'Ông đồ' 8X

'Ông đồ' 8X
TP - Với quần jeans, áo kẻ ca rô, giầy thể thao và lại… và lại đang học ngành thời thượng CNTT, nhưng Trần Thanh Bình đã khiến mọi người bất ngờ bởi khả năng viết thư pháp tiếng Việt.

Tôi gặp Bình tại một quán cà phê nhạc Trịnh vào buổi chiều cuối tuần. Bình tâm sự:

“Em đến với nghệ thuật thư pháp rất tình cờ. Bố mẹ đều phục vụ trong quân đội, công tác tại TPHCM. Từ nhỏ, em  sống cùng ông nội tại Nam Định. Ông em là nhà nho nên em đã được làm quen với thư pháp từ nhỏ”.

Lớn lên, Bình lên Hà Nội học đại học. Những ngày đầu xa nhà Bình nhớ ông nội da diết. Cậu quyết định đi làm thêm kiếm tiền, để hè về sẽ mua tặng ông bộ bút lông. Nhưng khi dự định chưa hoàn thành thì ông mất. Từ đó, Bình quyết tâm nghiên cứu nghệ thuật thư pháp để chuộc lỗi với ông nội.

Bình tâm sự, nghệ thuật thư pháp không đơn thuần thể hiện cái đẹp mà ẩn chứa ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa tâm linh. Thư pháp cổ thường sử dụng Hán ngữ làm phương tiện. Ngày nay, tiếng Hán cổ dường như quá xa lạ với những người Việt Nam trẻ tuổi. Vì vậy sẽ rất khó để đem thư pháp Hán giới thiệu cho giới trẻ hiện nay.

Họ treo chữ “Tâm”, chữ “Nhẫn” mà không biết ý nghĩa sâu xa của nó. Chữ Nhẫn - dưới là Tâm, trên là bộ Đao, thể hiện con người khi nhẫn nại, tim phải chịu đau đớn. Không hiểu được điều này thì mới chỉ cảm nhận được phần mỹ thuật mà chưa nhìn thấy phần hồn, phần khí của con chữ.

Chữ quốc ngữ đơn giản hơn nhiều. Thư pháp quốc ngữ vừa truyền tải được nội dung, vừa đẹp, đặc biệt là mang hồn dân tộc thể hiện sâu sắc những giá trị truyền thống. Thế nên mặc dù mới chỉ du nhập vào Việt Nam những năm gần đây, nhưng nghệ thuật thư pháp đã được đông đảo giới trẻ đón nhận.

Phổ biến thư pháp trong giới trẻ

Trần Thanh Bình đang nỗ lực cùng những ông đồ @ khác phổ biến thư pháp trong giới trẻ. Bình cho biết: “Ban đầu các bạn trẻ đến học với sự tò mò về loại hình nghệ thuật vốn có từ lâu nhưng lại rất mới mẻ với tuổi trẻ, dần dà họ bị cuốn hút bởi những vẻ đẹp huyền ảo cũng như nhiều kiến thức về văn học, lịch sử và những giá trị giáo dục mang tính triết lý của nghệ thuật thư pháp”.

Trước đây, Bình hay đến những nơi có đông sinh viên để viết thư pháp tặng cho họ nhưng hiện nay công việc của Bình khá bận. Bình đang dạy thư pháp cho Câu lạc bộ những người yêu thích thư pháp tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Mới đây Bình được mời về dạy môn thư pháp tiếng Việt tại Học viện Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bình đang gấp rút hoàn tất việc xây dựng mô hình ngôi nhà văn hoá truyền thống tại 365 Nguyễn Khang. Dự định, đến tháng 9/2007, công trình Ngôi nhà văn hóa truyền thống sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động, nhằm giới thiệu không chỉ thư pháp mà cả những loại hình văn hoá phi vật thể khác như ca trù…

Bình cho rằng: “Giữ gìn phải đi liền với phổ biến, nếu có một vật quý đến đâu nhưng anh cất kỹ không cho ai xem thì cũng sẽ bị mai một, nhất là đối với các giá trị văn hóa phi vật thể. Đây sẽ là nơi để các bạn trẻ yêu thích dân ca quan họ, hát tuồng, chèo, ca trù có thể cảm nhận và học tập. Nếu địa điểm này thành công, em sẽ mở rộng ra nước ngoài, tại những nơi có đông người Việt Nam sinh sống”.

Chia tay tôi, Bình vội vã đi cho kịp giờ lên lớp. Xin ghi lại nguyên văn lời tâm sự của Bình thay cho lời kết bài viết này: “Tôi muốn khẳng định với bạn bè trên thế giới rằng: Giới trẻ Việt Nam hôm nay không những giỏi công nghệ thông tin mà còn am hiểu và biết trân trọng những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam”. 

MỚI - NÓNG