Những 'thầy cô' 9X lớp học đặc biệt

Những 'thầy cô' 9X lớp học đặc biệt
TPO - Đều đặn mỗi tuần, lớp học cho trẻ em khuyết tật tại trung tâm Hi Vọng, các bệnh nhi ung thư tại viện Viện Huyết học truyền máu Trung Ương lại vang lên tiếng giảng bài của sinh viên tình nguyện.

>Ngày Nhà giáo Việt Nam ở Trường Sa
>Thầy giáo trẻ của những bộ môn ‘độc, lạ’

Những người được gọi trìu mến hai tiếng “thầy cô” có lẽ còn chưa được học qua lớp nghiệp vụ sự phạm mà chỉ bằng kiến thức đời sống và tình yêu thương. Họ mong muốn được mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các em – những đứa trẻ thiếu may mắn trong cuộc đời.

Lớp học từ tình thương

Trung tâm Hi Vọng nằm trong con ngách nhỏ thuộc ngõ 290 Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội) là trung tâm dành cho các em nhỏ khuyết tật trí tuệ (down, thiểu năng, tự kỷ). Tiếng ê a, cười, hét… hay hình ảnh em nhỏ ngồi co mình bất động một góc đều khá quen thuộc ở đây. Cùng với thầy cô giáo, các tình nguyện viên CLB Tình nguyện Hope hướng dẫn các em tập viết, đọc và hướng dẫn cách vỗ tay, cười, nói để các em biết chủ động, tập tư duy.

Chia sẻ về hoạt động của nhóm dạy học thuộc CLB Tình nguyện Hope, trưởng nhóm Phạm Thị Thanh Phương (21 tuổi) cho biết: “Nhiệm vụ của chúng mình là giúp các cô giáo quản lý lớp, dạy các em lớp lớn học chữ. Ở trung tâm đều là các em chậm phát triển trí tuệ nên công việc quản lý lớp khó khăn hơn rất nhiều, chúng mình cho các em chơi những trò chơi cực kỳ đơn giản để kích thích giác quan của các em, cho các em ăn, ngủ vì có nhiều em không thể tự ăn mà cần phải có người xúc hoặc mớm.”

Dạy những gì các em nhỏ thích
Dạy những gì các em nhỏ thích .

Chia sẻ về công việc tình nguyện trợ giảng tại trung tâm, Phương kể: Công việc khá bình lặng và sự tiến bộ của các bé thường không rõ ràng, đòi hỏi các tình nguyện viên phải nhiệt tình, kiên trì và vị tha”. Cùng với các thành viên trong nhóm, Phương đã có một năm tình nguyện trợ giảng tại trung tâm. “Sự thay đổi từng ngày qua những hành động nhỏ của các bé ở trung tâm đã thắp lên hy vọng, nhiệt huyết cho mỗi thành viên trong nhóm”, Phương nói.

Lớp học của bệnh nhi ung thư

“Ở lớp học Nhân Ái, sau mỗi buổi học, không biết các em sẽ ra đi lúc nào. Chẳng biết được còn được gặp lại các em những buổi học sau”, Huyền tâm sự.

Theo chân Nguyễn Thanh Huyền (21 tuổi) – tình nguyện viên CLB Niềm tin và Hi vọng, chúng tôi có mặt tại lớp học Nhân ái tại khu nhi bệnh viện Viện huyết học truyền máu T.Ư. Ở đây, “học sinh” đến lớp với ống truyền trên tay, hay băng gác che vết kim tiêm, những cơn đau do truyền hóa chất… Lớp học Nhân Ái được thành lập tháng 11/2011 với mong muốn đem lại cho các em nhỏ bất hạnh những điều tốt đẹp nhất để vượt qua những nỗi đau triền miên về bệnh tật. Theo Huyền, lớp được mở cừa vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Các tình nguyện viên dạy em học Toán, Văn cùng các môn nghệ thuật vẽ, múa, tô tượng, tô tranh cát, xếp hạt nhựa, làm đồ handmade, chơi bóng, giải câu đố... Chương trình, bài giảng được các thành viên lên kế hoạch.

Các em nhỏ tại lớp học Nhân Ái được dạy về kĩ năng sống
Các em nhỏ tại lớp học Nhân Ái được dạy về kĩ năng sống .

Huyền tâm sự: “Nhớ lần cùng các em làm đồ thủ công, bạn nhỏ tên Là đang điều trị tại khoa Thalassemia đã làm tặng mình một cái móc chìa khóa từ dây ống truyền nước. Hay Lan thuộc khoa Nhi đã làm tặng mình con hạc giấy hình khối… Gắn bó với các em, mình càng cảm thấy hạnh phúc hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn.”

Lớp học nhận được nhiều sự chia sẻ của phụ huynh các bệnh nhi điều trị tại viện. Chị Phạm Thị Then (27 tuổi, Thái Bình) mẹ của bé Đỗ Thị Thu Vân (7 tuổi) điều trị tại khoa Nhi đã một năm rưỡi, chia sẻ: “Năm nay cháu mới lên lớp một, thời gian nằm ở bệnh viện còn nhiều hơn đi học. Ở trên này, được các cô dạy đánh vần chữ cái, khi về nhà cháu vẫn khoe với ông bà là được đi học. Mỗi ngày mở lớp học là cháu ăn nhanh lắm, để đến học. Chị cũng mong các cô mở lớp, dạy các cháu để cháu quên đi bệnh tật, sự đau đớn trong người”.

Nét mặt hào hứng của bệnh nhi ung thư tại lớp học Nhân Ái
Nét mặt hào hứng của bệnh nhi ung thư tại lớp học Nhân Ái.
Theo Viết
MỚI - NÓNG