'Ông đồ 8X' bên chợ đông người qua!

'Ông đồ 8X' bên chợ đông người qua!
TP - Giữa Hội chợ dành cho những nghệ nhân đông đúc hay chợ đêm sinh viên, Thành Đồng vẫn miệt mài ngồi vẽ chữ cho khách. Dân ta chơi thư pháp, Tây cũng thích thú với kiểu chơi chữ để tâm hồn được sáng trong.

Thành Đồng là sinh viên năm thứ 2 khoa Đạo diễn (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh) nhưng lại “hành nghề” tay trái là viết thư pháp phục vụ những người yêu thích môn chơi chữ trong thời công nghệ số.

Bên cạnh viết thư pháp để kiếm thêm thu nhập trang trải cho quá trình học tập, Đồng luôn mong muốn lưu giữ viết thư pháp như một thú chơi riêng của mình. Có thể nói, trong số khá nhiều người trẻ đang tìm đến với thư pháp để giữ nét truyền thống đân tộc, Thành Đồng là người luôn cố gắng và có tâm huyết với từng nét bút.

Thành Đồng sinh ra ở vùng quê nghèo Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Từ nhỏ, Đồng đã quen với cảnh ngư dân làm ăn ở cửa biển đầu sóng, ngọn gió. Những cảnh sinh hoạt đó luôn để lại ấn tượng trong trí óc Đồng.

Với lòng yêu thích vẽ, từ nhỏ Đồng luôn tự tìm tòi cầm bút vẽ cảnh sinh hoạt của người dân xóm chài ở quê hương. Lớn lên Thành Đồng vẫn giữ được lòng yêu nghệ thuật, dù bố mẹ làm nghề may.

Học hết lớp 12, Thành Đồng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Thanh Hóa. Trong quá trình học Đồng thích viết thư pháp nên bên cạnh luyện vẽ, Đồng luyện luôn thư pháp.

'Ông đồ 8X' bên chợ đông người qua! ảnh 1

Tốt nghiệp cao đẳng, chờ việc mãi mà chẳng đến phần mình Đồng nảy ra ý nghĩ tại sao mình không viết thư pháp để bán cho những người thích chơi chữ treo trong nhà.

Nhưng ở đất Thanh Hóa thì có mấy ai chơi thư pháp. Đồng nghĩ, thử ra Hà Nội để viết xem sao, đất văn vật không thể ít người chơi thư pháp. Rời quê nghèo, Đồng ra Hà Nội lều chõng viết thư pháp bán ở nhiều nơi.

Thấy lượng người chơi thư pháp và sẵn sàng bỏ tiền mua các bức thư pháp vẫn còn nhiều, Đồng mừng thầm trong lòng vì đã tìm được “thị trường” cho sản phẩm văn hoá của mình.

Quan trọng hơn là hầu hết trong số những người “mua chữ” Đồng viết đều là những người trân trọng chữ và nghĩa. Đồng lại thi vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, học làm đạo diễn.

Trong sáng với từng nét bút lông

Ngày ngày đi học, cuối tuần, Đồng lại lều chõng đi vẽ, đi sinh hoạt câu lạc bộ những người yêu thích thư pháp. Nơi Đồng ngồi vẽ nhiều nhất vẫn là chợ đêm sinh viên, nơi tụ tập rất nhiều sinh viên.

Ở Hà Nội này, công việc viết chữ luôn làm phong phú tâm hồn con người, mỗi người đến mua chữ của Đồng đeu mang theo một câu chuyện hấp dẫn không kém những trang sách viết về cuộc đời.

Có người gặp Đồng chỉ nhờ viết mỗi một chữ, nhưng đó là tất cả những gì họ thấy tâm đắc nhất mà viết ra: Người mong muốn làm ăn may mắn, cầu được ước thấy, hoặc muốn vượt qua khó khăn để làm giàu thì họ nói với Đồng viết chữ Phúc, Lộc, Thọ.

Nhiều người khác thấy bế tắc trong tình yêu, hạnh phúc thì nhờ người viết thư pháp “tung tẩy” những câu thơ về hạnh phúc, về tình yêu.

Đồng kể, có lần đang viết chữ cho các sinh viên, một người đã lớn tuổi xưng tên là Đức Lê (ở Hà Nội) tiến lại nhờ Đồng tư vấn nên viết chữ gì để treo cho hợp với tâm trạng của mình.

Đức Lê trông bụi bặm, đăm chiêu. Lê kể rất nhiều về cuộc đời mình. Anh là con một gia đình khá giả ở Hà Nội, lớn lên do đua đòi ăn chơi đến trắng tay, không có tiền lao vào con đường trộm cắp phải vào trại giam. Lê ở trong trại ân hận và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Rèn luyện và phấn đấu đến ngày ra trại thì tuổi cũng đã xấp xỉ 40. Nhiều người biết “tiền sử” của anh quậy phá, ăn chơi nên xa lánh anh. Riêng cô H. thì không những yêu mà còn chấp nhận lấy anh làm chồng. Nghe chuyện xong, Đồng đưa bút viết hai câu thơ: “Long lanh tựa thể sương mù.

Tình yêu cứu được phù du kiếp người” (thơ sưu tầm). Xem xong những nét chữ bay bổng, uốn lượn như dòng đời nhưng đầy quy luật của thư pháp, ý nghĩa lại sâu sắc gần giống cuộc đời mình, Lê đứng lặng. Bỗng anh bật ra: “Quá khứ của tôi đúng là như vậy, nhưng giờ đây tình yêu đã giúp tôi hoàn lương trở lại”.

Trường hợp khác, một thanh niên tuổi cũng chỉ bằng Đồng, người này lúc đến mua chữ tỏ ra rất thất vọng, cô quạnh. Người thanh niên này kể, anh từng nghiện hút.

Bây giờ đã cai nghiện được một thời gian và muốn xin chữ nào đó để mỗi lần đọc, anh tự răn dạy mình không đi theo con đường nghiện hút đó nữa. Đồng nghe xong liền đặt bút trên nền giấy in mờ hình măng tre đang vươn lên đầy sức sống câu hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.

'Ông đồ 8X' bên chợ đông người qua! ảnh 2

Viết xong, Đồng đề tặng người bạn bị nghiện đó và không lấy tiền. Người thanh niên cố công xin trả tiền và tỏ ra rất ngại ngần. Đồng liền đặt bút viết bức thứ hai: “Đừng cúi xuống khi đời thử thách. Hãy nhìn lên hạnh phúc ở trên trời”. Bức này thì Đồng lấy tiền để làm vừa lòng người đang muốn cố gắng vươn lên.

Người chơi thư pháp thứ ba gây ấn tượng đối với Đồng là P. Sau khi xin chữ của Đồng, P mời Đồng về nhà mình ở cùng để làm bạn tâm giao. Bố mẹ P đều mất sớm, ở một mình, tính tình nóng nảy nhưng rất có tâm hồn.

Một lần P đi chơi ở chợ đêm sinh viên thấy Đồng viết thư pháp liền bỏ tiền mua chữ “Nhẫn” mong giảm đi phần nào tính tình nóng như lửa, hay gây gổ... Thấy P cầu thị, Đồng viết câu: Bách nhẫn thái hòa.

Hiện tại, Đồng vẫn đang tại nhà P để tiếp tục học đại học. P là thợ cơ khí nhưng yêu thư pháp, vậy nên họ vẫn thường đàm đạo nhiều về thư pháp, đầu tư công sức để làm sống lại những giá trị của thư pháp trong đời sống.

'Ông đồ 8X' bên chợ đông người qua! ảnh 3

Viết thư pháp cho không ít người, Đồng dễ nhận thấy chủ đề tuyệt tình và luyện ý chí là hai “trường phái” nở rộ. Đồng đã từng viết rất nhiều lần những câu: “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn. Để sớm mai nay lại tiếc xuân thì” (Trịnh Công Sơn); hay “Hỏi thế gian tình ái là chi.

Mà đôi lứa nguyện thề sống chết”... Với  những người mong mỏi ý chí thì thích những câu: “Nơi đâu có ý chí, nơi đó có con đường”; hay “Sống trên đời khó nhất là trang nam tử. Ý chí vững vàng mà tình cảm mênh mang”.

Thấy nhiều bạn trẻ viết thư pháp, thậm chí nhiều người thuộc nhóm 8X đã thành lập nhóm (Thập nhị bát tú - 28 ngôi sao trong làng thư pháp), Đồng rất mừng, nhưng khi đi cho chữ có lúc anh cũng thấy buồn vì nhiều người tỏ ra đùa cợt với văn hóa xưa.

Đồng đã từ chối viết những chữ không đúng với thư pháp hay có nội dung dung tục, không rõ ràng, vi phạm chính trị. Rất nhiều người đề nghị viết thư pháp những câu thơ nhái: “Tổ tiên công đức ban cho rượu.

Con cháu thảo hiền mặc sức say” đã bị anh từ chối. Anh chỉ chấp nhận viết nguyên nghĩa của câu là: “Tổ tiên công đức thiên niên thịnh. Con cháu thảo hiền vạn đại vinh”...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.