Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình

Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình
TP - Lấy bằng kỹ sư, rồi thạc sỹ ngành điều khiển tự động tại Pháp, Phạm Gia Vinh về nước mở công ty sản xuất máy bay mô hình được xem là đầu tiên ở miền Bắc để xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước.
Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình ảnh 1
Phạm Gia Vinh bên những chiếc máy bay mô hình

Lần đầu tiên tôi gặp Vinh ở xưởng chế tạo máy bay mô hình nằm ở một ngõ nhỏ gần Cầu Diễn (Hà Nội) cách đây vài tháng. Trong xưởng nóng nực, Vinh quần áo bết mồ hôi tự điều khiển máy cắt các bộ phận máy bay bằng gỗ.

“Anh em thợ chưa làm được vì đây là những chi tiết khó, phải tuân thủ điều kiện sản phẩm hàng không. Tôi làm trước hướng dẫn anh em dần” - Vinh nói trong lúc tôi chờ anh kết thúc công việc.

Giờ thì anh đã có hẳn một nhà máy sản xuất ở khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên). Công ty của anh, liên doanh với công ty máy bay mô hình Model International Distribution (MID - Pháp), có tên gọi Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang. Tên công ty được lấy từ tên ông ngoại Vinh, Đại tá Võ Đông Giang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư.

Đam mê

Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình ảnh 2
Pham Gia Vinh và chiếc trực thăng mô hình ở khu vực bay ngoại ô thành phố Rennes (Pháp)

Sinh năm 1983 trong một gia đình có truyền thống ngoại giao, từ năm học lớp 3, Phạm Gia Vinh theo bố mẹ sang Đức trong thời gian họ công tác tại đây.

Từ bé, Vinh đã đam mê máy bay, thích sửa chữa tivi, đầu video, đồ điện tử. Sang Đức, bố mẹ tặng Vinh chiếc mỏ hàn và một mạch điện tử. Từ đó, Vinh khao khát chế tạo được chiếc máy bay có thể bay trên bầu trời.

Về nước học xong THPT, Vinh sang thành phố Rennes (Pháp) học ở Học viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia (INSA de Rennes) chuyên ngành điện tử - tin học công nghiệp (điều khiển tự động), rồi học tiếp cao học tại trường đại học Paris 12 cũng chuyên ngành này để thực hiện ước mơ của mình.

Thời gian thực tập, anh xin vào các công ty sản xuất máy bay mô hình, trong đó có MID, công ty liên doanh với công ty của Vinh hiện nay, học hỏi kinh nghiệm để về nước mở nhà máy sản xuất.

Ở Pháp, Vinh còn là tay chơi máy bay trực thăng mô hình cự phách. Phạm Gia Vinh là Chủ tịch CLB Mô hình Hàng không tại trường INSA de Rennes suốt 5 năm học. Anh được cấp chứng chỉ huấn luyện viên và chứng chỉ bay biểu diễn.

Hầu như chưa có đối thủ

Những lô hàng máy bay mô hình đầu tiên do Công ty Đông Giang của Vinh sản xuất vừa được xuất đi Pháp. Sản phẩm là máy bay cánh cố định bằng gỗ và composite.

Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình ảnh 3
Công nhân lắp ráp máy bay mô hình cánh bằng

Theo Vinh, mục tiêu trước mắt là xuất khẩu đến 95 phần trăm sản phẩm. Trong khi đó, hãng vẫn đang nghiên cứu chiến lược phát triển thị trường trong nước với khách hàng tiềm năng là thanh thiếu niên.

Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình ảnh 4 Thị trường máy bay mô hình rất tiềm năng nên việc mở công ty chế tạo sản phẩm này là một hướng đi tốt.

Ở phía Nam có hai cơ sở sản xuất máy bay mô hình và sản phẩm cũng đang được xuất khẩu.

Là thành viên chủ chốt của CLB Hàng không phía Bắc, Phạm Gia Vinh có niềm đam mê rất lớn đối với lĩnh vực này.

Anh luôn là một trong những thành viên tích cực nhất cho những đợt tổ chức bay phong trào. Ông chủ trẻ xuất khẩu máy bay mô hình ảnh 5  - Trung tá Dương Quý Đôn - Phó Chủ nhiệm CLB Hàng không phía Bắc

“Các CLB chơi máy bay mô hình đang nở rộ ở những thành phố lớn”, Vinh cho biết công ty anh còn hướng tới phục vụ quốc phòng của đất nước bên cạnh mục đích kinh tế.

Đến thời điểm này, Vinh hầu như chưa có đối thủ cạnh tranh. “Đó cũng chính là khó khăn của chúng tôi. Công ty rất khó tuyển công nhân vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Thợ vừa phải có kỹ năng làm mộc, vừa phải hiểu biết về kỹ thuật hàng không. Thêm vào đó, công nhân ít có điều kiện học hỏi kinh nghiệm” - Vinh tâm sự.

Đã có nhiều đại diện CLB máy bay mô hình đến đặt hàng Phạm Gia Vinh máy bay trực thăng mô hình. Sản phẩm này đang rất được ưa chuộng và lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng.

Máy bay trực thăng mô hình hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc theo những kênh nhỏ lẻ. Nếu có trục trặc gì, khách hàng đành phải chờ rất lâu mới nhận được chiếc máy bay yêu thích.

“Một máy gia công CNC loại xoàng mua tại Trung Quốc cũng đã khoảng 20.000USD trong khi, để làm trực thăng, cần ít nhất bốn đến năm máy như vậy. Thêm nữa, chi phí vật liệu làm các chi tiết cũng rất cao.

Ngoài ra, cần chi phí nghiên cứu, thiết kế các chi tiết rất tinh vi, phức tạp vì nguyên lý hoạt động của trực thăng mô hình khá giống với trực thăng thật” - Vinh cho biết lý do chưa sản xuất được máy bay trực thăng. Tuy nhiên, anh vẫn khẳng định công ty mình có khả năng sản xuất và sẽ sản xuất trong tương lai.

Nghiên cứu sản xuất máy bay bay tự động loại nhỏ

Công ty Đông Giang của Phạm Gia Vinh đang nghiên cứu sản xuất máy bay bay tự động loại nhỏ. Theo Vinh, công ty có đủ thiết bị và nghiên cứu đang có những tín hiệu rất khả quan.

“Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ cho bay thử loại máy bay này, trước mắt là hệ thống ổn định tự động” - Phạm Gia Vinh khẳng định. Bước đầu, sản phẩm sẽ hướng vào thị trường trong nước với mục đích phục vụ quan trắc, khảo sát, nghiên cứu.

Máy bay tự động loại nhỏ rất ít được sản xuất bởi công nghệ phức tạp. Đầu năm nay, Công ty Prox Dynamics (Na Uy) vừa chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng không người lái Hornet-3a có kích cỡ bằng bao thuốc lá, nặng 15g. Chiếc trực thăng được đánh giá sẽ rất hữu dụng ở các địa hình khó tiếp cận và trong các môi trường đặc biệt.

MỚI - NÓNG