Những SV bỏ tiền túi chạy xe ôm tình nguyện

Những SV bỏ tiền túi chạy xe ôm tình nguyện
Nắng rát mặt đường nhựa. Không khí oi nồng tưởng như luộc chín tất thảy mọi thứ. Giữa 12 giờ trưa, hai chiếc xe ca mang biển 36 chở thí sinh Thanh Hoá cập cổng trường ĐH Vinh.

Đội sinh viên xe ôm tình nguyện nhanh nhẹn đỡ hành lý, rót nước và “em đã có chỗ trọ chưa? Đây là đội xe ôm tình nguyện! Các anh chị sẵn sàng chở em tới nơi cần thiết...”. Thí sinh gật đầu một cái. Đội mũ bảo hiểm, nổ máy và lên đường.

Trong các đội SV tình nguyện tiếp sức mùa thi ĐH – CĐ năm nay của ĐH Vinh có thêm “Đội xe ôm tình nguyện”. 13 chàng trai và 7 cô gái khoa Công nghệ Thông tin nhanh nhẹn và... đen đúa vì nắng hè thường trực tại bên trái cổng trường ĐH Vinh.

Mới đầu nghe về công việc của họ, tôi cứ ngỡ đây phải là những chàng trai cô gái vạm vỡ. Đến khi gặp mặt thì hoá ra đa số đều có cái biệt danh đáng yêu là “còi”.

Đội trưởng Lê Viết Quân quê Thanh Hoá trông nhỏ con nhưng kinh nghiệm làm tình nguyện lại “đầy mình”: 3 năm học có 4 lần tình nguyện. Ham làm tình nguyện đến nỗi nghỉ hè Quân cũng không về thăm nhà.

Lúc tôi có mặt, 10 “con xe” xếp hàng ngay ngắn với đầy đủ mũ bảo hiểm.Ban điều hành các đội tình nguyện ghé vội qua đưa cho đội gói lạc rang và ấm nước-quà của một chủ nhà trọ gửi.

Tôi liếc vội cuốn nhật ký công việc: ngày 30/6/2005 chỉ có 10 chuyến, nhưng đến ngày 6/7 đã lên đến 162 chuyến xe ôm tình nguyện. Đội xe ôm tình nguyện được cấp 10 nghìn đồng tiền xăng trên một xe. Không nói ai cũng biết đây chỉ là số tiền tượng trưng.

Tại TP Vinh - Nghệ An với số tiền đó chỉ mua đủ 1 lít xăng (xăng A92 gần 9 ngàn đồng). Thế nhưng ai cũng lấy làm vui khi được móc tiền túi ra chạy xe ôm tình nguyện.

Sự nhiệt tình này không ít lần đã bị cánh xe ôm nghi ngờ vì “trên đời ni mần chi có người tốt như rứa. Tụi ni chắc là bắt khách để bán rồi”. Đấy là cánh xe ôm nói vậy. Nhiều gã xe ôm còn đuổi theo những chuyến xe áo xanh để đe doạ không cho chở.

Mặc cho những lời đe doạ và hành động cản trở công việc, “xe ôm tình nguyện” vẫn đều đều lăn bánh khi các thí sinh cần. Chuyện vui nhất từ mỗi chuyến xe tình nguyện là chở các “sĩ tử” đến phòng thi kịp thời.

Có những thí sinh ở chung phòng trọ, rồi cầm nhầm ba lô của nhau, may nhờ những “xe ôm tình nguyện” bươn bả chạy mướt mồ hôi để đổi lại hộ nên đã tránh được những sự cố đáng tiếc.

Giờ cao điểm của Đội xe ôm tình nguyện thường rơi vào giữa trưa nắng và đầu giờ chiều nên bữa trưa là những ổ bánh mì gặm vội.

Do là đội cơ động nên “đại bản doanh” cũng rất ...cơ động: nắng đến đâu, tránh đến đấy. Trong đội có 7 chị em nhưng tay lái cũng cứng cựa không kém. Tuy gọi là Đội xe ôm tình nguyện nhưng họ cũng kiêm luôn cả tư vấn chỗ trọ và trăm thứ bà rằn khác.

Một đặc điểm dễ nhận của đội là những cánh tay cháy nắng. Hải “còi” (Tô Bá Hải-K45C-CNTT) người nhỏ xíu, đen nhẻm nhưng nhanh nhất đội lém lỉnh chỉ mấy nốt mụn trên trán để...khoe về “đặc sản gió Lào” xứ Nghệ. Một chút rảnh rỗi, Đội xe ôm tình nguyện đã hào phóng tặng cho PV Tiền Phong những ca khúc cách mạng.

Chia tay “Đội xe ôm tình nguyện” nhưng vẫn vẳng mãi khúc ca: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” của những “tay lái áo xanh” ĐH Vinh. 

MỚI - NÓNG