Nữ phóng viên người Việt của tờ Kiều dân Hàn Quốc

Nữ phóng viên người Việt của tờ Kiều dân Hàn Quốc
Một vị trí làm việc thú vị của một cô gái thú vị. Nữ phóng viên người Việt duy nhất trong tòa soạn của tờ Kiều dân Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh. Cô là Huỳnh Hoa Thủy Tiên, sinh năm 1985.
Nữ phóng viên người Việt của tờ Kiều dân Hàn Quốc ảnh 1
Huỳnh Hoa Thủy Tiên. Ảnh: Sinh Viên Việt Nam

Mỗi khi cô gái có nước da trắng, má lúm đồng tiền, thường mang váy hoa và mắt kính hồng to bản... đúng kiểu Hàn Quốc ấy bước ra khỏi tòa báo “Kiều dân Hàn Quốc” tại TP Hồ Chí Minh, nhiều người nhầm đó là một cô gái Hàn. Nhưng thực ra đó là Huỳnh Hoa Thủy Tiên là phóng viên người Việt duy nhất của tờ tuần báo Hàn Quốc tại Việt Nam (có lượng phát hành khoảng 1,5 vạn bản mỗi kỳ).

Hồi còn là sinh viên năm 2 ngành Hàn Quốc học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Tiên giành được học bổng du học gần hai năm tại Đại học Trung An, Hàn Quốc, một trường dạy sáng tác nghệ thuật.

Đến xứ Hàn, Tiên có một nickname mới là Ruby. Tiên bật mí: “Người Hàn rất khó gọi tên Tiên. Họ thường đọc là Ti-ên. Thế là, mình và bạn bè thỏa thuận với nhau tên mới. Từ đó, mình được gọi là Ruby”.

Lãng mạn giảng đường

Giống như trong những thước phim Hàn, Tiên đã ngỡ ngàng vì ngôi trường của mình quá đẹp, phong cảnh lãng mạn vô cùng. Trường nằm trên một vùng đồi rộng và thật khó đi bộ hết khuôn viên. Muốn di chuyển giữa các khu giảng đường trong trường, sinh viên phải đi xe buýt.

Khu ký túc xá có những hàng cổ thụ và những chiếc ghế gỗ ngay ngắn làm nơi hò hẹn của các nhóm bạn và những đôi lứa yêu nhau. Đặc biệt, hàng cây Tanphung trong ký túc vào mùa thay lá thì lá bay và rụng đầy lối đi. Với các sinh viên trường sáng tác nghệ thuật dễ rung động, được đi trong trời mưa phùn và sắc vàng, sắc đỏ của lá thì không gì tuyệt bằng.

Sinh viên Hàn rất lãng mạn. Thủy Tiên ấn tượng nhất là một chàng sinh viên tỏ tình rất “bạo”: viết lời tỏ tình ra giấy, photo ra thật nhiều bản dán khắp trường để “công bố” tình yêu.

Cách nhìn cái đẹp trong tình yêu của giới trẻ Việt - Hàn có chút khác biệt. Ở giảng đường Hàn, bạn dễ dàng bắt gặp rất nhiều đôi tình nhân “đôi đũa lệch” nam xấu nữ đẹp hoặc ngược lại. Thế nhưng, sinh viên Hàn vẫn cho là “xứng lứa vừa đôi”, miễn tâm hồn đồng điệu.

Học kiểu Hàn

Đã học tiếng Hàn trước ở Việt Nam, mất 3 tháng để Thủy Tiên làm quen được với ngôi trường mới. Tiên học được ở sinh viên Hàn sự chăm chỉ. Họ phấn đấu học ngay từ những ngày mới vào trường, không bao giờ có suy nghĩ xả hơi khi vào được đại học.

Khác với ở Việt Nam, rất nhiều nhà văn Hàn Quốc làm giảng viên đại học. Giờ giấc học hành cũng khác. Một ngày học tập của sinh viên bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà không có giờ nghỉ trưa. Đổi tiết, các lớp sinh viên chen chân đón xe buýt để đến... giảng đường khác.

Họ tìm đến giảng viên thay vì giảng viên phải di chuyển đến lớp học. Trong các tiết học, sinh viên rất thích thể hiện quan điểm riêng. Buổi tối, sinh viên ở lại thư viện học đến 11 giờ, khi thư viện tắt hết điện, họ mới về nhà.

Làm phóng viên báo Hàn

Nữ phóng viên người Việt của tờ Kiều dân Hàn Quốc ảnh 2
Ảnh: Sinh Viên Việt Nam.

Tiên giỏi tiếng Hàn nên khi một công ty muốn mở tờ báo tiếng Hàn tại Việt Nam, họ tìm ngay đến cô. Từ đó, Tiên viết bài bằng tiếng Hàn, nhận lương tháng bằng USD. Khi mức lương trung bình của sinh viên ngành Hàn Quốc học sau khi ra trường là 350 USD thì lương của Tiên đã gần gấp ba con số đó.

Tiên kể, những ngày đầu chỉ viết được những mẩu nhỏ. Bây giờ đã có thể viết bài lớn nguyên trang. Tuy nhiên, vì báo phát hành miễn phí nên ngoài lương thì không có khoản nhuận bút như báo Việt Nam.

Khi viết bài, Tiên ký tên bằng tiếng Hàn nên không thể có niềm vui mang khoe bạn bè “vì sợ bạn bè xem rồi bảo mình xạo”- Tiên nói. Tuy nhiên, an ủi là độc giả Hàn Quốc trong cả nước biết Tiên người Việt nên rất quý và siêng gọi điện trao đổi.

Ngay những bài viết bình dân về rau cỏ trị bệnh ở Việt Nam, quán cơm “bà đẻ”... được họ quan tâm, gọi điện đến hỏi để tìm mua. Tiên bảo: “Thông qua kênh báo Hàn, mình có thể giới thiệu văn hóa Việt Nam cho rất nhiều người Hàn Quốc ở nước ta”.

Làm việc cho tờ báo Hàn Quốc, Tiên hiểu được cách làm việc rất nghiêm khắc của người Hàn. Nếu nhân viên làm việc không tốt, hình phạt sẽ rất nghiêm khắc: “Không có chuyện bạn nói với sếp rằng tôi không chắc về việc mình sắp làm. Bạn sẽ bị sếp “sạc” ngay!”.

Tiên cũng nhận ra người Hàn rất quý trọng địa vị, danh dự. Cô cho biết: “Mình vừa in tập truyện và tùy bút. Sếp nằng nặc phải viết “khoe” trên báo Kiều dân Hàn Quốc. Bạn đọc Hàn Quốc đọc được thì rất quý. Họ tìm đến tòa soạn nhờ mình ký tặng sách. Họ bảo nhờ tác giả ký tặng là để gởi về Hàn Quốc cho con em... học tiếng Việt”.

Tiên đang cố gắng để có nhiều người Hàn học tiếng Việt hơn. Vì cô luôn tin rằng, ngôn ngữ là cầu nối văn hóa hiệu quả giữa các nước thời toàn cầu hóa.

Theo Xuân Huy
Sinh Viên Việt Nam

MỚI - NÓNG