Những thanh niên thắp sáng lửa tình nguyện

Những thanh niên thắp sáng lửa tình nguyện
Tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức cuộc giao lưu thanh niên tình nguyện trong cả nước. PV báo Tiền Phong đã gặp 2 đại biểu thuộc địa bàn TPHCM, địa bàn luôn đi đầu trong các hoạt động tình nguyện.

Hiệp sỹ SBC

Những thanh niên thắp sáng lửa tình nguyện ảnh 1
Nguyễn Văn Minh Tiến

Tuy không thuộc biên chế của bất cứ đơn vị công an nào, nhưng Nguyễn Văn Minh Tiến lại được mọi người đặt cho cái tên Tiến "săn bắt cướp”.

Ngay từ nhỏ, Tiến đã mơ ước trở thành một chiến sỹ công an để giữ yên đường phố. Vì thế, khi vừa đủ tuổi, Tiến đã đăng ký ngay vào ngành công an. Nhưng khi đang học dở lớp nghiệp vụ thì một trận ốm thập tử nhất sinh đã khiến Tiến phải xin ra khỏi ngành.

Về nhà, sau khi chữa bệnh, Tiến đăng ký theo học lớp điện tử rồi trở thành một anh thợ lành nghề. Tưởng rằng sẽ an phận với nghề mới này, nhưng cái “máu” công an dường như vẫn còn nên ngoài giờ làm, Tiến hay xách xe chạy lòng vòng.

Một lần chứng kiến cảnh tên cướp giật chiếc giỏ xách của người phụ nữ đi cùng chiều và bỏ chạy, Tiến đã bám theo tên cướp. Biết có người đuổi, tên cướp liều mạng chạy càng nhanh. Nhưng nhờ có những nghiệp vụ đã học khi còn là công an, Tiến đã đuổi kịp tên cướp và đạp hắn ngã lăn trên đường. Rồi cùng những người đi đường, Tiến đã nhanh chóng khoá tay tên cướp và bàn giao cho công an phường.

Lần bắt cướp đầu tiên đó đã cho Tiến cảm thấy có những thay đổi trong cuộc sống của mình. “Trước đó, tôi thấy buồn vì chỉ ngồi bó giò một chỗ suốt ngày với máy móc, nhưng sau vụ bắt cướp này, tôi chợt hiểu ra, đâu phải chỉ có làm công an mới đi bắt cướp được. Thế là hàng ngày, ngoài giờ làm, tôi lại xách xe chạy lòng vòng trên đường, tìm để bắt cướp”.

Đã hơn 8 năm nay, chàng Hiệp sỹ SBC trở thành người bắt cướp không chuyên trên các đường phố Sài Gòn. Tiến đi nhiều tới mức gần như tất cả cảnh sát giao thông trên địa bàn đều biết mặt anh. Tính ra trong hơn 8 năm làm hiệp sĩ SBC, Tiến đã bắt được trên 150 vụ cướp ở khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Người khiếm thị giúp… người khiếm thị

Những thanh niên thắp sáng lửa tình nguyện ảnh 2
Đặng Hoài Phúc

Cuộc đời của Đặng Hoài Phúc (Trung tâm tin học Sao Mai) tưởng chừng như đã lụi tàn khi vào năm 9 tuổi, Phúc bị bệnh dẫn đến mù cả 2 mắt.

Một thời gian dài sống trong dằn vặt và đau khổ, may nhờ gia đình người thân động viên, Phúc mới vượt qua được khó khăn và bắt nhịp với cuộc sống không có đôi mắt. “Cuộc sống trong bóng tối khổ lắm. - Phúc kể - Nhưng còn khổ hơn nếu mình sẽ phải sống lệ thuộc suốt đời. Vì thế, tôi quyết tâm phải tự học để ít nhất nuôi được bản thân”.

Thế rồi Phúc đi học chữ nổi, biết chữ nổi Phúc lại tiếp tục theo học phổ thông. Và thậm chí sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phúc còn mạnh dạn đăng ký thi đại học. Thật bất ngờ, Phúc đã đậu vào trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TPHCM, khoa Anh văn.

Tưởng rằng cuộc đời của Phúc sẽ an phận với tấm bằng cử nhân, nhưng số phận lại đẩy đưa Phúc theo hướng khác. Lên TPHCM, được tiếp xúc với một lớp học vi tính, Phúc thấy thực sự chiếc máy tính giúp đỡ được rất nhiều cho người khiếm thị.

Thế là sau một lớp học chuyên viên máy tính, Phúc đã xin vào Trường tin học Sao Mai. Tại đây, Phúc bắt tay vào viết những phần mềm vi tính dành cho người khiếm thị. Sau một thời gian miệt mài, được sự giúp đỡ của một số tổ chức và cá nhân, Phúc đã xây dựng được dự án: “Phát triển mạng lưới tin học đào tạo từ xa cho người khiếm thị”.

Với dự án này, người khiếm thị sẽ được hỗ trợ trong học tập, trong công tác văn phòng với hiệu quả rất cao. Dự án của Phúc đã được triển khai cho một số tỉnh thành và đã đào tạo được cho trên 100 người khiếm thị. Điều đặc biệt hơn nữa là tham gia những khoá học này, những người khiếm thị không phải đóng một đồng nào học phí. “Chúng tôi chủ yếu vận động các nguồn tài trợ” - Phúc bảo.

Hiện nay, với cương vị Phó giám đốc Trung tâm Sao Mai, Phúc đang triển khai tiếp tục hệ thống này với mong muốn sẽ mở rộng ra trong cả nước “Để cho người khiếm thị nào cũng có thể tham gia học về tin học” - Phúc nói vậy.

MỚI - NÓNG