuân Huy là sinh viên nội trú trong KTX ĐHQGTPHCM, là sinh viên năm nhất quê cũng ở gần TPHCM (quê Huy ở Lâm Đồng) nhưng tết này Huy không về vì “đây là mùa xuân đầu tiên trong cuộc đời sinh viên của mình, mình muốn được tham gia phong trào “Xuân tình nguyện”, mình muốn mang một chút công sức bé nhỏ của mình để góp phần làm cho nhiều người khác có hoàn cảnh khó khăn, éo le được vui vẻ, hạnh phúc trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc”, Huy tâm sự.

Phan Thuỳ Linh là sinh viên năm nhất khoa quản trị kinh doanh trường đại học Hồng Bàng, quê ở Thanh Hoá. Năm nay Linh cũng không về nhà mà quyết định ở lại để cùng nhóm bạn của mình đi du lịch bụi, Linh và nhóm bạn của mình dự kiến sẽ đi xuống Miền Tây và lên Đà Lạt để du lịch trong dịp tết.

“Thi xong môn cuối cùng là bọn mình sẽ lên đường ngay, mọi thứ đã chuẩn bị từ trước rồi, đi để thấy đất nước mình tươi đẹp, để thấy con người Việt Nam thân thiện, hoà đồng, để biết được nhiều hơn phong tục, tập quán ở những vùng miền khác nhau...” - Linh cho hay.

Huy và Linh không phải không muốn về nhưng họ đã quyết định ở lại vì niềm đam mê, nhiệt huyết và sự ham muốn khám phá của mình còn Thạch một sinh viên ĐH Công Nghiệp TP HCM hiện đang là nhân viên cho một công ty dịch vụ điện thoại tại TPHCM tâm sự "tết này chắc không về nhà được công ty cho nghỉ tết từ tối ngày 30 nhưng đến sang mùng 1 là phải đi làm lại rồi nên có lẽ tết này không về nhà được" dù nhà Thạch ở Biên Hòa cách TPHCM có vài chục cây số.

Trần Long  ĐH Công Nghiệp TP HCM thì lại khác là nhân viên văn phòng cho một công ty quảng cáo nhưng lương chưa được quá 1,5 triệu  mà trong thời buổi vật giá leo thang thì mức lương ít ỏi đó không thể đủ trang trải cho cuộc sống của mình, Long đã vay mượn của bạn bè, người thân để bù lại những khoản thiếu và xem dịp tết này như là một dịp để kiếm thêm tiền để có thể trả lại những món nợ của mình.

Đức Hiệp SV Khoa Đông Phương ĐH Đà Lạt thì lại có lý do khác, là sinh viên xa nhà, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên dịp tết này Hiệp đã quyết định ở lại để đi làm thêm, Hiệp đã tìm được công việc cho mình, đó là phục vụ nhà hàng trong mấy ngày tết, lương tính theo ngày, mỗi ngày là 100 ngàn.

Đây cũng là giải pháp được nhiều sinh viên lựa chọn trong dịp tết khi không có điều kiện về nhà, làm thêm dịp này lương cũng cao nên có thể cải thiện đáng kể tiền sinh hoạt cho thời gian tới.

Sang xuân con sẽ về

Ngày xuân ít ai mà không muốn đoàn tụ với gia đình khi nghe Thạch nói cũng buồn lắm nhưng tính chất công việc là vậy, “với lại bây giờ xin được một việc làm là may mắn lắm rồi, chứ ngoài đường nhiều người thất nghiệp lắm nên cũng cố gắng mà làm chứ biết sao gìơ”, Thạch tâm sự.

Đối với Huy đi “Xuân tình nguyện” để trải lòng mình hay chỉ đơn giản sống để cảm nhận yêu thương và chia sẻ.

Mỗi người có mỗi lí do, một mục đích khác nhau để ở lại nhưng tất cả đều ngậm ngùi với tết lỗi hẹn quê nhà. Cũng buồn một chút nhưng là để mình sống trải nghiệm và bản lĩnh hơn.

“Ở lại cũng là để sống tốt hơn và ai ở lại cũng sẽ chất chứa trong lòng một nỗi buồn xa quê và tôi tự hứa với lòng mình - Xuân sang con sẽ về". Long giãi bày

Thái Việt - Trần Long 

MỚI - NÓNG