“Ông chủ” bánh tẻ sạch

“Ông chủ” bánh tẻ sạch
Đang là sinh viên khoa Tin - ĐH Mở Hà Nội, Trần Trí Cường rẽ ngang đi làm. Đang đi làm ở vị trí quan trọng với mức thu nhập khá, Cường lại từ chối để kinh doanh... bánh tẻ.

Cái thứ bánh dân dã ở Hà Tây đã hút hồn chàng trai gốc Hà Nội để có cuộc khởi nghiệp đầy gian nan, nhưng cũng không kém phần thú vị.   

Từ chối tiền triệu và chịu lỗ

Nâng niu chiếc bánh thuôn dài, Cường kể: “Khi còn là sinh viên, một lần được về nhà người bạn ở Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Tây) mình được nếm thử: ngon, thơm ngậy nhưng không ngấy, đặc biệt là rất sạch nên “chiến” liền tới 4 cái. Từ đó về, cứ mê mẩn ý tưởng mang chiếc bánh tẻ này lên phố”.

Đang học năm thứ 2, Cường bỏ dở đi làm thêm lấy tiền nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh. Khởi nghiệp làm marketing, chỉ sau 8 tháng làm việc có hiệu quả, Cường được lên bộ phận kiểm tra nhân viên ở một Cty thức ăn và dinh dưỡng của Mỹ có trụ sở tại Việt Nam.

Đặc thù công việc được đi một số tỉnh, trong đó có Sơn Tây, Cường lại say mê tìm hiểu công đoạn làm bánh.

“Tôi được vợ chồng cô chú Phương - Tiến giúp đỡ tận tình từ khâu ngâm gạo cho tới gói bánh, rồi họ chỉ bảo cả bí mật nghề nghiệp như nhập nguồn gạo, lá gói…ở đâu nữa. Thậm chí, khi mở xưởng sản xuất, họ tình nguyện lên Hà Nội giúp tôi cả tháng trời” - Cường kể.

Với mức thu nhập lúc đó (năm 2003) tới 4 - 5 triệu đồng/tháng, quyết định nghỉ việc làm bánh tẻ của Cường bị nhiều người cho rằng …điên. Thời gian đầu bắt tay vào làm bánh, mỗi ngày xưởng của Cường chỉ làm và bán được có 80 chiếc, giá bán buôn 1500 đ/cái, không đủ tiền trả lương cho công nhân.

Thế là bao nhiêu tiền tích trữ cũng không đủ bù lỗ, bạn gái (vừa trở thành vợ Cường cách đây 6 tháng) đã phải bán hết nữ trang ủng hộ người yêu. Tuy nhiên, thua lỗ chỉ kéo dài trong 3 tháng…

Thương hiệu “bánh tẻ sạch”

Bánh tẻ Phú Nhi không sử dụng bất cứ loại phụ gia nào nên ăn có vị ngọt và độ dai của gạo xay nhuyễn, vị thơm ngậy của nhân thịt, mộc nhĩ…Chính vì muốn giữ nguyên vị nên bánh tẻ Cường sản xuất chỉ sử dụng trong thời gian 24 tiếng đồng hồ.

“Bánh thường bán chạy vào mùa đông. Ngày hè có lúc phải hủy cả trăm cái vì bán chưa hết và quá hạn dùng. Xót công, xót của lắm nhưng đã là bánh sạch thì mình phải giữ uy tín đó đối với khách hàng đến cùng” - Cường tâm sự.

Bước đầu tiên đánh dấu chỗ đứng của bánh tẻ sạch của doanh nghiệp tư nhân Trần Trí trong lòng khách hàng là tại Hội chợ Ẩm thực được tổ chức vào ngày 30/4 và 1/5 vừa qua tại Hà Nội.

Phần thưởng xứng đáng không chỉ bánh chạy hết veo, xưởng làm gấp đôi công suất mà cả vì lời bình luận của phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội: Gian hàng bánh tẻ sạch bán chạy nhất hội chợ.

Làm kinh doanh, phương châm đối với Cường là bảo vệ và khẳng định thương hiệu kết hợp với đủ tiền trả lương cho nhân viên rồi mới tính chuyện lời lãi cho mình.

Và giấc mơ, khát khao ấy của Cường đã có cơ sở vững chắc khi 8 điểm tiêu thụ tại: phủ Tây Hồ, chợ Thanh Xuân Bắc, Khương Trung, Nghĩa Tân…đang có số lượng tiêu thụ ngày một tăng, từ  80 chiếc rồi đến 200 chiếc, 500 chiếc và hiện nay lên đến 2000 chiếc/ngày. Riêng điểm bán ở phủ Tây Hồ có ngày lên tới 1000 chiếc.    

Cường đang phấn đấu đến cuối năm mở thêm 12 điểm, nâng tổng số điểm bán trên Hà Nội và các vùng lân cận lên 20 điểm bán và giới thiệu sản phẩm bánh tẻ sạch.

Khách hàng bắt đầu quen với món ăn dân dã, thu nhập dư sức trả lương cho 11 nhân viên và gần 10 nhân công thời vụ khác.

Xưởng sản xuất của “ông chủ”  mà cách đây hơn một năm vừa phải làm chân gói bánh, đưa hàng đã rục rịch cho lãi. Tôi hỏi vui: “Vậy đã hoàn trả vốn cho bà xã chưa?”. Cường tươi cười: “Vốn đặc biệt” đó đã trả…trong lễ cưới đầu năm rồi.

MỚI - NÓNG