Nơi tiền tỷ, nơi không đồng

Nơi tiền tỷ, nơi không đồng
TP - Tuyển cán bộ Đoàn không đủ tiêu chuẩn, kinh phí hoạt động Đoàn vẫn kiểu xin-cho, là những vấn đề được mổ xẻ tại cuộc họp giao ban giữa Thành Đoàn Hà Nội với lãnh đạo cấp ủy các quận, huyện, Thành phố Hà Nội ngày 17/3.

Sau khi Trung ương Đảng có nghị quyết số 25 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 31/10/2008, Thành ủy Hà Nội có chương trình hành động số 01.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội có 12 đề án cụ thể thực hiện chương trình hành động. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến, đến nay các đề án này chưa giao cho ai chủ trì.

Đó là chuyện vĩ mô. Còn công tác Đoàn, trên thực tế, tại các quận huyện, phường xã đang diễn ra nhiều chuyện khá bất ngờ. Anh Ngọ Duy Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn nói:

 “Theo hướng dẫn Điều lệ Đoàn, trước khi cấp ủy có nghị quyết giới thiệu cán bộ bầu chức danh lãnh đạo Đoàn các cấp, phải trao đổi, thỏa thuận với lãnh đạo Đoàn cấp trên. Nhưng thực tế, nhiều nơi ra nghị quyết giới thiệu cán bộ rồi mới thông báo cho chúng tôi. Nên mới có chuyện, nhiều cán bộ Đoàn không biết gì về Đoàn”.

Anh Hiểu cũng cho biết, cán bộ Đoàn nhiều nơi già quá. Cán bộ Đoàn trên 35 tuổi hiện chiếm 20 phần trăm tổng số đoàn viên, trong đó một số đồng chí xấp xỉ 40, vì không lo được đầu ra.

Ông Hoàng Thanh Vân, Bí thư Huyện ủy Ba Vì nói: “Đảng nói thanh niên là rường cột nước nhà, nhưng do chưa có chiến lược và kế hoạch về công tác cán bộ, nên việc bố trí cán bộ Đoàn các cấp vẫn kiểu ăn đong”.

Nơi tiền tỷ, nơi không đồng ảnh 1Sắp tới Hà Nội có đề án tuyển 500 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm bí thư Đoàn phường, xãNơi tiền tỷ, nơi không đồng ảnh 2 - Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Theo ông Vân, “Như huyện tôi, muốn giao việc cho Đoàn làm nhưng không làm được. Ví dụ, huyện chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản, giao cho Đoàn nhưng cán bộ gãi tai, không làm được, lại phải chuyển phần việc đó cho cơ quan chuyên môn. Nhiều cán bộ Đoàn trình độ thấp, quen hoạt động phong trào, lại không trau dồi kiến thức nên không có chuyên môn. Vì thế, khó bố trí đầu ra”, ông Vân nói.

Góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh, nói: “Trước đây cán bộ Đoàn ở huyện quá tuổi khá nhiều. Khi đó huyện chỉ đạo phải trẻ hóa. Và nay chúng tôi đã thành công”.

Theo ông Quang, Đông Anh trẻ hóa cán bộ Đoàn bằng cách: Hàng năm thống kê số lượng cán bộ sắp quá tuổi, nếu ai có chuyên môn thì bố trí việc phù hợp, không có chuyên môn thì cử đi học, đào tạo lại.

Tiền đâu?

Một vấn đề khác được khá nhiều đại biểu thảo luận là kinh phí cho Đoàn. Anh Ngọ Duy Hiểu cho biết, theo quy định thì Đoàn quận, huyện được có tài khoản riêng nhưng nhiều nơi không có.

Còn kinh phí, theo quy định, nơi nào có biên chế thì được cấp kinh phí cứng (38 triệu đồng/một biên chế/năm). Nên hễ có hoạt động gì Đoàn lại phải xin tiền. Xin không được thì thôi hoạt động luôn. Như vậy làm sao Đoàn khỏe được.

Vì thế, nơi nào nhiều hoạt động, xin giỏi thì được nhiều. Quận Đoàn Hoàn Kiếm năm 2009 xin được 1,3 tỷ đồng, trong khi đó huyện Phú Xuyên chỉ được 203 triệu đồng.

Đoàn Thanh niên Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội, dù có 27 chi Đoàn cơ sở trực thuộc nhưng lại không có cán bộ Đoàn chuyên trách, nên kinh phí hoạt động năm 2009 là không đồng.

Anh Nguyễn Thăng Long, Bí thư Đoàn Tổng Cty, cho biết: Đoàn chỉ có bốn nguồn kinh phí từ thu đoàn phí, quỹ do thanh niên tự đóng góp, từ công trình phần việc thanh niên được giao và xin lãnh đạo.

Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư T.Ư Đoàn, đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố cần quan tâm đến Đoàn bằng hành động cụ thể, từ việc tuyển chọn đầu vào cán bộ Đoàn, đến bố trí đầu ra và tạo hình ảnh về Đoàn tốt hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói: “Cấp ủy các quận, huyện phải ra tay tháo gỡ, giải quyết đầu ra cho các cán bộ Đoàn quá tuổi. Sau hội nghị phải rà soát lại từng cơ sở Đoàn xem họ cần gì, thiếu gì. Vấn đề kinh phí, quan điểm Thành ủy là không từ chối thanh niên. Quan trọng là thanh niên phải chủ động, sáng tạo và có nhiều hình thức sinh hoạt đổi mới”. 

Kinh phí cho hoạt động của một số cơ sở Đoàn của TP Hà Nội năm 2009: Quận Đoàn Hoàn Kiếm 1,3 tỷ đồng; Quận Đoàn Đống Đa 944 triệu đồng; Quận Đoàn Ba Đình 840 triệu đồng; Tổng Cty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội không đồng, Tổng Cty Vinaconex 20 triệu đồng, huyện Chương Mỹ 204 triệu đồng, Thanh Oai 211 triệu đồng…
MỚI - NÓNG