Nỗi niềm vợ sếp

Nỗi niềm vợ sếp
Nói đến vợ sếp, người ta thường nghĩ đến cuộc sống dư giả đi đâu cũng có xe đưa đón. Ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công của sếp còn có sự hỗ trợ đắc lực của các "nội tướng".
Nỗi niềm vợ sếp ảnh 1
Vợ sếp học cách giữ chồng - Ảnh: news.

Nhận điện thoại chồng thông báo lô hàng lớn bị đối tác trả về do lỗi chi tiết, chị Hoa chẳng còn tâm trí làm việc.

Vội kết thúc chuyến công tác, chị đáp chuyến bay muộn về thẳng xí nghiệp may - nơi chồng chị đứng tên thành lập - để cùng anh gỡ nguy cơ phá sản đang đến gần.

23h, xí nghiệp vắng ngắt, chẳng kịp chào người bảo vệ, chị đi thẳng vào phòng giám đốc. Anh Quang - chồng chị lặng thinh bên bàn làm việc, chiếc gạt tàn đầy những mẩu thuốc lá.

Chị hiểu tâm trạng anh lúc này nên chỉ lẳng lặng mở thùng lấy mẫu hàng ra phân tích. Vạt áo không đều, cái cao cái thấp, là nguyên nhân khiến lô hàng bị trả về. Hoa hiểu, cách tốt nhất để thực hiện hợp đồng lúc này là làm sản phẩm mới.

Chị nhẩm tính, 12.000 bộ đồng phục công sở nếu tăng ca làm việc ngày đêm vẫn có thể giao hàng đúng hẹn. Số hàng lỗi, chị tính bán lại cho các đại lý trong nước với mức chiết khấu cao.

Chị xin nghỉ phép rồi thay chồng chỉ huy công nhân làm việc ngày đêm. Hàng giao đúng hẹn, đối tác tin cậy, nên ký thêm một hợp đồng lớn.

Kể từ khi ông xã thành lập công ty (năm 2002) đến nay, Hoa luôn là chỗ dựa tinh thần và không ít lần chị "gỡ" cho chồng những bàn thua trông thấy.

"Người ta chỉ quen nói mình sướng, là vợ sếp, ăn cơm hàng, xài đồ hiệu. Nhưng họ chẳng hề biết không ít đêm mình thức trắng cùng chồng bàn cách cứu công ty khi ngấp nghé bên bờ vực phá sản", Hoa tâm sự.

Nỗi niềm của Khánh, giám đốc bán hàng của một hãng mỹ phẩm ở Hà Nội, cũng không hiếm gặp. Khánh phải nghỉ làm giữa chừng khi Quân - ông xã chị được đề bạt chức tổng giám đốc.

Nghe chồng thủ thỉ: "Em ở nhà chăm chút gia đình con cái để anh yên tâm công tác. Thu nhập của anh đủ để đảm bảo cuộc sống cho hai mẹ con", dù rất yêu công việc của mình song chị vẫn gật đầu đồng ý.

Thời gian đầu ông xã cũng quan tâm chia sẻ, những ngày nghỉ anh thường đưa vợ con đi mua sắm. Nhưng rồi công việc cứ kéo Quân xa dần cuộc sống gia đình, hiếm khi thấy anh đưa vợ con đi chơi hay ăn bữa cơm ở nhà.

Quân tối mắt với hợp đồng, tiếp khách, ngoại giao, công vụ, ngày nghỉ thì miệt mài với tennis, golf... Ngày lễ, Tết thì chỉ "xì" ra cục tiền bảo chị tự mua quà biếu ông bà ngoại.

Chưa hết, chồng Khánh có tiền rủng rỉnh sinh ra ăn ngon, mặc đẹp, đổi điện thoại, laptop liên xoành xoạch.

Nhận ra điều bất ổn trong gia đình, được bạn bè tư vấn, Khánh thuê liền một lúc 2 oshin. Một để nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, một chăm con và đưa đón đi học.

Chị cũng tìm một công việc nhẹ nhàng phù hợp với khả năng của mình. Ngoài thời gian làm việc, Khánh tìm đến các thú vui như shopping, du lịch và tập tành đánh tennis, chơi golf.

Thấy bà xã dạo này sành điệu, giao tiếp tốt và ngày càng trẻ ra, vài tháng nay, Quân như thay đổi hẳn. Anh về nhà nhiều hơn và bắt đầu quan tâm nhiều đến sở thích, thú vui của vợ.

Khánh quan niệm: "Dù có là bà lớn hay phu nhân thì hãy nên là chính mình, không ai chăm lo bản thân bằng chính bản thân bạn".

Theo chị, chấp nhận làm vợ sếp cũng đồng nghĩa với việc phải biết làm mới mình bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, tìm hiểu các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao... Vì khi cả hai biết dung hòa, thông cảm và có thể chia sẻ được kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống gia đình sẽ ổn định hơn.

Chị Hương - vợ một quan chức thuộc khối cơ quan Nhà nước cho hay do tính khí ông xã thẳng thắn, lại thanh liêm, nên những người muốn nhờ vả toàn phải vòng qua cửa sau. Và họ tìm đến chị.

Bổng lộc, những món hàng đắt tiền đôi lúc cũng làm chị do dự, nhưng rồi thương chồng, lo cho sự nghiệp của ông xã, Hương phải giữ mình, nâng cao cảnh giác để không bị tấn công.

Làm thế nào để dung hòa chuyện gia đình - sự nghiệp là câu hỏi mà rất nhiều phu nhân sếp tìm đến với các trung tâm tư vấn. Chẳng có một công thức chung được áp dụng cho các gia đình, song theo một số chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất mỗi người tự tìm cách thích nghi.

Thay vì ngồi đợi cơm chồng rồi hậm hực, khó chịu, các bà nên giao hẹn với chồng xem một tuần ăn cơm ở nhà mấy buổi và giờ nào. Nếu về không đúng thì điện thoại.

Thời gian trống, chị em nên tham gia học ngoại ngữ, học tin học, lướt web tìm đọc thông tin kinh tế liên quan đến công việc của chồng, rồi tìm hiểu kiến thức để nuôi dạy con cho tốt, đưa con đi chơi để con không bị áp lực học hành.

"Một câu nói rất cũ nhưng vẫn luôn đúng là "đằng sau sự thành đạt của một người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ”, nhưng người phụ nữ muốn đẹp mãi trong mắt chồng cũng phải luôn biết tự làm mới mình để hình ảnh không bị cũ trong mắt các ông", một chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Theo VnExpress

MỚI - NÓNG