Ông chủ trẻ và những sáng tạo xử lý rác

Ông chủ trẻ và những sáng tạo xử lý rác
TP - Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong THPT vào năm 2004, anh Mai Ngọc Hưng (SN 1984) ở xã Phú Bình, huyện Tân Phú (Đồng Nai) ở nhà phụ giúp cha mẹ lo kinh tế gia đình.

Ngoài việc làm nông, Hưng còn cùng gia đình quyết định thu gom rác là các loại bao nilon bán cho các cơ sở nhựa tái chế.

Ông chủ trẻ và những sáng tạo xử lý rác ảnh 1
Mai Ngọc Hưng với những chiếc máy của mình 

Ban đầu, Hưng tự tay đi thu gom rác nilon về và làm sạch, bán cho các cơ sở thu mua, về sau công việc thuận lợi, Hưng tổ chức thu mua nilon phế thải và thuê nhân công cùng làm việc.

Từ chiếc máy phóng lúa cũ của gia đình, Hưng đã cải tiến lại thành chiếc máy giũ tạp chất. Nguyên liệu thô là các túi nilon được đưa vào máy giũ sạch tạp chất đất cát. Hưng cho biết, mỗi giờ máy tách tạp chất được 300 kg nguyên liệu, đạt gấp đôi năng suất so với việc công nhân giũ bằng tay.

Thành công với máy tách tạp chất, Hưng lại làm ra chiếc máy giặt rửa bọc nilon. Nilon từ máy băm được đưa trực tiếp vào máy giặt rửa sạch.

Trước đây khi chưa có máy giặt rửa, thì công đoạn này cần 4 công nhân, năng suất dưới 500kg thành phẩm/ngày. Từ khi chế tạo ra máy giặt rửa này, Hưng chỉ cần một công nhân vận hành mà năng suất đạt trên 1 tấn thành phẩm/ngày.

Đến năm 2009, Hưng lại làm ra chiếc máy vắt khô nguyên liệu, với chiếc máy thứ ba này, thay vì nguyên liệu sau khi rửa sạch thì phải phơi hai ngày, thì chỉ cần phơi một buổi là đóng bao hoàn thành thành phẩm.

Hưng bật mí, mình đang tìm cách làm thêm chiếc máy sấy nguyên liệu nữa là khép kín các công đoạn. Ngoài những hữu ích cho công việc, điều Hưng vui mừng hơn là những chiếc máy của anh đã được Sở Khoa học công nghệ Đồng Nai trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật.

Đầu năm 2010, Sở Khoa học công nghệ đưa công trình sáng tạo của Hưng dự thi giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

 Hiện nay cơ sở thu mua, sản xuất phế liệu của Hưng và gia đình đã tạo công ăn việc làm ổn  định cho 20 thanh niên ở địa phương với mức thu nhập bình quân 50 ngàn đồng/ngày cho mỗi công nhân.

Hiện, anh là phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên xã Phú Bình, các công nhân sản xuất tại cơ sở của Hưng cũng là các hội viên.

Để nâng cao thu nhập cho công nhân, năm 2007 Hưng đã mạnh dạn đứng ra vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm thanh niên cho 10 hội viên đang làm việc tại cơ sở của mình, nguồn vốn vay được góp vào cơ sở của Hưng, đến nay ngoài lợi nhuận từ đầu tư vào sản xuất, các hội viên đã trả được 70% vốn vay.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.