Nói xấu sếp trên blog

Nói xấu sếp trên blog
"Mãi đến 3h chiều nay mình mới phát hiện ra rằng giám đốc của mình không được bình thường cho lắm", một blogger có tên Mai Khanh than thở với cư dân mạng.
Nói xấu sếp trên blog ảnh 1
Trang cộng đồng blog dành cho doanh nhân - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Khanh cho biết một ngày cô phải quay cuồng cả một đống công việc, nào là dịch tài liệu, soạn hợp đồng cho sếp đến mức thở chẳng ra hơi. Ấy vậy mà, điệp khúc được sếp nhắc đi nhắc lại mỗi lần thoáng thấy mặt cô là: "Em làm nhanh lên, anh đang cần gấp".

Theo mô tả của Khanh, giám đốc của cô là một người thông minh, nhạy bén, khả năng phân tích tổng hợp cực tốt, tính toán cực lẹ, khéo ăn nói, khéo xoay sở, nói chung là về mặt kinh doanh thì mình tâm phục khẩu phục. Thế nhưng, nếu xét một cách tổng thể là... sếp bị bệnh - hối thúc nhân viên một cách thái quá.

Hợp đồng thuê mấy chục triệu đồng một tháng, sếp vừa giao buổi sáng đã thúc: "Em làm gấp cho anh xong chiều nay". Tài liệu chuyên ngành dài tới vài chục trang vừa đưa chiều đã hối: "Sáng mai anh cần gấp để họp".

"Không hiểu sếp bị bệnh từ bao giờ, chỉ biết là kể từ khi về làm dưới trướng của sếp, mình đã thấy ông nhiễm bệnh thúc nhân viên một cách trầm trọng.

Bà con ạ!, bi kịch mới đây của tôi mới gọi là đỉnh điểm. Sáng sớm vào công ty không thấy sếp đâu. Nghe tiếp tân nói giám đốc đi Đồng Nai sớm, tôi mừng rú, vội mò xuống căngtin uống ly cà phê.

Nào ngờ, bị sếp tóm cổ: "Em làm gấp cho anh cái hợp đồng ngay trong hôm nay... Thông tin chi tiết về thiết kế, kỹ thuật cứ từ từ bổ sung sau". Biết thân biết phận, mình vội phi lên văn phòng, cắm đầu cắm cổ làm việc".

Đây chỉ là một trong số rất nhiều đoạn ghi chép về nỗi niềm của các nhân viên văn phòng khi chịu quá nhiều áp lực trong công việc.

Kể từ khi blog - nhật ký trực tuyến - xuất hiện ở VN chưa lâu đã trở thành công cụ xả hơi cho nhiều lứa tuổi. Giới công chức văn phòng - những người thường xuyên bận rộn với công việc và đang là đối tượng dễ bị stress tấn công nhất cũng đang tìm đến với cách thức giải trí này.

"Dám làm dám chịu, tôi quyết định post entry này lên cho bà con vào comment cho đã", một bloger có tên Thu Huong mở đầu trang tâm sự của mình.

"Sếp tôi trẻ. Sếp tôi ga lăng. Sếp tôi giỏi. Sếp tôi có học thức... Điều này thì những người gặp sếp lần đầu đều có chung một cảm nhận. Thế nhưng, những người phải sát cánh bên sếp để chiến đấu, đảm bảo sự tồn tại cho công ty mới hiểu rất rõ rằng sếp là người khó tính, keo kiệt và nói tóm lại là "vô cùng bất cập".

Chẳng mấy khi thấy sếp ngồi tám chuyện với anh em, ấy vậy mà tỷ thứ bà rằn trong công ty sếp đều biết.

Từ chuyện chị trưởng phòng kế toán quên khóa vòi nước trong nhà vệ sinh, đến việc anh nhân viên phòng kỹ thuật dẫn bạn gái sang Sing, trăng mật sớm 2 tuần trước ngày cưới.

Ấy vậy mà, bà con biết không, công việc thì đòi hỏi vắt kiệt sức lao động của anh em, thế nhưng mỗi lần phòng nhân sự đặt vấn đề tăng lương, sếp lại thở ra câu nói cũ rằng: "Vẫn đang xem xét".

Huong cho biết phòng của cô có 20 người, doanh thu mà sếp lớn đặt ra cho cả ê-kíp là 15 tỷ đồng mỗi năm. Để đạt được khoản thu ấy, mỗi cá nhân trở thành "cave" chuyên nghiệp.

Kẻ đi chào hàng, người lo thiết kế, số khác thì lo hậu sự, ký cọt các hợp đồng. Sếp khó tính khiến cho các nhân viên bảo nhau đoàn kết, hợp đồng vẫn chạy, đơn đặt hàng vẫn ngày một nhiều thêm.

"Các bác thấy đấy, một ngày tôi phải tiếp đến 15-16 khách hàng, thuyết trình khản cổ. Khách hàng nào cũng đòi thỏa mãn, sản phẩm đưa ra giá phải rẻ, đẹp và khoản lại quả phải hậu hĩnh. Chẳng có thời gian mà buồn, mà xả hơi. Sáng đến, dán mắt vào màn hình máy tính, chiều ngẩng lên trời đã tối mịt chẳng nhìn rõ mặt người. Sắc đẹp tàn phai, tuổi trẻ chôn vùi trong công việc. Ôi sếp ơi, sếp có hiểu không"- Thu Huong kết thúc đoạn viết khi đồng hồ điểm 1h đêm, cũng là lúc các blogger tới tấp vào chia sẻ.

Một blogger tên Haminh nhận xét: "Đời mà, trường hợp của ấy thấm tháp gì so với tớ. Đôi lúc tớ tự hỏi có bao giờ sếp đặt địa vị của mình vào nhân viên hay không. Câu nói sếp luôn luôn đúng, nhân viên luôn luôn sai sao mà đúng đến vậy".

Blogger tên Hoanghien thì chia sẻ: "Đừng căng thẳng quá Huong ạ, công việc nào cũng vất vả và có cái giá của mình, căn bản là phải biết vượt qua để khẳng định mình. Ở môi trường nào cũng vậy, mình nghĩ sếp bạn là người giỏi, ông ấy sẽ nhận ra năng lực của bạn thôi".

Chưa ai làm phép thống kê xem có bao nhiêu entry "nói xấu" sếp được post lên blog và phản ứng của chủ doanh nghiệp ra sao khi chân dung của họ được mô tả quá kỹ trên mạng.

Tại lễ ra mắt Hội các CEO Việt Nam sáng 22/10, một số nhà quản trị cho rằng blog cũng là một kênh để họ xem thái độ của nhân viên đối với công ty và mức độ hài lòng trong công việc.

"Một sếp giỏi thì không sợ nhân viên phàn nàn, miễn là những lời nói ấy phải đúng và trúng", đại diện một doanh nghiệp nói. Ông Phan Đức Bình - Giám đốc một công ty thuộc lĩnh vực xây dựng - thì than thở: "Tôi luôn đề phòng với những lời khen từ nhân viên. Một nhân viên giỏi thì không sợ mất lòng sếp, họ phải biết dám nghĩ, dám làm và dám nói lên sự thật".

Theo ông, việc nhân viên dùng blog để xả stress sau những ngày làm việc cũng tốt nhưng nếu dùng những từ quá lời để nói xấu lãnh đạo mình thì chẳng hay ho chút nào.

"Nếu nói xấu tôi thì được nhưng nếu các bạn quá lời, phơi bày trên web những thông tin nhạy cảm, làm tổn hại đến danh tiếng của cơ quan thì hãy dè chừng kẻo bị mất việc", ông Bình nhấn mạnh.

Công ty chuyên về quản lý nguồn nhân lực Croner của Anh mới đây cũng bắt đầu "soi" blog của nhân viên nhằm truy tìm những nhận xét bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ để kiểm điểm hoặc sa thải ngay lập tức.

Hơn 1/3 trong số 2.000 blogger tham gia khảo sát của Croner thừa nhận đã đăng bình luận không hay về sếp và đồng nghiệp. Croner so sánh tình trạng này với hiện tượng e-mail trong thập niên 90 và cho rằng nhân viên hiếm khi suy nghĩ thấu đáo khi họ đang khó chịu và có cơ hội trút mọi bực dọc của mình trên Internet.

* Tên blogger đã được thay đổi.

Theo VnExpress

MỚI - NÓNG