Nữ sinh nhận học bổng của Bill Gates

Nữ sinh nhận học bổng của Bill Gates
Nguyễn Ngọc Hòa - cô sinh viên Việt Nam sống tại Mỹ là người giành được nhiều học bổng của Mỹ, trong đó có học bổng của Bill Gates.
Nữ sinh nhận học bổng của Bill Gates ảnh 1
Nguyễn Ngọc Hòa

Đang hè, nhưng Hòa vẫn rất bận rộn cho 2 khóa học thêm. Từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối mỗi ngày, cô làm phục vụ bàn tại một nhà hàng Nhật tại Mỹ. "Cũng hơi cực", Hòa cười nhỏ nhẹ. Nhắc đến chuyện học bổng Bill Gates, Hòa lắc đầu không cho mình là "giỏi".

Mặc dù năm đó (2002), trường đề cử 3 người và Hòa nằm trong số 2 người Việt Nam, nhưng chỉ có mình Hòa được duyệt.

Hòa cho biết một năm Quỹ học bổng Bill Gates cấp cho khoảng 1000 học sinh được chọn trong 50 tiểu bang của Mỹ. Ở tiểu bang South Carolina thì Hòa là người Việt đầu tiên được học bổng.

Để nhận được học bổng, "thí sinh" phải vượt qua nhiều chặng. Đầu tiên là cố vấn của trường đề cử. 3 cô giáo của trường viết thư nhận xét chi tiết học sinh "ưu" như thế nào. Sau đó bản thân học sinh phải làm đơn xin học bổng.

Hòa nhớ "phải điền khoảng 20 hay 23 trang, trong đó phải trả lời những câu họ hỏi và điền điểm học, điểm SAT (điểm học từ lớp 10 - 12 phải thi để xin vào đại học).

Ngoại trừ Y khoa, học bổng Bill Gates giúp sinh viên học miễn phí 5 năm đại học. Nếu sinh viên muốn lấy bằng tiến sĩ cũng sẽ được tài trợ. Nguyễn Ngọc Hòa hiện đang là sinh viên năm 3 ngành Biology (Sinh vật học) của trường Đại học South Carolina.

Ngoài học bổng Bill Gates, cô sinh viên bé nhỏ này còn nhận được 2 học bổng của bang South Carolina. Từ 3 nguồn học bổng, trừ tiền học phí ra mỗi năm Hòa cũng có một khoản kha khá để bỏ "ống heo".

"Bí kíp" để giành được học bổng của Hòa rất đơn giản: "cố gắng học và dành thời gian tham gia công tác xã hội. Em nghĩ có nhiều người cần đến sự giúp đỡ của mình, nếu mình giúp được ai thì cứ giúp".

Ngọc Hòa rất thích tham gia hoạt động từ thiện. Chính công việc này đã giúp Hòa "ghi điểm" với nhà tài trợ. Cô đã làm thông dịch viên cho bạn của mẹ, đi làm ở bệnh viện, viện dưỡng lão...

Những công việc này không lạ với Hòa, vì cô đã lấy được bằng CNA (Certified Nursing Assistant) từ năm học lớp 12. Hè này vì đăng ký trễ nên Hòa không kịp tham gia các hoạt động từ thiện như mọi năm.

Nữ sinh nhận học bổng của Bill Gates ảnh 2

22 tuổi, Ngọc Hòa đã có 12 năm sống trên đất Mỹ. Gia đình cô (cha mẹ, Hòa, chị và em gái) sống tại tiểu bang South Carolina. Nhớ lại những ngày đầu ở Hoa Kỳ, Hòa mới thấy sự hạn chế chung của người Việt mới nhập cư vẫn là ngôn ngữ.

Lớp 4, Hòa học tại trường Hollis Elementary theo chương trình ESL (English as a Second Language) dành cho người mới nhập cư. Đến lớp 5, cô bé được chuyển đến Middle School. Tới nửa năm lớp 6 thì vốn tiếng Anh đã đủ để đưa Hòa sang học ở trường Mỹ, có thể tự mình thông dịch và giúp cho ba mẹ trong các việc như thông dịch giấy tờ, đi ngân hàng, đến bác sĩ, đi sửa xe,...

Cuộc sống gia đình là một động lực để Hòa phấn đấu vươn lên. Ba mẹ Hòa làm công nhân tại một hãng đồ nhôm của Mỹ. Dậy từ lúc 5 giờ 30 và đi làm đến 4 giờ chiều ba mẹ Hòa mới về nhà nghỉ.

"Em thấy có nhiều người Mỹ nể người Việt Nam mình. Tại vì có nhiều người Việt mình qua đây làm giàu rất dễ, học hành cũng giỏi. Và người Việt chịu khó, cần cù lắm", Hòa kể mà giọng không giấu được niềm vui. Cô sinh viên trường Đại học South Carolina vẫn còn nhớ niềm hãnh diện "hồi nhỏ" khi được cô giáo tin tưởng nhờ dạy lại Toán cho các bạn cùng lớp.

Rồi khi học ở trường Middle School, hễ có cuộc thi nào là bạn bè đều muốn dành Hòa vào đội cho bằng được để... chắc thắng. Tôi đùa: "Hòa học dữ quá nên mới mi-nhon vậy phải không?".

Cô cười bẽn lẽn và kể với giọng hồn nhiên: "Từ lớp 6 trở lên em học rất nhiều. Học riết mà ba em kêu hổng học nữa, đi ngủ đi. Vì lúc đó em phải cố gắng lấy bằng khen về. Em nhớ từ lớp 6 trở lên, lúc nào phát bằng khen em cũng có nhiều hết. Mấy đứa bạn Mỹ cứ nói là tại sao em lấy hết bằng của nó".

"Phải học cho thiệt giỏi chị à", Hòa tâm sự: "Muốn trở thành bác sĩ ở Mỹ khó lắm. Học hết đại học em sẽ ôn thi vào ngành Y. Mai mốt còn về Việt Nam để khám, chữa bệnh cho người nghèo nữa. Còn ở Mỹ thì em sẽ bớt tiền khám bệnh, hoặc khám miễn phí cho người nghèo".

"Em muốn là một người hữu ích và làm một cái gì có thể giúp cho người khác, hổng cần phải giàu làm chi", đó là lời kết chuyện của Hòa khi chúng tôi chào tạm biệt nhau. Giờ nghỉ của cô sinh viên này thường chỉ bắt đầu khi chuyển sang ngày mới, lúc cô cảm thấy mọi việc của ngày hôm nay đã ổn.

Theo Pha Lê
Người Viễn Xứ

MỚI - NÓNG