Nơi nguồn sống của bà con A Đớt

Nơi nguồn sống của bà con A Đớt
TP - Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng biên của Tổ quốc, lính trẻ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 thuộc Quân khu 4, xã A Đớt (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

Vượt đường 9 Quảng Trị, qua cầu Đắk Rông, theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92. Đoàn 92 đóng trên địa bàn xã A Đớt, thuộc vùng sâu - xa, vùng đặc biệt khó khăn, dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Ka Tu...). Bám đất, bám dân, giữ vững an ninh tuyến biên giới Việt-Lào là nhiệm vụ của những người lính trẻ nơi đây.

Khi chúng tôi đến, cán bộ và chiến sỹ Đoàn 92 đang đào đất đắp bờ tại Hồ Đập 92. Vừa đưa tay xúc từng thớ đất, Nguyễn Piu Trời (19 tuổi, dân tộc Tà Ôi) cho biết, Hồ Đập 92 như nguồn sống của cả vùng vì nó tưới nước cho 50 ha của xã Hương Lâm. Hồ còn để nuôi cá, phục vụ cho đơn vị và bà con dân tộc. Piu Trời vào Đoàn chưa lâu nhưng luôn coi đơn vị là gia đình thứ hai của mình.

Mặt lấm lem, Lê Quang Ngọc (20 tuổi) vừa kéo đất vừa nói: “Dân với quân ở đây như một, đoàn kết gắn bó với nhau. So với 10 năm về trước, cuộc sống dù còn khó khăn song đã khác lắm rồi”.

Ngọc vào Đoàn 92 đã hơn một năm. Cuộc sống ở vùng Đông Trường Sơn này giúp Ngọc chững chạc lên nhiều so với hồi mới vào Đoàn. Ngày giúp dân trồng lúa, đêm về lại vui vầy cùng anh em bên chiếc ghi ta.

Theo Đại tá - Đoàn trưởng Hoàng Trị Thi, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn 92 là giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc năm xã thuộc vùng A So (A Đớt, A Roàng, Hương Sơn, Hương Phong, Đông Sơn) phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Từ đó, thắt chặt thêm tình nghĩa giữa quân với dân, đồng bào với đồng bào, tạo sức mạnh đoàn kết cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới.

Đại tá Thi cho biết, cách đây 10 năm, khi Đoàn mới thành lập, biết dân trí trên địa bàn còn hạn chế, lãnh đạo Đoàn 92 đã đưa ra khẩu hiệu bộ đội làm trước, đồng bào cùng làm theo.

Ngoài việc “miệng nói, tay làm” cho đồng bào thấy, cán bộ chiến sỹ Đoàn 92 còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể huyện A Lưới tổ chức các lớp tập huấn, tập trung cho việc làm mẫu để đồng bào dân tộc biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Các cán bộ chiến sỹ của Đoàn còn xuống tận thôn, bản hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hướng dẫn cách trồng các loại giống cây mới nâng cao năng suất, đời sống cho nhân dân.

Dịp lễ, tết, Đoàn 92 còn phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm xã trên địa bàn tổ chức giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân, xây dựng địa bàn vững mạnh về an ninh chính trị tư tưởng.

Mặc dù tuổi đời mới 10 năm, nhưng Đoàn 92 thực sự là người bạn, người anh em của bà con dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Huế. Từ ngày có Đoàn 92, cuộc sống bà con dân tộc thiểu số nơi đây thực sự đã có nhiều thay đổi, đời sống vì thế cũng được nâng lên.

MỚI - NÓNG