Nữ sinh viên khoe sắc, đua tài

Nữ sinh viên khoe sắc, đua tài
TP - Trong hai ngày 22 và 23/10, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cuộc thi “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015 diễn ra vòng sơ khảo, thu hút đông đảo nữ sinh đang theo học tại các học viện, đại học và cao đẳng khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tham gia.

Vòng sơ khảo “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015 tại Hà Nội thu hút không ít gương mặt nổi bật trong nhiều cuộc thi tài sắc sinh viên. Tiêu biểu có Nguyễn Nhật Lệ (Học viện Ngoại giao) từng giành danh hiệu Hoa khôi iMiss Thăng Long 2014, Giải nhất tháng cuộc thi ảnh Nữ sinh Ấn tượng do Chuyên trang điện tử Tấm Gương - báo Tiền Phong tổ chức; Thí sinh Phạm Thu Hà (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng giành giải Hoa khôi áo dài iMiss Thăng Long 2015... Chia sẻ lý do tham dự cuộc thi “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015, Nhật Lệ cho biết: “Đây là cuộc thi lớn dành cho nữ sinh toàn quốc, em muốn tham gia để có thêm trải nghiệm nhằm hoàn thiện bản thân và giao lưu với những người bạn mới”.

Thí sinh Lê Thị Hương (sinh viên Trường Đại học Hồng Đức), vượt hơn trăm cây số từ Thanh Hóa ra Hà Nội từ chiều 21/10 để dự thi, cho biết, được sự ủng hộ của gia đình nên đã mạnh dạn đăng ký dự thi. Bà Nguyễn Thị Hạnh - mẹ Hương, chia sẻ: “Mong thông qua cuộc thi, Hương sẽ được học hỏi, giao lưu với nhiều bạn bè trên các miền quê của đất nước, đặc biệt là sự tự tin khi làm bất cứ điều gì”.

Trong vòng thi sơ khảo, các thí sinh phải trải qua các bài thi trắc nghiệm kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội; Kiểm tra nhân trắc học, đo chỉ số nhân trắc; Trình diễn trang phục tự chọn; Giới thiệu bản thân và trả lời câu hỏi ứng xử của Ban giám khảo, gồm: PGS. Tiến sĩ Nhân trắc học Mai Văn Hưng, NSND Minh Hòa và Á hậu Việt Nam 2012 Dương Tú Anh. Đó là những câu hỏi nhanh, tình huống gần gũi trong cuộc sống và chuyên ngành theo học của thí sinh để thử thách sự tự tin, linh hoạt xử lý tình huống.

Đánh giá về các thí sinh dự thi, PGS.TS Mai Văn Hưng cho hay: Thí sinh khu vực miền Bắc năm nay có chiều cao trung bình tốt hơn so với năm ngoái; có tính đầu tư và chuyên nghiệp. Nhiều thí sinh để lại ấn tượng sự duyên dáng thông minh trong giao tiếp ứng xử, hành vi ngôn ngữ cơ thể, dáng đi.

Lời khuyên từ giám khảo

Không chỉ đặt ra những câu hỏi thú vị, các giám khảo còn có nhiều góp ý về cách phát âm, nụ cười, cách giao tiếp... cho các thí sinh. Trải qua vòng sơ khảo diễn ra tại Hải Phòng và Hà Nội, NSND Minh Hòa chia sẻ với các thí sinh: “Đây là cuộc thi dành cho sinh viên, các thí sinh chỉ nên trang điểm nhẹ nhàng hoặc để gương mặt tự nhiên; tránh trang điểm quá đậm vì dễ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của tuổi ô mai. Việc trang điểm nhẹ nhàng sẽ giúp các em khoe được vẻ đẹp tự nhiên nhất, Ban giám khảo cũng nhờ đó dễ quan sát và có đánh giá đúng hơn”.

Bước ra từ cuộc thi sắc đẹp lớn và uy tín là Hoa hậu Việt Nam 2012 và từng làm giám khảo tại nhiều cuộc thi tài sắc sinh viên, giám khảo - Á hậu Dương Tú Anh chia sẻ: “Mỗi khi bước lên sân khấu, các bạn hãy hít một hơi thật sâu và hãy tự tin vào bản thân để trải qua các vòng thi một cách tốt nhất. Đặc biệt, hãy luôn nở nụ cười để mọi người thấy được nét rạng rỡ và sự thân thiện của các bạn”.  

“Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015 có chủ đề  “Vẻ đẹp của sự thông minh”, là cuộc thi tài sắc thường niên dành cho nữ sinh viên Việt Nam, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Sau Hải Phòng, Hà Nội, vòng sơ khảo cuộc thi “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015 tiếp tục diễn ra tại Đại học Y Dược Huế (thành phố Huế) vào ngày 25/10. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.