PG - một thế giới không đơn giản

PG - một thế giới không đơn giản
Tôi, một sinh viên cao ráo, ưa nhìn, làm PG (viết tắt của promotion girl - tạm dịch là nữ nhân viên tiếp thị), gần năm nay. Vì thế tôi biết rằng đằng sau những gì tốt đẹp về nghề PG mà báo chí miêu tả là một thế giới cũng không hề đơn giản...
PG - một thế giới không đơn giản ảnh 1

Một PG đang đảm nhận vai người mẫu tóc. Ảnh: Huyền Trang.

Thế giới PG có nhiều loại người khác nhau, từ những sinh viên đại học đi làm thêm đến những học sinh THPT thỉnh thoảng rảnh rỗi hoặc trốn học đi làm, cho tới những cô gái xinh đẹp nhưng trình độ văn hóa thấp, thất học.

Và thành phần thứ ba cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ chút nào.

Chuyện PG gièm pha, nói xấu lẫn nhau là chuyện xảy ra thường ngày. Lý do để nói xấu thì cũng nhiều: không ưa người kia, ghen tức vì người kia nổi trội hơn (!?), tranh giành việc làm...

Một buổi làm ở gian hàng hội chợ, trong lúc rảnh rỗi, mấy PG cùng nhóm với tôi túm tụm lại buôn xấu về một PG khác cũng đang làm ngay gian hàng bên cạnh. Đủ thứ chuyện của cô bé kia bị tung lên, chẳng biết tin đồn, đúng sai ra sao...

Đối mặt với sự coi thường...

Có những thành phần PG như vậy nên nhiều người vì thế mà cũng “đánh đồng một lứa”, cho rằng “chân dài đầu óc ngắn”.

PG thu hút giới trẻ bởi mức lương hấp dẫn và sự không cố định về thời gian làm việc của nó.

Chỉ cần làm vài buổi trong thời gian rảnh rỗi là một sinh viên có thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống bình thường trong một tháng.

Nếu làm liên tục nhiều ngày trong một tháng thì một PG cỡ trung bình có thể kiếm được mức lương cao hơn lương nhiều công nhân viên chức nhà nước.

Làm PG, bản thân tôi và những cô gái khác cũng cảm thấy mình năng động hơn và khả năng giao tiếp được nâng lên hơn trước rất nhiều.

Đó cũng chính là điều mà gần đây báo chí thường đề cập đến về PG.

Tuy nhiên, thế giới của các PG - một thế giới toàn những người trẻ cũng không đơn giản và “đẹp” đến mức nhiều người phải mong muốn tham gia.

Có anh bạn khuyên tôi không nên đi làm PG, lo tôi “mất hình tượng sau này”.

Trước khi đi làm PG, bạn trai tôi cũng khá ái ngại về việc tôi tham gia vào công việc này.

Nhưng đối với nhiều PG, công việc này chỉ là một công việc làm thêm, công việc tạm thời trước mắt, chỉ cần đi vài buổi là kiếm được tiền tiêu vặt, tiền trang trải cuộc sống hằng tháng.

Một PG làm cùng tôi trong một chương trình, nhà thuộc loại khá giả, bản thân cũng là bà chủ cửa hàng thời trang, nhưng có chương trình nào cũng vẫn đi bởi: “Đi mỗi chương trình tự dưng được 300.000-400.000 đồng/ngày, kiếm đâu cho lại!

Miễn là không làm việc gì xấu xa, có ngoại hình thì tội gì không dùng nó làm lợi thế cho mình?".

Những rắc rối khi làm PG

Khi đi làm PG, có những người có thái độ, cử chỉ, lời nói khiếm nhã với PG là chuyện thường gặp, nhất là với những chương trình tiếp thị rượu, bia, thuốc lá...

Cô bạn của tôi từng khuyên tôi không nên đi làm PG trong quán cho một hãng bia vào buổi tối vì “làm ở đó phức tạp, hay bị trêu ghẹo, khó chịu lắm”.

Nếu chấp nhận đi, chấp nhận làm PG, để không sa ngã, không đánh mất lòng tự trọng bản thân thì bạn cần phải có gương mặt “lạnh tanh” trước những lời trêu ghẹo, những ánh mắt soi mói, và giữ cho mình một nguyên tắc: không cho số điện thoại.

Chuyện trang phục cũng là nỗi khổ của PG. Giáng sinh và tết là dịp có nhiều chương trình được tổ chức. Thời tiết quá lạnh trong khi trang phục mà PG phải mặc thường là váy ngắn, áo cộc tay, áo dài... và không được mặc áo khoác!

Trong một chương trình làm cho một hãng máy tính vào dịp Giáng sinh, tôi từng phải mặc váy ngắn, áo sát nách đứng ngoài trời trong khi gió mùa Đông Bắc thổi về.

Tay chân run cầm cập, da tím tái, chỉ sợ tự dưng lăn ra ốm. Nhưng biết làm sao được, đó là việc tất nhiên mà PG phải chịu! Được mặc trang phục kín hơn một chút thì không sao, có những chương trình yêu cầu PG mặc rất “thoáng”.

Điều này bắt buộc PG nào có kinh nghiệm phải hỏi trước khi nhận chương trình. Nhưng nhiều lúc cũng không thể lường trước được.

Có lần tôi được một PG kể, vì ngay cả người quản lý cũng chưa biết đồng phục chương trình thế nào nên cô ấy vẫn cứ gật đầu nhận làm.

Nhưng đến lúc gần sát chương trình, đồng phục được mang đến thì các PG mới phát hoảng vì “áo thì như áo yếm, váy thì quá ngắn, mặc vào như gái quán bia ôm”. Nhưng đã nhận làm thì đến lúc đấy cũng đành phải “nhắm mắt đưa chân mà mặc thôi”!...

Ép giá là chuyện bình thường!

Hầu như làm chương trình nào PG cũng phải qua trung gian giới thiệu: công ty môi giới, công ty tổ chức sự kiện, người quản lý (trong giới hay gọi là “má mì”), PG gọi người...

Tiền lương do phía đối tác trả đến tay PG nhận thường chỉ còn 50-70% phụ thuộc vào “độ” chèn ép của trung gian. Không thiếu người nên PG phải chấp nhận điều đó.

Trong giới PG cũng nổi tiếng chuyện “má mì” B., người thường xuyên ép giá PG không nương tay. B. chỉ thuê một căn phòng trong tòa nhà của một công ty truyền thông, rồi dựa vào cái tên của công ty đó để đứng ra gọi người cho các chương trình.

Tiền lương PG đều bị cắt một cách tối đa mặc dù B. đã được nhận tiền quản lý và gọi người từ phía đối tác.

Người ta trả cho một PG 200.000-300.000 đồng/ngày công thì B. trả lại cho PG 70.000-100.000 đồng/ngày.

Lương PG bị B. cắt xén đến 70%! Nhiều PG làm một lần với B. là “cạch mặt” lần sau. Nhưng B. vẫn không thiếu người làm vì sinh viên thì đông mà ai cũng cần việc.

Đến những vụ lừa đảo...

PG đi làm thường là tin tưởng vào nhau là chính. Hợp đồng ký cũng chỉ có một bản lưu về phía công ty, thậm chí hầu như sau khi làm xong chương trình rồi mới ký hợp đồng (!), hoặc có khi cũng chẳng có hợp đồng nào cả.

Nếu sau đó phía kia không trả tiền thì PG cũng phải chịu, chẳng biết kêu ai, kiện ai vì trong tay chẳng có giấy tờ pháp lý nào.

Những vụ quịt tiền cũng đã có, còn chuyện PG có khi phải đợi đến hơn một tháng mới được lấy tiền là chuyện thỉnh thoảng cũng xảy ra.

Hiện nay nhiều trung tâm môi giới việc làm cũng có những hành vi lừa đảo. Đưa ra mức lương PG hấp dẫn, có nơi quảng cáo làm hai giờ đã nhận được lương 200.000-300.000 đồng nên nhiều bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm làm PG cũng dễ mắc lừa mất tiền oan.

Tôi từng phải tư vấn cho một cô bé khi cô ấy định đi làm PG qua lời giới thiệu của trung tâm môi giới trên đường Hoàng Quốc Việt.

Trung tâm quảng cáo làm ngày ba giờ, liên tục hai tuần cho hội chợ tết sẽ được trả lương 2 triệu đồng, nhưng với điều kiện phải đóng phí môi giới 500.000 đồng.

Với chương trình dài ngày trong hội chợ, nơi nào sẽ chịu trả cho PG mức lương gần 50.000 đồng/giờ? Nó quá cao so với mức lương chung của PG. Và càng phi lý hơn khi cô bé đó không xinh xắn và chưa cao tới 1,60m!

Còn rất nhiều trung tâm môi giới như thế và các tờ rơi quảng cáo những công việc hấp dẫn với mức lương cao ngất vẫn được phát công khai nhiều nơi. Bao nhiêu người sẽ phải nộp tiền oan cho các trung tâm lừa đảo?

Lời kết

“Vì tiền nên vẫn phải đi làm thôi, chứ nhiều lúc nghĩ lại cũng thấy ức lắm. Đúng là kiếm tiền của thiên hạ chẳng dễ bao giờ. Không khó kiểu này thì khó kiểu khác!” - một PG tâm sự.

Theo Vân Trương
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG