Nữ sinh và bạo lực: Vết bẩn loang trên áo học trò

Nữ sinh và bạo lực: Vết bẩn loang trên áo học trò
TP - Gõ từ khóa “nữ sinh choảng nhau” sẽ xuất hiện hàng loạt kết quả đau lòng. Người ta choáng váng với nhiều clip nữ sinh tra tấn bạn.

Có vô vàn lý do khiến các vụ ẩu đả của nữ sinh xảy ra, chủ yếu là mâu thuẫn trời ơi đất hỡi như ghen tuông, xích mích yêu đương, lỡ xúc phạm nhau, nhìn đểu, thậm chí là trả thù giúp bạn…

Một nhóm nữ sinh thay nhau đánh, bạt tai, lăng nhục bạn, rồi hồn nhiên chường mặt vào máy quay, tạo dáng cười toe toét để thiên hạ nhìn rõ mặt mình hơn. Clip được đưa lên mạng cách đây 3 tháng của các nữ sinh mặc đồng phục ghi là Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang.

Cách đây khoảng 8 tháng, một nữ sinh bị lột tung áo, bị đánh hội đồng chỉ vì đi chơi với bạn trai của người khác. Những nữ sinh trong đoạn clip dằn mặt đối phương bằng đấm, bạt tai và hàng loạt từ chửi bới tục tĩu.

Điều làm nhóm nữ sinh tỏ ra tức tối và hung hăng hơn là đối tượng bị đánh như thế mà không chịu rơi nước mắt!

Cách đây 4 tháng, đoạn clip nữ sinh loạn đả ở Hưng Yên được tung lên Youtube. Trong clip, nhóm nữ sinh lao vào nhau chẳng khác gì một trận hỗn chiến. Những người vây quanh thì tỏ ra thích thú, hò reo cổ vũ.

Thậm chí có nữ sinh còn dùng giày cao gót làm vũ khí (clip quay về nữ sinh Phú Thọ dùng giày cao gót đánh bạn được đưa lên Youtube cách đây 2 tháng).

Suy giảm giá trị truyền thống

Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG HN) cho rằng đánh nhau không còn là hiện tượng hành xử của riêng con trai với nhau mà lan ra cả con gái.

Hình ảnh nữ tính, nhẹ nhàng từ lời ăn tiếng nói đến hành vi ứng xử với gia đình, nơi công cộng ngày càng bị mai một. Thay vào đó là hình ảnh con gái nam tính nhiều hơn, con trai nữ tính hơn. Giá trị, chuẩn mực xã hội đang bị lệch lạc.

Theo Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, điều này xuất phát từ sự thay đổi kinh tế, ảnh hưởng văn hóa trong khi giới trẻ không nhận thức được đâu là giá trị chuẩn mực.

Ngày trước, một người con gái diện đồ con trai đi ra đường sẽ bị mọi người nhòm ngó, vào lớp bị cô giáo đuổi ra ngoài. Hiện nay, không ai quan tâm nhiều đến điều đó.

Thậm chí, quần áo unisex (phù hợp cho cả nam lẫn nữ) trở thành mốt của giới trẻ. Họ đang tự đánh mất các giá trị truyền thống và không nhận thức được hành vi, đạo đức của mình đang chệch chuẩn.

Còn chuyên gia tâm lý,  BS Đỗ Minh Tuấn (Trung tâm Truyền thông sức khỏe Sở Y tế TP Hồ Chí Minh)  lại cho đây là một hiện tượng rất đáng lo bên cạnh quá nhiều cái đáng lo của giới trẻ.

Hiện tượng nữ sinh dùng bạo lực hành xử bạn đang trở thành xu thế. Nó ngấm ngầm cách đây vài ba năm. Chỉ có số ít vụ được quay và phát tán lên mạng chúng ta mới ngỡ ngàng, đau xót.

Nguyên nhân sâu xa một phần do cách giáo dục của gia đình, nhà trường không đem lại cho đứa trẻ có sự nhìn nhận đúng đắn.

Ví như, bố mẹ bảo con đi ra đường phải đội mũ bảo hiểm mới an toàn, không vi phạm pháp luật, nhưng một số thanh niên lại cho rằng tóc nhuộm màu, vuốt keo thẳng đứng và không đội mũ mới đẹp.

Nếu không có lập trường, phông văn hóa chuẩn mực, họ sẽ bối rối và không biết nên theo cái nào. Điều quan trọng nhất là gia đình và nhà trường phải có giáo dục làm thay đổi tư duy, nhận thức của giới trẻ.

“Tất nhiên đây chỉ là vài vết bẩn nhỏ nhưng chắc chắn chúng đang loang rộng trên chiếc áo trắng học trò. Nếu một cô gái mới lớn chẳng ngại khoe da thịt tự sướng trên mạng thì việc loạn đả trên phố chẳng mất nhiều đắn đo. Ở đây có một triệu chứng xã hội nhức nhối đang định hình”,  BS Đỗ Minh Tuấn nói.

Anh Vũ Thanh Mai, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam:

“Có nhiều ý kiến nghi ngờ đó là clip do chính các nhân vật tự dàn dựng. Tuy nhiên, thật hay giả thì hành động đó đều đáng lên án, vi phạm thuần phong mỹ tục của xã hội, nhất là văn hóa học đường.

Chúng ta không chấp nhận được hành động nữ sinh hành xử bạn, càng không đồng tình với những học sinh khác khoanh tay đứng nhìn, thậm chí cổ vũ hành động đó.

Tôi đề nghị làm đến cùng để phát hiện ra học sinh hành xử đó ở lớp nào, trường nào để có phương pháp kỷ luật, răn đe làm gương cho các bạn khác.

Qua đây, chúng tôi cũng cho rằng gia đình, nhà trường cùng các tổ chức khác phối hợp nhằm có tác động tốt hơn đến đạo đức, lối sống hoàn thiện nhân cách cho các bạn trẻ”.

Ý kiến bên lề:

Lê Đình Hoàng, 17 tuổi, học sinh THPT ở Hà Nội:

Phản cảm

Nữ sinh và bạo lực: Vết bẩn loang trên áo học trò ảnh 1

Trong mắt mình, các bạn nữ ở tuổi 16 - 17 có một cái gì đó hồn nhiên, vô tư, nhẹ nhàng, trong sáng. Ít nhất là các bạn trong lớp, các bạn xung quanh mình đều chưa có biểu hiện nào quá đáng như thế.

Dù biết, đó chỉ là một phần rất nhỏ, có thể các bạn đó thích ngông, chơi trội, thích thể hiện bản lĩnh nhưng hành động đó thật phản cảm.

Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 11 T8 trường THPT Việt Đức (Hà Nội):

Một phần do phim ảnh

Nữ sinh và bạo lực: Vết bẩn loang trên áo học trò ảnh 2

Theo mình, nguyên nhân một phần do các bạn đều ở tuổi chưa có độ chín chắn để suy nghĩ,  và do ảnh hưởng từ phim ảnh. Gần đây, nếu để ý mọi người sẽ thấy trên truyền hình thỉnh thoảng cũng có chiếu cảnh học sinh gọi nhau ra xử lý riêng.

Theo mình, là học sinh, có nhiều cách giải quyết mâu thuẫn, ứng xử có văn hóa hơn.                                                                                   

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.