Nữ thanh niên xung phong 5 lần được gặp Bác

Nữ thanh niên xung phong 5 lần được gặp Bác
TP - Những câu chuyện của 40 năm về trước, với chị vẫn vẹn nguyên là chuyện  của cô gái đôi mươi, cháy bỏng khát khao được cống hiến tuổi xuân của mình cho Tổ quốc. Chị là “Người trong ảnh”, nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế.

Chị sinh năm Canh Thìn (1940). Tuổi thơ chị không biết mặt cả cha lẫn mẹ. Chị lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Cuối năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc trở nên ác liệt. Mặc dù đã có chồng, nhưng chị quyết làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 12 khốc liệt.

182 người của huyện Tuyên Hóa lập thành đơn vị  759, đội 75, công trường 12. Chị là Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 6, gồm 16 chị em. Đơn vị của chị được giao phụ trách đảm bảo giao thông đường 12A đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Những ai đã từng đi qua đoạn đường này trong những năm chiến tranh mới thấu hết sự khốc liệt.

Đây là tuyến đường huyết mạch cực kỳ quan trọng để hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá với một lượng bom đạn khổng lồ nhằm cắt đứt con đường này. Cuối năm 1965, một trung đội quyết tử được thành lập và chị lại được vinh dự làm Trung đội trưởng.

Chị kể: “Mỗi lần vào trận, chúng tôi đều được làm “lễ truy điệu sống”. Biết bao nhiêu người đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này”. Trong năm 1966, ngay tại Km 21, đường 12A, B52 của Mỹ đã mở cuộc không kích ròng rã 45 ngày đêm. 24 đồng đội của chị đã ngã xuống. Chị cũng đã bao lần bị bom dập vùi; máu đổ nhưng đường huyết mạch không bị cắt.

5 lần được gặp Bác Hồ

Tháng 11/1966, chị được cử ra Hưng Yên tập huấn. Chị kể: “Đó là một buổi chiều kiểm tra môn bắn súng. ba lần bắn tôi đều đạt giỏi và xuất sắc. Lúc ấy có ông già râu tóc bạc phơ, đi dép cao su đến gần và hỏi: “Cháu có bí quyết gì mà bắn súng giỏi vậy?”. Tôi hồn nhiên: “Cháu chỉ tự tin, bình tĩnh, nín thở bóp cò thôi ạ”.

Buổi chiều tổng kết lớp, cũng ông già râu tóc bạc phơ ấy lại khen tôi: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi - làm gì cũng giỏi”. Lúc ấy, tôi mới biết đó là Bác Hồ.

Cũng năm 1966, chị lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác. Chị là đại biểu trẻ nhất nên Bác cho ngồi gần và hỏi chuyện: “Đơn vị cháu có mấy người? Công việc có gian khổ lắm không? Anh em sống ra sao?”. Chị trả lời: “Đơn vị cháu có 182 người. Chúng cháu thường bị sốt rét”.

Bác nhắc đồng chí Vũ Kỳ ghi chép, rồi lại hỏi: “Cháu có chồng chưa?”. Chị không dám trả lời thật vì sợ Bác phê bình là tảo hôn. Nhưng Bác biết, Bác hỏi bao giờ thì sinh con. Chị đáp: “Thưa Bác, khi nào hết giặc Mỹ, cháu mới sinh con”. Bác bảo: “Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình”.

Sau lần gặp này lực lượng TNXP toàn quốc hàng tháng mỗi người được thêm 2,5 lạng đường, 2,5 lạng muối; 1 bộ áo quần Tô Châu/năm; riêng chị em có thêm một chai cao ích mẫu.

Lần gặp Bác thứ 3 đó là tại Đại hội Anh hùng toàn quốc vào tháng 1/1967.

Đoàn Quảng Bình có 11 người. Mẹ Suốt là người cao tuổi nhất; chị Trần Thị Lý là người trẻ tuổi nhất. Sau khi được gắn danh hiệu Anh hùng, chị Lý được Bác quàng khăn và tặng một đồng hồ Liên Xô. Chị Huế, chị Lý, mẹ Suốt được chụp ảnh chung với Bác...

Nhưng có lẽ lần gặp Bác xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đó là dịp Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ tư (7/1967).

Chị Huế kể: "Theo phân công, tôi cùng chị Nguyễn Thị Nguyệt - Tổng đội phó Tổng đội TNXP miền Nam vinh dự là người tặng hoa cho Bác. Bác xuất hiện, tôi ào xuống tặng hoa cho Người. Khoảnh khắc ấy bức ảnh hai Bác cháu ra  đời. Bức ảnh được Nhà in Tiến Bộ in thành hàng vạn bản và với tôi nó là gia bảo".

Chị Huế được vinh dự gặp Bác lần thứ 5. Đó là khi chị chuẩn bị lên đường sang thăm Liên Xô. Đoàn của chị được gặp Bác để nghe Bác dặn dò.

Chị Huế kể: "Trước đó đã có cuộc họp báo quốc tế. Có nhà báo hỏi tôi đại ý: “Dũng sỹ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế?”. Tôi đã trả lời: “Tôi tuy nhỏ  nhưng tinh thần không nhỏ. Dân tộc tôi không sợ kẻ thù lớn. Lớp này hy sinh đã có lớp khác lên thay...”. Nghe chuyện, Bác khen tôi trả lời hay, vừa thông minh vừa đanh thép".

Lúc này đây, với thương tật vĩnh viễn 25%, chồng mất sớm, chị tần tảo một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn thành người. Người con cả của chị, vinh dự thay cũng đang có mặt thi công con đường 12A thời kỳ công nghiệp hóa. Hiện chị đang sống cùng 2 đứa cháu trong ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm một thời hào hùng. Chị chỉ mong thế hệ kế tiếp không làm buồn những đồng đội của chị đã ngã xuống và đổ máu xương cho con đường này. 

MỚI - NÓNG