Nơi đổi thay cuộc đời trẻ nghèo

Bạn trẻ theo học lớp uốn tóc tại trường
Bạn trẻ theo học lớp uốn tóc tại trường
TP - Những thanh niên lêu lổng, thất học hoặc sinh sống trong gia đình nghèo khó có cơ hội đổi đời ở ngôi nhà chung. Không chỉ dạy nghề, tạo việc làm, nơi đây phát hiện, tôn vinh khả năng đặc biệt của thanh niên nghèo.

> Canada giúp Việt Nam đào tạo nghề

Thay đổi cuộc đời

Trường dạy nghề Thăng Long nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Hào (Q.4, TPHCM). Trường tổ chức các khóa học nhằm trang bị những kỹ năng, hành trang bước vào tương lai cho các em từ 11 - 20 tuổi.

Các khóa học được giảng dạy do 25 giáo viên, nhân viên đảm trách giúp các em có hoàn cảnh khó khăn ở TPHCM có thể thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Chương trình học được thiết kế linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho những em phải đi học hoặc đi làm có thể đến lớp vào nhiều giờ trong ngày.

Tại trường có các khóa Anh văn, vi tính, truyền thông hình ảnh, nhiếp ảnh và uốc tóc cho thanh niên lựa chọn.

Nhiều em tốt nghiệp các khóa trước đã được nhận vào làm việc tại các khách sạn, nhà hàng lớn ở TPHCM như Caravelle, Sheraton, Inter Continental Asiana Saigon, Pizza Hut, Coffee Bean & Tea Leaf.

Hầu hết các bạn trẻ theo học đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nguyễn Thành Hòa (19 tuổi) hiện đang theo học lớp vi tính tại trường. Buổi sáng, Hòa dậy sớm bắt xe buýt từ nhà ở xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) đến Q.4 đi học.

Để có tiền phụ giúp gia đình, buổi chiều, Hòa làm công nhân từ 14h đến 22h ở Cty in ấn bao bì với mức lương hơn 2,5 triệu/tháng. Mẹ ốm đau quanh năm, không có tiền chạy chữa phải nghỉ việc ở nhà nội trợ, Hòa và cha cùng đi làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi đứa em 8 tuổi ăn học.

Hòa kể, học đến lớp 8, vì gia đình nghèo nên phải nghỉ học. Vừa chán nản, vừa tủi thân, Hòa nghe bạn bè xấu rủ rê đi lang thang lêu lổng. Hơn 5 năm liền, Hòa sa vào những cuộc chơi vô bổ. Một ngày nọ, những đoàn viên thanh niên tìm gặp, mời Hòa đi học nghề miễn phí.

Ngày đầu tiếp xúc với máy vi tính đối với Hòa thực sự là một ngày trọng đại. Sau 3 tháng, giờ Hòa đã rành rẽ các kiến thức cơ bản về vi tính văn phòng. “Mình vừa làm công nhân kiếm tiền phụ giúp gia đình, vừa tích cóp để mua một chiếc máy cũ”, Hòa cho biết.

Bất ngờ đoạt giải nhiếp ảnh thế giới

Nhiếp ảnh gia nhí Nguyễn Hoàng Tuấn bên tác phẩm đoạt giải FIAP và bằng khen của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam
Nhiếp ảnh gia nhí Nguyễn Hoàng Tuấn bên tác phẩm đoạt giải FIAP và bằng khen của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
 

Nguyễn Hoàng Tuấn (14 tuổi), ở P.3, Q.4 hiện đang theo học lớp nhiếp ảnh. Mẹ không có việc làm, cuộc sống của cả nhà Tuấn chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân bèo bọt của cha.

Vốn có niềm đam mê nhiếp ảnh, Tuấn tìm đến nhiều trung tâm nhưng chỗ nào cũng bắt đóng tiền cao ngất. Một lần, được các cán bộ Đoàn trong phường giới thiệu, Tuấn xin đăng ký lớp nhiếp ảnh tại trường Thăng Long.

Lớp chỉ có vài bạn, với phương tiện duy nhất là chiếc máy ảnh cũ mèm hiệu Canon. Mỗi lần đi thực tế, các bạn trong lớp phải thay phiên nhau để được cầm máy.

Mặc dù chưa từng làm quen với bất kỳ một chiếc máy ảnh nào nhưng với chiếc máy ảnh du lịch mượn của trường, trong một lần đi thực tế ở Đồng Tháp, Tuấn ghi lại được nhiều khuôn hình đẹp. Thấy vậy, thầy của Tuấn lựa một vài tấm đẹp nhất gửi dự thi.

Thật bất ngờ, tác phẩm “Ra lò” của Tuấn đạt giải Bạc tại cuộc thi ảnh U16 do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (FIAP) tổ chức. Ngoài Tuấn, lớp có thêm 4 em đoạt giải Danh dự. Tuấn khát khao sở hữu dù chỉ một chiếc máy ảnh cũ để có thể tự do sáng tạo hơn nữa. “Ước mơ lớn nhất của em là được trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh”, Tuấn nói.

Cô Oanh, hiệu trưởng trường Thăng Long cho biết: “Học sinh trong trường phần lớn đều có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương, nhiều em vừa đi học, vừa đi làm. Chính vì vậy mà nỗ lực ở các em rất lớn”.

Gần 20 năm thành lập, trường Thăng Long đã dạy nghề miễn phí cho hàng ngàn bạn trẻ khó khăn. Nhiều bạn giờ đã thành chủ các salon tóc, trang điểm, lập trình viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh… Cũng có bạn trở về trường làm giáo viên để giúp đỡ những thế hệ học trò sau.

Một nhóm các cựu học sinh của trường, trong đó có Tôn Nữ Hoàng Anh đã quay về trường để dạy tiếng Anh cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Tốt nghiệp năm 2008, Hoàng Anh nhận được học bổng ACET của Hội Từ thiện trẻ em Sài Gòn và đạt điểm thi IELTS 7.0. Hoàng Anh cũng sắp trở thành sinh viên năm 2 khoa tiếng Anh của ĐH Sư phạm TPHCM.

Ông Paul Finnis, người Anh, Chủ tịch Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn, đơn vị phối hợp cùng trường Thăng Long trong gần 20 năm qua, chia sẻ: “Các học sinh ở trường Thăng Long có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi bởi hành trình vượt khó của các em để đến với các khoá học. Tôi vô cùng tự hào không phải được giúp các em mà bởi sự nỗ lực đáng khâm phục của những bạn trẻ vượt qua biết bao khó khăn, cám dỗ để làm người có ích”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG