Những tấm gương quên mình cứu người trong lũ dữ

Những tấm gương quên mình cứu người trong lũ dữ
TP - Có người bỏ việc nhà đưa đoàn cứu trợ vượt lũ, có người hết chuyến xe này sang chuyến xe khác giúp người dân chạy lũ miễn phí; cũng có người vừa ra khỏi nhà đi giúp hàng xóm thì tường nhà mình đổ sập, con trai mới 4 tuổi đang ngủ vĩnh viễn ra đi…

Trong những câu chuyện sau lũ, có tấm gương của ba chàng trai Binh đoàn Hương Giang, có câu chuyện về em Lê Anh Đô học sinh lớp 12 - Trường THPT Lục Ngạn số 2 đã quên mình cứu bạn.

Những tấm gương quên mình cứu người trong lũ dữ ảnh 1

Đại tá Vũ Quang Đạo, Phó Chính ủy Quân đoàn 2 gắn huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Hạ sỹ Nguyễn Thế Chung

Cứu bạn, quên mình

Sáng  26/9,  Lê Anh Đô và một số bạn đến trường. Trời không mưa lớn nhưng nước lũ phía thượng nguồn từ Lạng Sơn, Sơn Động dồn về rất nhanh. Ở cầu Hạ Long thuộc Quốc lộ 31, nước lũ đã dâng lên cuồn cuộn.

Nước lũ lớn nên lực lượng quân đội và chính quyền địa phương canh gác cầu Hạ Long không để người dân đi qua, Đô cùng các bạn quay về. Khi chỉ còn cách nhà Đô không xa thì nước sông lên tràn quốc lộ 31.

Đô và các bạn phải lội nước để về. Nước càng ngày càng mạnh. Hường - một bạn gái cùng lớp bị xô ngã, dòng nước cuồn cuộn cuốn đi. Không chút ngần ngại, Lê Anh Đô lao theo cứu bạn.

Khi Đô đẩy Hường ra khỏi vùng nước xoáy nguy hiểm thì cũng là lúc các bạn trai đi cùng và một số người dân đến ứng cứu kịp thời. Mọi người đã đưa được Hường lên bờ. Riêng Đô kiệt sức bị nước lũ cuốn đi... Mãi gần hai ngày sau, mọi người mới tìm thấy em.

Người con của  thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn đã vĩnh viễn không thể cùng bạn tới trường. Chỗ ngồi của Đô trong lớp 12A7 có một khoảng trống lớn. Khoảng trống ấy là sự xót xa, tiếc thương. Quên mình cứu bạn, Lê Anh Đô đã trở thành một tấm gương tiêu biểu không chỉ với người dân Bắc Giang.

Những tấm gương quên mình cứu người trong lũ dữ ảnh 2
Chính ủy Sư đoàn 325 trao thưởng cho 3 chàng trai dũng cảm

Ba chàng trai dũng cảm

Đêm 25/9, khi nước lũ tại Sơn Động đã bắt đầu lên cao, gần 200 cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 7- Trung đoàn 18 - Sư đoàn 325 dồn lên đập Trại Muối thuộc xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn để chống tràn chống vỡ. Nước lũ ngày càng dồn mạnh, 6 giờ ngày 26/9 khi tổ công tác về đến cầu Hạ Long, cách đơn vị chừng 200 m thì nước lũ đã làm ngập đường.

10 chiến sỹ khoẻ mạnh nhất đã được chọn làm dẫn đường, lộ tiêu để đơn vị hành quân qua. Trong khi vượt lũ, bỗng một em gái đi xe đạp ngược chiều tốc độ rất nhanh. Dù chỉ huy đơn vị đã quát “Dừng lại. Không thể đi được đâu!”, nhưng em gái không kịp phanh.

Cả người, cả xe lao xuống nước và bị cuốn đi. Nguy cơ rơi vào dòng nước xiết ở vị trí mố cầu là rất lớn. Ngay lập tức ba đồng chí Chung, Thi và Tính lao xuống cứu. Nước cuốn em gái ấy xuống phía hạ lưu. Lần thứ nhất, Chung lặn xuống mò tìm nhưng không được.

Những tấm gương quên mình cứu người trong lũ dữ ảnh 3
Em Giáp Thị Kim - người bị nạn được cứu sống

Lần thứ hai thì anh đã thành công, nâng được cô gái lên khỏi mặt nước. Tính và Thi kịp thời hỗ trợ ứng cứu. Vật lộn với lũ dữ một hồi lâu, cuối cùng ba chàng trai đã đưa được người bị nạn về nơi an toàn. Em được đưa về đơn vị và phải rất lâu sau em mới nhớ ra số điện thoại của nhà hàng xóm, để đơn vị liên lạc tới gia đình.

Người bị nạn là em Giáp Thị Kim ở thôn Kép 2B, xã Hồng Giang. Kim là bạn học cùng lớp  12A7 - Trường THPT Lục Ngạn số 2 với Lê Anh Đô. Có thể, thời gian em Giáp Thị Kim được các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 7 cứu và thời gian Lê Anh Đô quên mình cứu bạn là rất gần nhau.

Ghi nhận và biểu dương việc làm dũng cảm của em Lê Anh Đô, Trung ương Đoàn quyết đinh truy tặng danh hiệu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và lãnh đạo Tỉnh đoàn Bắc Giang cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã đến chia sẻ, động viên và tặng quà gia đình em.

Với những chàng trai thuộc Tiểu đoàn 7,  chỉ huy Trung đoàn 18 đã trao tặng giấy khen; Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang gửi thư khen và tặng mỗi đồng chí một phần thưởng trị giá năm trăm nghìn đồng.

Đặc biệt, riêng đồng chí Nguyễn Thế Chung được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và được đơn vị phong quân hàm vượt cấp từ Binh nhì lên Hạ sỹ.

Gặp Chung tại lễ tuyên dương thành tích, tôi hỏi vì sao lại dám lao mình xuống dòng nước lũ, Chung cười hồn nhiên: “Lúc đó em chẳng nghĩ được điều gì ngoài việc phải nhảy thật nhanh xuống túm lấy cô gái, nếu không nước sẽ cuốn trôi mất, không thể cứu được”.

MỚI - NÓNG