Nổi tiếng nhờ… ngủ quên

Nổi tiếng nhờ… ngủ quên
Từ một lần ngủ quên, Nguyễn Văn Long (SVĐHKHTN, TP.HCM) đã trở thành “chàng trai bánh chưng” nổi tiếng!

>Nữ Bí thư Đoàn 14 lần hiến máu
>Bạn trẻ khám phá thư viện thông minh

Càng nghiên cứu, thời gian càng ngắn

Trong một lần phụ ông ngoại canh nồi bánh chưng ngày Tết, Long ngủ quên đến sáng, không châm lửa. Thức dậy, hốt hoảng vì sợ bánh hư, Long bóc ra ăn thử, thấy bánh vẫn… ngon. Long reo lên thích thú: “Thời gian nấu bánh chưng có thể rút ngắn hơn thông thường!” Nhưng câu hỏi đặt ra là : “Rút ngắn được bao nhiêu?”.

Ấp ủ ý tưởng ấy cho đến khi vào đại học, Long mới có điều kiện bắt tay vào tìm câu trả lời. Thử nghiệm đầu tiên, Long nhờ mẹ gói 4 bánh chưng, đun liên tục trong 6 giờ (cách nấu truyền thống tốn 10 — 12 giờ). Kết quả là bánh ăn vừa ngon và có độ dẻo vừa phải.

Có đà “thành công”, Long tiếp tục nấu mẻ bánh thứ hai bằng phương pháp luân nhiệt. “Mình đun sôi bánh rồi tắt lửa, rồi lại đun, tắt vài lần. Khi đun bánh ở nhiệt độ cao rồi tắt lửa, lượng nhiệt vẫn còn đủ nóng để bánh chín”, Long giải thích. Bánh chưng có hạt nếp khô hơn, đẹp hơn so với cách nấu truyền thống.

“Amylose và amylopectin có trong hạt tinh bột nếp sẽ giúp nếp có tính dẻo. Khi đun nếp ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, 2 thành phần này bị phân cắt thành các phần tử nhỏ hơn làm bánh mất đi tính dẻo tự nhiên, vì thế bánh nấu bằng cách truyền thống thường nhão hơn, dễ bị vi sinh vật tấn công gây hỏng bánh”, “chàng trai bánh chưng” giải thích.

Lời đề nghị 350K

Một lần, Long đánh liều vào một cơ sở bánh chưng ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) thuyết phục họ dùng quy trình nấu bánh của mình. “Nếu nấu theo cách của con mà bánh vẫn ngon thì cô chú trả tiền con nấu 5 cái bánh này nha”, Long đề nghị.

Kết quả là cô chú ấy đã (vui vẻ) đưa Long 350K và đồng ý tham gia thử nghiệm cách nấu bánh chưng cải tiến. “Sau 3 tháng thử nghiệm với nồi bánh có thể tích 100 lít, họ báo tin là đã tiết kiệm được 4,5kg củi mỗi ngày và 2,5 triệu đồng phí nhiên liệu mỗi tháng”, Long tự hào.

Ý tưởng “Cải tiến quy trình nấu bánh chưng truyền thống” của Long đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi S- Ideas 2012 do Đoàn trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tổ chức. Thành viên BGK, tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu, giảng viên khoa Vật lí trường ĐH KHTN, đánh giá: “ Ý tưởng này sẽ giúp người kinh doanh bánh chưng tiết kiệm nhiên liệu, góp phần giảm khí thải độc hại vào môi trường ”.

Hiện nay, để rút ngắn thời gian nấu bánh chưng, nhiều cơ sở đã cho pin tiểu vào nồi bánh. Pin tạo môi trường kiềm làm tinh bột nếp hấp thụ nước nhanh hơn, bánh mau chín hơn. “Nếu chiếc bánh có màu xanh, nhìn nghiêng có ánh tím thì đã bị nhiễm chì có trong pin”, Long cảnh báo.

Theo Lê Minh
Mực tím

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG