'Ôsin' xứ Đài thành bà chủ chè sạch

'Ôsin' xứ Đài thành bà chủ chè sạch
TP - Vay tiền đi xuất khẩu lao động Đài Loan làm giúp việc gia đình, chị thắt lòng để lại con nhỏ, mẹ già ở quê. Ngày trở về, không chỉ có vốn giắt lưng, chị còn mang được công nghệ sản xuất chè sạch của Đài Loan về.

Từ đó, Nguyễn Thị Hương một tay gây dựng doanh nghiệp chuyên sản xuất chè sạch xuất khẩu ở Phúc Thuận, Phổ Yên, Thái Nguyên.

'Ôsin' xứ Đài thành bà chủ chè sạch ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Hương bên sản phẩm chè sạch. Ảnh: Nguyễn Hà

Thân cò

17 tuổi, Hương lên xe hoa. Chồng nghiện ma tuý, gia đình tan vỡ. Năm ấy, Hương 28 tuổi. Ly dị chồng một thời gian, năm 2001, chị vay tiền quyết đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, kiếm vốn làm ăn.

Chị đi, để lại mẹ già gần 70 tuổi và con trai 10 tuổi. “Day dứt lắm nhưng lúc đó tôi nghĩ đơn giản là phải đi chứ không thì chết đói”, chị tâm sự. Qua Đài Loan, chị được một gia đình thuê chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại một bệnh viện ở Thành phố Đài Bắc.

Biết ở quê chị làm chè, người nhà bệnh nhân biếu chị gói chè uống cho đỡ nhớ quê. Cầm túi trà ở xứ người, mẫu mã đẹp, uống có vị ngọt mát, không chát đắng như chè ở quê.

'Ôsin' xứ Đài thành bà chủ chè sạch ảnh 2
Công nhân công ty Vạn Tài của chị Nguyễn Thị Hương đang đóng gói các sản phẩm chè xuất khẩu

Thấy chị quan tâm hỏi chuyện, người nhà bệnh nhân mua giúp sách, đĩa hình dạy cách làm chè, pha chè, chăm bón… Đọc sách, xem đĩa chị vỡ ra nhiều điều. Hóa ra ở Đài Loan, từ lâu người ta đã áp dụng công nghệ làm chè ép chân không. Sản xuất theo công nghệ này chè có thể để được hai năm vẫn nguyên vị.

Chị mê lắm, ngày đêm tìm hiểu. Nhờ đó, tiếng Đài Loan chị cũng khá lên. Chị bạo dạn bày tỏ với gia chủ, mong ước ngày về sẽ làm được loại chè như của Đài Loan. Ngày sắp về nước, gia chủ giới thiệu chị đến một số mô hình triển lãm và sản xuất chè để học hỏi kinh nghiệm.

Thương hiệu chè sạch

Về nước, với số vốn hơn trăm triệu đồng, cộng kiến thức về chè, chị trăn trở tìm cách áp dụng công nghệ chế biến trà chân không tại quê mình.

Ba tháng sau, chị quay lại Đài Loan mua máy ép chân không giá 7.000 USD về thử nghiệm. Tại huyện Phổ Yên, chị mua mấy tấn chè đủ chủng loại về chế biến thử nghiệm nhưng thất bại, hương vị không giống chè của Đài Loan.

“Nguyên nhân là nguyên liệu đầu vào không chuẩn. Phải xây dựng vùng nguyên liệu sạch mới có thể thành công”, chị Hương nói.

Khi làm giúp việc gia đình tại Đài Loan, Nguyễn Thị Hương được thị trưởng Thành phố Đài Bắc tặng bằng khen lao động ưu tú (giải thưởng dành cho người Việt Nam lao động tại nước ngoài).

Năm 2008, Nguyễn Thị Hương được trao Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng và Cúp vàng vì nông dân Việt Nam do Hội Nông dân Việt Nam tặng.

Chị trình bày ý tưởng lập Cty sản xuất chè xuất khẩu, vận động người thân góp vốn, nhưng mọi người lắc đầu, cho là ảo tưởng. Thế nhưng, bằng chút vốn của mình, chị vẫn lập Cty TNHH Vạn Tài. Cty ra đời, chị được vay vốn quốc gia về giải quyết việc làm (T.Ư Đoàn) 350 triệu đồng.

Có thêm vốn, chị tuyển 50 nhân công chủ yếu lao động trong xã và các xã lân cận. Chị mua trang trại chè năm năm tuổi để sản xuất nguyên liệu chè cành giống mới, đồng thời ký hợp đồng với nhiều hộ nông dân mua nguyên liệu chè sạch. Hiện, Cty của chị xây dựng được vùng nguyên liệu hàng chục héc ta.

Đầu năm 2008, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tiên cho sản phẩm đạt chất lượng sạch của Cty Vạn Tài. Có nguyên liệu sạch, chị sản xuất chủ yếu hai loại trà Ô Long và Hồng Trà.

Nhờ mối quen từ khi làm giúp việc gia đình ở Đài Loan, cuối năm 2008 chị  xuất thử một lô hàng chè sạch sang thị trường này. Thật bất ngờ, ngay từ lô hàng đầu tiên, chè của chị đã được thị trường Đài Loan chấp nhận. Chủ hàng tiếp tục ký hợp đồng mới.

Đến nay, hai thương hiệu chè Ô Long và Hồng Trà của Cty Vạn Tài ngoài thị trường chính là Đài Loan, còn có mặt ở Hàn Quốc.

'Ôsin' xứ Đài thành bà chủ chè sạch ảnh 3

Chị Hương (đứng) kiểm tra việc đóng gói chè sạch tại Cty

Năm 2009, dự kiến Cty Vạn Tài cho năng suất khoảng 50 tấn chè sạch với hai loại chè là Ô Long và Hồng Trà xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc và sắp tới là Nhật Bản. Đến nay, trị giá tài sản Cty chị lên đến cả chục tỷ đồng.

Chị Hương cho biết, chè Ô Long, Hồng Trà mặc dù giá đắt từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng/ kg vẫn không đủ bán, trong khi chè bình thường ở Thái Nguyên chỉ bán với giá 80 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg.

Chị Hương tâm sự: “Tôi muốn tự tay gây dựng thương hiệu cho chè quê hương. Trước đây, nhắc đến chè Thái Nguyên người ta chỉ biết đến chè Tân Cương, Thịnh Đán, Phúc Trìu… còn chè trồng ở huyện Yên Phổ đem xuống thành phố Thái Nguyên nếu bán được thì rẻ hoặc không bán được. Còn nay, chè Phổ Yên dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường”.

Có tiền, nghề, bạn hàng và thị trường

Được chúng tôi cung cấp thông tin về chị Nguyễn Thị Hương, lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đây là điểm sáng trong xuất khẩu lao động, là ví dụ sinh động về việc tự giải quyết việc làm, tạo nghề ổn định sau khi xuất ngoại trở về (thường gọi là chính sách hậu xuất khẩu lao động).

Đi làm việc tại một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu… lao động Việt Nam có quá nhiều điều để học, áp dụng sau khi kết thúc hợp đồng về nước. “Hoàn cảnh, sự vươn lên, và hiện thực hoá ước mơ tốt đẹp mà chị Hương đã làm - là ví vụ sinh động cho việc ra nước ngoài làm việc sau khi về nước vừa hoàn thành xuất sắc hợp đồng, vừa có tiền, có nghề và có bạn hàng sau khi mở rộng sản xuất ở quê nhà. Đó là cái hay của xuất khẩu lao động, đó là ích nước lợi nhà” – Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.