Organon- triển lãm solo của nghệ sỹ trẻ Việt tại Mỹ

Organon- triển lãm solo của nghệ sỹ trẻ Việt tại Mỹ
Năm 2019 là một năm bận rộn của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thùy Anh. Sau một loạt thành công của các triển lãm chung với các nghệ sỹ châu Á, mới đây triển lãm solo đầu tay của cô tại gallery Assembly Room (New York) mang tên Organon đã thu hút sự quan tâm của giới nghệ thuật, và được các nhà phê bình nghệ thuật và giám tuyển tên tuổi ở New York đánh giá cao.

Nói về tiêu đề triển lãm, Thùy Anh cho biết : ““Organon” –  tiếng Hy Lạp của từ “Organ”, vừa có nghĩa là các dụng cụ kỹ thuật vừa có nghĩa là các cơ quan nội tạng.  Nó xác định một ý nghĩa hữu cơ và gợi cảm cho các bộ máy máy móc, và ngược lại.” 

Tiêu đề này được giám tuyển Banyi Huang lựa chọn với cảm hứng từ một nghiên cứu của triết gia người Đức Ernst Kapp trong ấn phẩm “ Các yếu tố của Triết lý công nghệ: Về lịch sử tiến hóa của Văn hóa (1877)”.  Trong đó ông lý luận rằng sự tiến hóa của văn hóa và công nghệ được bắt rễ trong bản năng sản xuất công cụ của con người, một chức năng mà ông xác định như  sự chuyển hoá chức năng của các bộ phận cơ thể con người thành công cụ, vật thể.  Đây cũng là triết lý mà Thùy Anh theo đuổi. Sự kết nối giữa cơ thể con người và công cụ được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt của cô.

Organon- triển lãm solo của nghệ sỹ trẻ Việt tại Mỹ ảnh 1
 

Trong tác phẩm trung tâm của triển lãm – Những Thứ Cần Thiết Cho Di Động  (Mobile Necessity) (2019), 3 tấm sắt cắt vuông vắn với độ cao bằng cơ thể của nghệ sĩ, mỗi tấm nặng hơn 15 kg, đi kèm tay cầm hoặc dây đeo. Trong khi các dây đeo và tay cầm gợi ý chức năng cụ thể, có thể mang theo, thì sự cứng nhắc của vật liệu lại chống lại khả năng nhấc lên và di chuyển của đồ vật. Các khuôn mẫu silicon mô phỏng các bộ phận cơ thể con người như hông, vai, miệng,  gợi lên sự thân mật, gắn bó với cơ thể khi giúp cơ thể  ngồi, nghiêng, và cho ăn. Các chất liệu mềm mại, như da thịt dường như mơn trớn, lôi kéo người xem, tương phản với bề mặt sắt cứng, lạnh lẽo gợi cho người xem cảm giác đau đớn, tính bạo lực. Tác phẩm thể hiện nỗi đau của cơ thể con người khi gánh chịu sự trớ trêu của cuộc sống đương đại vốn gắn liền với sự dịch chuyển và tính vô định.

Tác phẩm Gặp gỡ qua những vết chạm (Meet by Touch) (2017-2018) là một màn trình diễn và cung cấp tài liệu một cách lâu dài. Trong vòng 1 năm, Thùy Anh và một nghệ sỹ khác trao đổi các dấu ấn cơ thể của họ giữa Hà Nội, Việt Nam và thành phố New York, Mỹ, tạo nên một mối quan hệ thân mật bị ngăn cản, trì hoãn.

Organon- triển lãm solo của nghệ sỹ trẻ Việt tại Mỹ ảnh 2
 

Những khoảng cách giữa các cá nhân được gắn chặt vào một khoảng cách cố định của vật thể trong tác phẩm Một nghiên cứu về khoảng cách (Semiotics of Distance) (2017). Trong tác phẩm này, 2 mảnh vỡ từ một cái mâm nhôm truyền thống của người Việt, được gắn với nhau bằng một ống silicon tương tự như dây rốn, đặt trên cây chống ba chân, được hai người đàn ông luân chuyển vị trí trong không gian. Hai tác phẩm này cũng như mọi tác phẩm khác trưng bày trong triển lãm Organon đều khắc họa nhu cầu kết nối bền bỉ của con người, khi sự gần gũi về thể chất là không thể.

Triển lãm đã thành công, thu hút được sự chú ý và đánh giá của giới nghệ thuật Newyork.  Nhà phê bình nghệ thuật Jonathan Goodman, với 30 năm kinh nghiệm phê bình nghệ thuật đương đại ở New York, có kết luận:

“…chúng ta hiểu rằng, nghệ sĩ cố tình đặt cơ thể cô vào vật thể, mang cô gần hơn với người xem. Nhưng có lẽ không phải, khi (qua sự trừu tượng của mỗi vật thể) chúng ta nhận ra rằng nghệ sĩ giữ khoảng cách nhất định với người xem. Chúng ta cảm thấy như rất gần với cô, nhưng chúng ta cũng được nhắc nhở về khoảng cách nhất định giữa nghệ thuật và người đón nhận nghệ thuật, mặc dù khoảng cách giữa cơ thể là khoảng cách gần nhất có thể cho sự tồn tại con người với con người. Trong tương lai xa, việc chúng ta có thể hiểu hay đến gần tác phẩm hay không không phải là vấn đề, mà vấn đề là khoảng cách. Những tác phẩm của cô đã minh họa rõ nét thực tế đó. Đó là vấn đề mà tất cả chúng ta đều không tránh khỏi, người nghệ sĩ cũng vậy” ( Jonathan Goodman, Tussle Magazine (2019).

Triển lãm được giám tuyển bởi Banyi Huang, nhà phê bình với những bài viết cộng tác xuất bản trên các báo và ấn phẩm tại New York và trên thế giới như Brooklyn Rail, Hyperallegic, ArtAsia Pacific, OCULA.

Về nghệ sỹ:

Nguyễn Thùy Anh (sinh năm 1993) là một nghệ sỹ thị giác đến từ Hà Nội, Việt Nam. Cô có bằng M.F.A (thạc sỹ) liên ngành nghệ thuật của Trường Nghệ thuật Thị giác (2018) và B.A (cử nhân) ngành Nghệ thuật và Tiếng Anh (sáng tác) của trường DePauw University (2015). Thùy Anh đã triển lãm tại Miyako Yoshinaga Gallary, Sotheby’s Institute of Art, BOSI Contemporary, Radiator Gallery, Chinatown Soup Gallery, The Java Project, Pfizer Factory, Trestle Gallery, Nhà Sàn Collective (Hà Nội, Việt Nam). Triển lãm đơn bao gồm Assembly Room (NY). Cô đã tham gia lưu trú tại Brooklyn Art Space, Vermont Studio Center. Thùy Anh sinh sống và  làm việc tại Brooklyn, New York, nơi có là thành viên của Brooklyn Art Space- Trestle Project và là Giáo Sư tại trường Hudson County Community College.

MỚI - NÓNG