Ông nội mất, nỗi lo đè nặng vai cậu học trò viết 'bài văn lạ'

Học sinh Nguyễn Trung Hiếu
Học sinh Nguyễn Trung Hiếu
Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi… (Trích bài văn của Nguyễn Trung Hiếu).

> Nước mắt người mẹ
> Thư gửi mẹ!
> Bài văn 'nghĩ về tiền' đong đầy yêu thương

Học sinh Nguyễn Trung Hiếu
Học sinh Nguyễn Trung Hiếu.

Nỗi lo mà em Nguyễn Trung Hiếu (học sinh lớp 11 chuyên lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) chia sẻ trong bài văn gây xúc động đã thành sự thật. Ông nội Hiếu mất vào một ngày cuối tháng 11-2011, sau thời gian lâm bệnh nặng.

Xin giới thiệu bài viết của thầy Vũ Quốc Lịch - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về những tình cảm với cậu học trò nghèo khi nhận được tin ông nội của em Hiếu qua đời.

Được tin ông nội của Hiếu mất, tôi đến viếng ông. Vậy là nỗi lo của Hiếu ngày nào đã thành sự thật! Tôi lại chạnh lòng nhớ lại hình ảnh ông nằm đó đã gần 4 năm trời. Gần 4 năm đằng đẵng ông chống lại bệnh tật. Tôi nhớ cả những cơn ho kéo dài của ông làm cả gia đình cuống quýt…

Tôi là giáo viên bộ môn dạy cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu từ năm ngoái, khi em học lớp 10. Qua thầy Bùi Văn Phúc là giáo viên chủ nhiệm (nay là Phó hiệu trưởng nhà trường) tôi được biết em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được thầy Phúc đề nghị, nhà trường đã miễn giảm hoàn toàn các khoản đóng góp cho Hiếu. Trường Ams có không ít học sinh nghèo nên quả thật tôi cũng không để ý hết xem khó khăn của gia đình em đến mức nào.

Rồi trong một cuộc họp hội đồng vào tháng 9 năm 2011, lãnh đạo nhà trường đã nêu đích danh một trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn mà cô Đặng Nguyệt Anh - giáo viên dạy văn phát hiện qua bài văn nghị luận em làm nộp cô, và phát động phong trào nhà giáo trường Ams đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Tôi vội đi tìm bài văn đó và đã rất xúc động trước tình cảm của em dành cho mẹ đằng sau những câu chữ cắt nghĩa về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống. Đến thăm gia đình em tôi thật sự đồng cảm với lo toan của cậu học trò nhỏ này. Khó khăn quá, nhà có 5 người thì 4 người không có khả năng lao động. Cả nhà chỉ trông chờ vào hơn 4 triệu đồng hưu trí của ông và bà nội Hiếu để ăn uống sinh hoạt hàng ngày và thuốc thang chữa bệnh.

Ấn tượng nhất với tôi chính là ông nội Hiếu. Ông bị bệnh nằm liệt giường đã gần 4 năm nay. Mắt tôi bỗng cay xè khi nhớ đến câu hỏi bỏ lửng trong bài văn của Hiếu “Nếu ông mất thì sao ?”. Ai trong chúng ta không mong con mình có tình yêu gia đình, biết thương yêu, chia sẻ cùng bố mẹ như Hiếu, và ai không mong bố mẹ già của mình được sống mạnh, chết thoát.

Vậy mà ông nội Hiếu 90 tuổi, ốm liệt giường gần 4 năm mà vẫn còn nặng gánh trần ai. Lương hưu của ông chiếm tới 3/4 “thu nhập” của cả nhà. Chắc ông đã phải gồng mình chống chọi với bệnh tật để sống, để nhận hàng tháng hơn 3 triệu đồng cho cả gia đình cầm cự trong cơn bão giá giữa lòng Hà Nội...

Tôi đã viết bài giới thiệu bài văn của Hiếu trên báo điện tử Dân trí để những giá trị nhân văn lấp lánh trong bài văn của em đến được với mọi người và hy vọng bạn đọc sẽ chia sẻ một phần những khó khăn của gia đình em.

Vượt qua kì vọng của tôi, hàng chục báo đã đăng tải lại bài viết này. Hiếu đã nhận được sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất của đông đảo bạn đọc và các nhà hảo tâm tài trợ trên cả nước, trong đó có cả các chính khách như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Truyền thống lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo trong hoạn nạn của người Việt được thể hiện rõ rệt.

Mới đây, được tin ông nội của Hiếu mất, tôi đến viếng ông. Vậy là nỗi lo của Hiếu ngày nào đã thành sự thật! Tôi lại chạnh lòng nhớ lại hình ảnh ông nằm đó đã gần 4 năm trời. Gần 4 năm đằng đẵng ông chống lại bệnh tật. Tôi nhớ cả những cơn ho kéo dài của ông làm cả gia đình cuống quýt… Chắc chắn ông cũng rất hiểu nỗi lo của Hiếu, đứa cháu đích tôn mà ông hằng yêu quý, và ông đã cố sống không phải chỉ vì ông mà vì cả 4 người khác trong căn nhà này.

Thật may là, trước ngày ông mất, ông đã thấy được tấm lòng nhân ái của cả cộng đồng với hoàn cảnh gia đình mình. Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội” cũng đã hỗ trợ kịp thời suất học bổng 5 triệu đồng cho cháu Hiếu làm ấm lòng ông - một cựu chiến binh già.

Xin thắp một nén hương thơm tưởng nhớ ông và mừng cho ông được ngậm cười nơi chín suối!

Mấy bác hàng xóm bảo tôi: Ông cụ từ lâu đã yếu lắm mà không “đi” được, thế mà sau khi biết cháu Hiếu được nhiều người quan tâm chia sẻ ông lại đi… Vâng, tôi tin rằng ông đã thật nhẹ lòng và thanh thản ra đi không khỏi vướng bụi trần bởi đứa cháu đích tôn của ông đã được hội đồng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nơi cháu học, các nhà hảo tâm và cả xã hội lo cho tương lai của cháu.

Vũ Quốc Lịch
Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Theo Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.