Nỗi lo “Thế hệ bản thân”

Nỗi lo “Thế hệ bản thân”
Jessica sinh năm 1985. Hồi tập đi, cô thường nghe Whitney Houston hát bài "Tình yêu lớn nhất" đứng đầu bảng xếp hạng tại Mỹ. Vào cấp I, cô giáo phát cho bé Jessica quyển tập viết đầy màu sắc và hình ảnh bắt mắt có tựa đề “Chúng ta đều đặc biệt”.
Nỗi lo “Thế hệ bản thân” ảnh 1
Tiêu biểu cho Thế hệ bản thân (Generation Me) là những bạn trẻ sinh sau 1982 chỉ chú ý đến mình mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng.

Đến lớp 6, có lần cô cùng các bạn làm bài tập làm văn “Hãy nói về bản thân em”. Và khi lo lắng không biết mặc gì, làm gì trong cuộc hẹn đầu tiên, cô được mẹ khuyên “hãy là chính mình”. Ngày nay, Jessica có một hình xăm lớn dưới lưng và một chiếc vòng đeo... môi.

Đó là lời mẹ của Jessica kể về con gái mình nhưng cũng là lời mô tả và cảnh báo “căn bệnh” tự tôn, ích kỷ mà giới tâm lý học vừa đưa ra đầu tuần rồi.

Các nhà khoa học Mỹ đã công bố một nghiên cứu về tính vị kỷ của giới trẻ Mỹ. Từ năm 1982 - 2006, họ đã khảo sát phản ứng của gần 16.500 sinh viên trên khắp nước Mỹ với các câu nói như: “Nếu thống trị thế giới, tôi sẽ làm nó tốt đẹp hơn”, “Tôi nghĩ mình là người đặc biệt” hay: “Tôi có thể sống theo bất cứ cách nào tôi muốn”.

Kết quả cho thấy càng ngày giới trẻ Mỹ càng tự tin và yêu bản thân mình hơn các thế hệ cha anh.

Nhà tâm lý học Jean Twenge ở Đại học bang California tại San Diego phân tích: sự tự tin là có lợi vì nếu không có nó, người ta sẽ không đủ can đảm gặp người khác hay tham gia những cuộc thi, đương đầu với những thách thức để thành công. Có điều, làn ranh giới giữa tự tin và tự tôn, yêu bản thân và ích kỷ rất mong manh.

Thế hệ bản thân (Generation Me) là biệt danh mà các nhà tâm lý đặt cho những người sinh sau năm 1970. Tiến bộ khoa học công nghệ đang tiếp sức cho bạn trẻ ngày càng tự tin nhưng cũng đưa họ đến những hậu quả tiêu cực.

Các nhà tâm lý học cảnh báo bên kia lằn ranh là một xã hội chia rẽ do con người chỉ chú ý đến mình mà không quan tâm đến người khác. Theo giáo sư Keith Campbell ở Đại học Georgia, những người tự tôn và ích kỷ chỉ thích những mối quan hệ tình cảm “qua đường”, sống lạnh nhạt, dửng dưng với người khác, thích nổi tiếng và làm mọi cách để đạt được điều mình muốn, kể cả bạo lực.

Theo Minh Huy
Tuổi Trẻ/AP,Time

MỚI - NÓNG