Nông dân 8X thời @

Nông dân 8X thời @
TP - Cánh đồng rộng 19,2 ha “thẳng cánh cò bay” ven Quốc lộ 1A thuộc Trung tâm nghiên cứu cây trồng trường Đại học Nông Lâm Huế đang vào vụ thu hoạch sau kỳ thực tập với hàng trăm sinh viên Đại học Nông Lâm Huế – những “nông dân 8X” xắn quần xuống ruộng…

Hình ảnh các cô, cậu sinh viên đạp xe xuống từng thửa ruộng chờ gặt, gặp các bác nông dân hỏi thăm kinh nghiệm hay hướng dẫn lai giống ngô mới đã trở nên quen thuộc với bà con các xã vùng ven Huế. Hành lý của các “bác” nông dân sinh viên chỉ có chiếc xe đạp, bảng câu hỏi điều tra và mấy chiếc túi nilon đựng thành phẩm.

Công việc quen thuộc của Trần Quang Sáu và Trần Khánh Tuấn (Lớp Khuyến nông K37 – Đại học Nông Lâm Huế) từ sau Tết đến nay là ăn, ngủ, điều tra tại nhà dân.

Cầm bảng câu hỏi điều tra về Đánh giá quá trình thực hiện các mô hình dự án ở nông thôn có tới hơn 70 câu hỏi, Sáu kể: “Cứ điều tra một bác nông dân mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Bí quyết của bọn mình là la cà làm quen trước, các bác thường mời uống trà nói chuyện hoặc dẫn ra đồng thăm lúa. Lo nhất là cao hứng, các “cụ” bắt uống rượu cùng rồi mới trả lời các câu hỏi của mình!” .

Với các dạng đề tài tốt nghiệp như Thực trạng và giải pháp phát triển nấm hay Hiệu quả chăn nuôi lợn của Tuấn, Sương, mỗi bạn đều phải tập thể hiện vai trò kỹ sư khuyến nông để hoàn thành báo cáo. Ai có phương tiện thì đi đi về về, các bạn có địa bàn thực tập xa trường thì đều phải ở lại nhà dân trong khoảng 1, 2 tháng.

Mọi người hồ hởi kể về kỷ niệm được các bác nông dân nhờ tát cá, thế là đêm nào cũng được bữa no hay những buổi luộc lạc non nhâm nhi liên hoan văn nghệ.

Ngay tại Trung tâm nghiên cứu cây trồng ở thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà, TT - Huế) cũng dành 4 phòng (2 phòng nam, 2 phòng nữ) cho các bạn sinh viên ở lại làm đề tài.

Và “nông dân @”

Nông dân 8X thời @ ảnh 1
Lột vỏ ngô để kiểm tra năng suất

“Sáng sớm mai xuống trung tâm phụ mình đi bẻ ngô với nghe!”-  Lịch thu hoạch được Trần Văn Lâm, lớp trồng trọt K37B, khoa Khuyến nông thông báo qua điện thoại với bạn bè. Đúng 6 giờ sáng, các bạn cùng lớp, cùng xóm trọ của Lâm đã có mặt, ai nấy trong trang phục áo pull, quần cộc để tiện cho việc thu hoạch.

Sau hai tháng theo dõi, “ngâm cứu”chống sâu, rầy, chăm chú xem dự báo thời tiết mỗi tối, nửa sào ngô của Lâm đã đến mùa thu hoạch với năng suất cao. Cả bọn ào ra ruộng ngô đã được chia thành 32 ô, mỗi ô trồng khoảng 25 cây với 16 giống ngô khác nhau.

Mới hơn một giờ đồng hồ mà ngô của từng ô thực nghiệm đã được bẻ xong, cho vào các túi nilon riêng để khảo sát năng suất từng giống. Công việc tiếp theo là bỏ vỏ, xếp thành từng đống có đánh số và không đánh số để so sánh. Mọi người giải lao ngay tại bờ ruộng có mấy dãy bạch đàn che mát với cây ghi ta mượn của Trung tâm và ca nước đá.

Lâm lau mồ hôi trán: “Thế là xong công đoạn một, phải chiêu đãi mọi người món ngô nếp luộc mới được!”. Mượn một chiếc nồi cơm điện, chọn những trái ngô nếp non nhất, thế là được bữa trưa thơm lừng. Phần râu ngô đem ra phơi ở khoảng sân trước trung tâm để… nấu nước uống.

“Đây là những phần không có trong báo cáo đâu!” - Tuấn vừa phơi râu ngô vừa cười khoe. “Có đợt ngô bao tử được mùa, bọn mình đem bán cho các siêu thị, chợ được 15.000 đồng/cân lận. Ở các lớp chăn nuôi thì “tận thu” bằng trứng gà, thịt heo sữa, hoành tráng hơn nhiều!”.

Nghỉ trưa xong, mọi người lại bắt tay vào công việc mới: đếm hạt bắp, đo chiều cao và đường kính bắp để lấy số liệu cho báo cáo. Công việc kết thúc vào khoảng 4 giờ chiều, khi các bắp ngô đã được “khảo sát” xong xuôi, xếp vào túi để… đưa về chia cho bạn bè. Mọi người hẹn nhau tuần sau lại xuống trung tâm, vì “mươi ngày nữa là thu hoạch lạc đó, nhớ xuống nhé!”.

MỚI - NÓNG