Ông chủ trẻ “đi” cùng nạng gỗ vào thương trường

Ông chủ trẻ “đi” cùng nạng gỗ vào thương trường
TP - Gia đình nghèo, đông anh em, thân thể lại tàn tật, nhưng bằng nghị lực mạnh mẽ Trần Văn Diệu (thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) không những đã tự đứng vững trên đôi chân  tật nguyền mà còn là ân nhân của nhiều số phận thiếu may mắn.

Vừa chào đời, Diệu đã phải mang một thân hình không lành lặn. Đôi chân bé xíu, cử động hết sức khó khăn. Lên 5 tuổi cậu vẫn phải nằm ngồi một chỗ như trẻ mới lọt lòng. Nhà nghèo, bố mẹ lại ốm yếu nên dù có thương con cũng đành nhìn con mà rơi nước mắt.

Được cái Diệu rất sáng dạ. Hằng ngày thấy bạn bè cùng trang lứa đến trường  là Diệu lại đòi bố mẹ đưa đi học. Thương con, bố mẹ hằng ngày thay phiên nhau cõng Diệu đến trường. Những hôm không có ai cõng đến trường, Diệu khóc suốt ngày.

Từ sự khao khát được đi lại như mọi người, không muốn mình là gánh nặng, lên 6 tuổi Diệu bắt đầu tập đi. “Chúng tôi sắm đôi nạng gỗ và hằng ngày tập đi cho nó. Lúc đầu hễ đứng lên là nó ngã nhào, xây xước mặt mày, nhưng nó vẫn quyết tâm tập đi cho bằng được” - Ông Trần Văn Quý, bố Diệu, kể lại.

2 năm sau Diệu đã tự đi lại được bằng nạng. Từ đó Diệu tự đến trường và  và giúp đỡ gia đình những công việc phù hợp. Chăm học  lại sáng dạ, nên Diệu học  giỏi. Thầy cô  và bạn bè ai cũng phải tấm tắc trước khả năng giải toán của Diệu. Uớc mơ trở thành thầy giáo dạy toán khi lớn lên trong Diệu được nhen nhóm từ  đây. Nhưng rồi ước mơ đó đã bị một thực tế cản trở, đó là gia đình Diệu quá nghèo. Học hết lớp 9, Diệu  quyết định đi học nghề mộc.

“Lúc đầu chúng tôi phản đối vì thấy nghề mộc nặng nhọc, không phù hợp với sức khỏe của nó, nhưng trước sự quyết tâm của nó chúng tôi đành phải chịu” - Bà Võ Thị Huyền, mẹ Diệu, kể.

Diệu khăn gói vào xưởng mộc của anh Phạm Văn Thọ ở Ái Tử (Triệu Phong) để học nghề. “Làm mộc mà phải đứng bằng nạng gỗ, nên lúc đầu thầy không nhận. Sau thấy hoàn cảnh mình khó khăn, thầy đã giúp đỡ và cho ăn ở miễn phí, còn trả lương nữa” - Diệu vui vẻ nói.

Đến  “xưởng mộc tình thương”

Sau 3 năm học nghề, Diệu đã trở thành thợ giỏi. Anh  quyết định vay vốn  về mở xưởng mộc ngay tại nhà mình. Lúc đầu Diệu mời một số thợ giỏi về làm tại xưởng, chất lượng sản phẩm tốt nên ngày càng nhiều khách hàng tìm đến. Diệu nghĩ đến việc giúp đỡ  những người cùng cảnh ngộ và con em những gia đình nghèo trong vùng.

Anh đưa họ về dạy nghề và tạo công ăn việc làm. Nhiều người tàn tật  từ chỗ bi quan và tự ti đã có chỗ  học nghề và rất chóng tiến bộ, trở thành thợ chạm khắc, thợ mộc  lành nghề, có thu nhập ổn định, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn có điều kiện giúp đỡ gia đình. Một số con em gia đình nghèo phải bỏ học giữa chừng cũng được Diệu đưa về dạy nghề và tạo công ăn việc làm.

Nguyễn Mạnh Phú (sinh năm 1984), người bị bại liệt hai chân, phải đi lại bằng nạng gỗ là một trong những người đầu tiên được Diệu đưa về dạy nghề. Hiện nay, Phú đã trở thành thợ lành nghề và là một trong những thợ giỏi của xưởng.

“Mình chỉ mong làm ăn tấn tới hơn nữa để có điều kiện giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn. Thời gian tới mình sẽ mở rộng thêm xưởng mộc để còn đưa một số anh em về  dạy nghề  cho họ làm. Còn nhiều người khuyết tật mà mình chưa có điều kiện giúp đỡ, họ rất muốn sống bằng đôi tay của mình” - Diệu tâm sự. 

MỚI - NÓNG